1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Người trẻ Việt kiếm tiền tỷ từ việc “lang thang”

Những năm gần đây, blogger du lịch nổi lên như một nghề, một công việc có thu nhập khủng được giới trẻ thế giới đam mê theo đuổi.

Travel blogger (blogger du lịch) là những người có niềm đam mê du lịch. Họ thường lang thang khắp các nẻo đường, con phố hay ở bất cứ vùng đất nào trên thế giới mà họ muốn khám phá.

Cuộc sống của một người làm blogger du lịch luôn gắn liền với đủ thứ lỉnh kỉnh từ quần áo, máy ảnh, laptop,… và ngôi nhà thứ hai của họ cũng chính là thế giới.

Việc du lịch không chỉ là đam mê mà còn mang đến cho họ nguồn thu nhập khủng lên tới 10.000USD/tháng (~230 triệu đồng) từ việc chia sẻ các kinh nghiệm, trải nghiệm ở mỗi nơi họ đến cho cộng đồng mạng.

Khoảng 5 - 6 năm trở lại đây, blogger du lịch bắt đầu nhen nhóm ở Việt Nam và ngày càng bùng nổ hơn với sự ra đời của hàng loạt các travel blogger nổi tiếng như Hằng Đinh, Trần Quang Đại, Lê Trung Kiên, Trần Việt Anh, Trần Việt Phương, Lý Thành Cơ…

Họ không chỉ sở hữu lượt follow như các sao hạng A trên mạng xã hội mà còn từng được đề cử ở các hạng mục giải thưởng mang tầm Châu lục và thế giới.

Người trẻ Việt kiếm tiền tỷ từ việc “lang thang” - 1

 Travel blogger có thu nhập lên tới 10.000USD/tháng nhờ việc chia sẻ các trải nghiệm du lịch

Trao đổi với travel blogger Lý Thành Cơ, Cơ cho biết bạn bắt đầu viết blog du lịch vào năm 2015, khi vừa đi 10 nước đầu tiên. “Khi đó có khá nhiều chuyến đi, nên nghĩ rằng nếu không viết, không chụp lại thì những chuyến đi ấy mình sẽ sớm quên đi mất, thế là trang blog lythanhco.com ra đời để ghi lại những trải nghiệm của Cơ.” 

Bởi vậy, Cơ chưa bao giờ xem travel blogger là công việc chính vì bản thân Cơ còn có một công việc chính trong ngành quảng cáo mang đến nguồn thu nhập rất ổn định. “Travel blogger chỉ là một đam mê, một nghề tay trái của Cơ giúp cho cuộc sống thêm phần thú vị mà thôi”.

Về thu nhập từ travel blogger, Cơ không muốn tiết lộ cụ thể, tuy nhiên, Cơ chia sẻ, nguồn thu hiện tại từ travel blogger đã vượt mức lương công việc chính của Cơ nhiều lần mỗi tháng.

Nguồn thu này đến từ các hợp đồng quảng cáo, endorsement cho sản phẩm, tham gia event, tham gia làm gương mặt chạy PR cho các nhãn hàng trong khá nhiều lĩnh vực ngoài du lịch, như mỹ phẩm, thời trang, công nghệ, v.v…

Người trẻ Việt kiếm tiền tỷ từ việc “lang thang” - 2

Lý Thành Cơ cho biết nguồn thu nhập đến từ travel blogger đã vượt mức lương của công việc chính nhiều lần mỗi tháng

Theo Cơ, travel blogger hiện nay đã xê dịch từ chữ “xu hướng” để trở thành “sự nghiệp”, đó chính là tương lai của công việc này. Nhiều bạn đã làm công việc này toàn thời gian và mang lại thu nhập vô cùng ổn định, thậm chí rất tốt.

Đó là sự phát triển của công nghệ và mạng xã hội khi những chuẩn mực nghề nghiệp thông thường không phải là thước đo thành công nữa. Công việc này biến cho giấc mơ của ngày trước “vừa du lịch vừa có tiền” trở thành sự thật.

Tại Việt Nam, travel blogger trở nên bùng nổ, nhiều bạn trẻ cũng xuất hiện như một trào lưu nhưng những người ở lại sau trào lưu mới là người thành công thật sự!

Tuy nhiên, không có con đường nào trải toàn hoa hồng. Không chỉ là lên đường để nhìn ngắm đó đây và chụp những tấm ảnh đẹp đăng lên mạng xã hội là xong, travel blogger phải thường xuyên trau dồi kiến thức về các vùng miền mà mình đến.

Đằng sau những khung hình ngoạn mục về thiên nhiên hay cảnh sắc, họ còn phải biết kể những câu chuyện thật hay và hấp dẫn về văn hóa, phong tục tập quán, thói quen cuộc sống của nơi đó.

Theo chia sẻ của Rosie Nguyễn (Nguyễn Hoàng Nguyên), blogger du lịch đang được giới trẻ rất quan tâm, tác giả cuốn sách hướng dẫn du lịch bụi nổi tiếng “Ta balô trên đất Á”: "Mọi người thường nghĩ những người làm nghề này thì được đi nhiều nơi, được ăn miễn phí, ở những nơi sang trọng. Tôi không phủ nhận rằng công việc này mang đến cho chúng tôi những đặc quyền mà không dễ dàng có được, nhưng đó chỉ là phần nổi của tảng băng".

Theo chị, công việc này cũng mang đến nhiều áp lực và trách nhiệm không kém gì những công việc khác, không chỉ với khách hàng mà còn với công chúng. "Áp lực của công chúng đối với nghề này là kinh khủng. Ví dụ khi mình đăng nội dung gì đó không phù hợp với trải nhiệm của người khác, mình sẽ bị chỉ trích. Những trường hợp không khéo trong việc quản lý con chữ hay hình ảnh và bị đám đông ném đá, dư luận tẩy chay không phải là hiếm".

Theo Hà Kiều/Danviet.vn