Blogger công sở, hãy thận trọng!

Có rất nhiều lý do khiến bạn viết blog về công việc của mình. Bạn muốn khoe với mọi người về thành tích mà bạn đạt được, xả cơn tức giận với đồng nghiệp hoặc với sếp, hôm nay bạn đã gặp những ai ở cầu thang hoặc chỉ đơn giản là thuật lại những việc đã làm trong ngày.

Cho dù lý do của bạn là gì đi chăng nữa thì blog với chủ đề công việc của bạn luôn ẩn chứa nhiều mối nguy hại.

 

Những mối nguy hại từ blog công sở

 

Blog khác với trang web cá nhân như thế nào? “Sự khác biệt đó là blog có những công cụ dễ sử dụng, xoá bỏ những rào cản khi online”, Rebecca Jeschke, người phát ngôn của Electronic Frontier Foundation (EFF) cho hay.

 

Mối nguy hại của blog công sở sẽ xảy đến nếu bạn không lường trước được những rắc rối khi xuất bản những thông tin hàng ngày lên mạng vì mục đích cá nhân. Hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi viết bất cứ thông tin về công việc của bạn lên blog.

 

Blogger Waiter Rant nói: “Khi bạn bắt đầu viết blog, bạn hãy nghĩ rằng mọi thông tin bạn viết ra đều có thể đến với đồng nghiệp hay sếp, hay khách hàng, đối tác của bạn”.

 

Nghiêm trọng hơn nữa, bạn có thể bị đuổi việc vì blog. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra nếu những thông tin bí mật của công ty vô tình bị bạn tiết lộ trên blog.

 

Tuy nhiên, theo một bài báo cáo của CNET, chỉ có 3% các công ty kỷ luật các blogger và chưa một công ty nào đuổi blogger. Và theo một cuộc khảo sát gần đây của Monster với câu hỏi “Bạn đã bao giờ viết blog về công ty cũng như công việc của mình chưa?” thì 58% số người được hỏi đã trả lời bằng một câu hỏi ngược: “Blog là gì?”.

 

Những nguy có tiềm ẩn liên quan đến pháp luật từ blog

 

Cũng giống như những hình thức xuất bản công khai khác, blog của nhân viên công sở tiểm ẩn mối nguy hại vi phạm pháp luật. Bởi vì blog có thể bao gồm những lời phỉ báng, xúc phạm; blog có thể vi phạm quyền sở hữu trí tuệ: thương hiệu, bằng sáng chế và bản quyền; blog có thể vi phạm quy định tiết lộ thông tin bí mật của công ty và những điều cấm đối với một nhân viên.

 

Như vậy, một blogger - nhân viên muốn viết blog phải làm gì trước tiên để không vi phạm những điều kể trên? Stephen Lichtenstein, giáo sư ngành luật của trường Cao đẳng Bentley khuyên: “Nếu công ty bạn có quy định về viết blog, nên đọc kỹ chúng trước khi gõ bàn phím”.

 

Hầu hết nhân viên đều cho rằng quyền tự do ngôn luận sẽ bảo vệ họ và họ sẽ không bị sếp quở trách hay đuổi việc. Đó chính là sự ngộ nhận phi lý.

 

Tuy nhiên, có một vài dạng ngôn luận đặc biệt có thể được bảo vệ. Nếu bạn viết blog về tổ chức công đoàn thì bạn sẽ được khuyến khích và bảo vệ khỏi những rắc rối.

 

EFF đã xuất bản một cuốn sách về viết blog an toàn, bao gồm sử dụng tên nặc danh như thế nào khi viết blog cũng như những cái tên đó bảo vệ bạn khỏi những rắc rối của sếp muốn sa thải vì blog của bạn.

 

Sử dụng tên nặc danh: Liệu có an toàn?

 

Nhiều blogger viết bài bằng cách thay đổi tên, dùng tên nặc danh và viết lại các chi tiết theo cách khác. “Những cái tên nặc danh rất thú vị và quan trọng, chúng cho phép tôi nói những điều mà tôi muốn”, blogger Waiter Rant, người có rất nhiều tai tiếng trong thế giới blog nói.

 

Tuy nhiên, các blogger đừng nghĩ rằng nặc danh sẽ giúp họ “vô hình”. Chỉ cần một sơ suất có thể khiến cho họ gặp rắc rối lớn với sếp hoặc pháp luật. Bond nói “Tôi đã khuyên thân chủ của tôi không nên lạm dụng những cái tên nặc danh”.

 

Còn blogger Waiter Rant lại có cách bảo vệ an toàn khác, anh nói rằng anh không lo lắng sẽ bị gặp rắc rối bởi vì “Tôi không viết nhiều về đồng nghiệp, và nếu có viết thì bao giờ tôi cũng hỏi ý kiến họ trước”.

 

Cuối cùng, bạn không nên phơi bày tất cả mọi chuyện ở công ty lên blog và hãy luôn thận trọng trước khi viết về bất cứ điều gì.

 

Theo Như Ý

Monster, VNNJobs