1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Người trẻ muốn "trà đạo cũng đẻ ra vàng", được khen vì... khát tiền

Hoài Nam

(Dân trí) - Nghe các diễn giả chia sẻ về nguồn gốc, nghệ thuật và văn minh trà Việt, một lao động trẻ ở TPHCM tự nhận mình là người khát tiền, hỏi về việc liệu có thể bắt trà đẻ ra vàng, ra tiền?

Câu hỏi "khát tiền" mà người tham dự buổi trò chuyện nêu tại buổi ra mắt cuốn sách "Văn minh trà Việt" vừa diễn ra ở TPHCM được khán giả tán thưởng, vỗ tay rần rần.

Cụ thể, tại buổi trò chuyện, các diễn giả chia sẻ về nguồn gốc, hành trình tìm kiếm tư liệu và cứ liệu của trà Việt; văn hóa, nghệ thuật thưởng trà. Tiềm năng, thương hiệu của trà Việt và bức tranh tương lai của ngành công nghiệp trà được nhắc đến.

Quan tâm đến khía cạnh thương mại hóa trà Việt, khán giả trẻ dự chương trình đặt câu hỏi: "Chúng ta nói nhiều với nhau về cái hay, cái đẹp của nghệ thuật thưởng trà. Nhưng là một người trẻ khát tiền, tôi xin hỏi một câu hơi thô, hơi thẳng rằng: "Việc uống trà tao nhã liệu có đẻ ra tiền, ra vàng không?".

Người trẻ muốn trà đạo cũng đẻ ra vàng, được khen vì... khát tiền - 1

Các diễn giả chia sẻ về tiềm năng của ngành trà tại Việt Nam (Ảnh: Hoài Nam).

Tiềm năng đang chờ người... ham tiền 

Sau câu hỏi này, tác giả, nhà khoa học Trịnh Quang Dũng bật cười nhận xét, đây là một câu hỏi hay và thẳng thắn, nghe hỏi là biết ngay người hỏi có tinh thần.... ham tiền.

Theo ông, ham tiền là một phẩm chất tốt bởi con người "không thể không ham tiền". Chỉ có điều, phải ham thế nào để biết điều khiển ham muốn ấy trong giới hạn, trước lằn ranh đỏ cho phép, không vượt qua giới hạn pháp luật, đạo đức làm cho con người trở nên xấu đi.

Về câu hỏi "làm trà, khơi văn hóa trà đạo có thể ra tiền không?", ông Trịnh Quang Dũng cho hay: "Đến tương ớt còn tạo thành tỷ phú đô la thì tiềm năng trà còn gấp hàng trăm lần. Đặc biệt, Việt Nam là quốc gia sở hữu nhiều cây chè cổ thụ nhất thế giới. Đây chính là mỏ "vàng xanh", mỏ kim cương nếu biết cách khai thác".

Người trẻ muốn trà đạo cũng đẻ ra vàng, được khen vì... khát tiền - 2

Theo nhà khoa học Trịnh Quang Dũng, ngành sản xuất, kinh doanh trà là mỏ kim cương của Việt Nam (Ảnh: T.N).

Ông Trịnh Quang Dũng kể câu chuyện hơn hai năm trước, ông Trần Ngọc Lâm, người được gọi là "người rừng" dẫn một doanh nhân người Nhật lên tham quan rừng trà cổ thụ thuộc dãy Hoàng Liên Sơn.

Khi về, doanh nhân người Nhật nói: "Nếu rừng này ở nước Nhật, hàng năm có thể mang về cho chúng tôi hàng tỷ đô la".

Ông Dũng cho rằng, tiềm năng của trà Việt thay đổi nhanh ngay ở thị trường trong nước. Một bộ ấm chén pha trà giờ có giá lên đến cả triệu đồng, nhiều loại trà cũng tiền triệu mỗi... lạng. Nhiều sản phẩm liên tiếp được nâng cấp để đáp ứng cho nhu cầu của tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh.

Người này chia sẻ thêm, giờ đây người làm trà ở Việt Nam không chỉ là những nông dân, công nhân mà là còn có các kỹ sư, tiến sĩ tốt nghiệp từ các trường đại học. Hiện Việt Nam vẫn chưa khai thác được hết thế mạnh của trà nhưng nếu đi đúng cách sẽ có ngày "đếm tiền mỏi tay".

"Tiềm năng này đang chờ những người... rất ham tiền khai thác để biến trà thành vàng, đẻ ra vàng. Đây là cách kiếm tiền hay ho, lành mạnh, có thể vừa kiếm tiền vừa chơi, vừa tôn minh được nét đẹp văn hóa của dân tộc", ông Trịnh Quang Dũng nhận định.

"Muốn đi vững, hãy xắn tay áo lên"

Ông Nguyễn Duy Nhân, nhà sáng lập trà Không gian trà Việt - Thiền trà Kosala cho biết, khi theo đuổi con đường khởi nghiệp bằng trà, ông lỗ trong 3 năm đầu.

Từ kinh nghiệm của mình, theo ông, người trẻ định theo đuổi con đường "kiếm tiền từ lá trà" cần chuẩn bị trước cho khả năng thua lỗ trong vài năm như vậy. Còn sau đó, khi đi đúng hướng, tiền sẽ tự đến.

Người trẻ muốn trà đạo cũng đẻ ra vàng, được khen vì... khát tiền - 3

Ông Nguyễn Duy Nhân chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp với trà Việt (Ảnh: Hoài Nam).

Ông Nhân cho hay, làm trong ngành trà không phải ngồi uống trà ở bàn trà. Việc đầu tiên phải làm là xắn tay áo lên, đi vào vùng sâu núi thẳm, gặp gỡ bà con để liên kết, đảm bảo được nguồn nguyên liệu.

"Quản lý được chất lượng của trà là phải quản lý từ nguồn nguyên liệu đầu vào cho đến khi ly trà đặt lên bàn của khách thì lúc đó mới có thể tự tin đưa trà ra thế giới, để biến trà thành vàng, thành tiền", ông Nguyễn Duy Nhân nhấn mạnh.

Chuyên gia trà Nguyễn Đỗ Kim Thanh kể, trước khi khởi nghiệp với trà, bà từng làm việc tại Lãnh sự quán Pháp, làm tiếp viên hàng không, ngân hàng. Đến một ngày bà nghĩ phải neo lại bằng thứ gì đó của mình, để chân bớt "chạy nhảy".

Thích kinh doanh ngành hàng ăn uống, lúc đầu bà định làm cà phê nhưng thấy bạn bè nhiều người làm rồi, tính làm về rượu vang thì lại... ngại phải uống rượu.

Nhớ những ngày học ở bên Pháp, mỗi lúc trời lạnh lại làm ly trà nóng, bà quyết định... thử sức với trà . Lúc đầu bà chỉ làm trà ngoại, từ trà Pháp, trà Anh, trà Nhật, trà Ấn Độ...

Người trẻ muốn trà đạo cũng đẻ ra vàng, được khen vì... khát tiền - 4

Theo chuyên gia trà Nguyễn Đỗ Kim Thanh, muốn kiếm tiền từ trà, trước tiền phải hiểu về trà (Ảnh: Hoài Nam).

Phải 3 năm sau, đi nhiều, gặp gỡ nhiều, bà Thanh mới biết về thế giới đa dạng của trà Việt và bắt đầu nghiên cứu, tìm hiểu về trà Việt.

Bà Thanh bộc bạch: "Tôi có thể nói về trà Pháp, trà Anh, trà Nhật... từ sáng đến tối nhưng nói xong không có gì ở lại trong đây (bà đặt bàn tay lên ngực trái - PV). Còn khi nói về trà Việt, đó là một cảm xúc dâng trào khó tả, như có điều gì luôn thôi thúc, mong muốn truyền cảm hứng đến mọi người".

Nữ doanh nhân khuyến cáo, người trẻ muốn làm trà trước tiên hãy hiểu về trà, bồi đắp tình yêu với trà Việt.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện cả nước có khoảng 120.000 ha diện tích trồng chè. Hàng năm, các doanh nghiệp chế biến chè quy mô công nghiệp với tổng công suất theo thiết kế 5.200 tấn búp tươi/ngày, sử dụng 220.000 lao động, sản xuất ra gần 200.000 tấn sản phẩm mỗi năm.

Chè là mặt hàng Việt Nam có trữ lượng nằm trong top 5 thế giới. Năm 2023, xuất khẩu chè Việt Nam đạt 121.000 tấn, trị giá 211 triệu USD.