Người trẻ mù mờ về AEC

Đa số sinh viên vẫn chưa suy nghĩ nhiều về hội nhập và coi Cộng đồng Kinh tế ASEAN là một cái gì đó xa lạ, không ảnh hưởng đến bản thân...

Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức hình thành từ ngày 31-12-2015. Báo chí nói rất nhiều về AEC và những thách thức, cơ hội đối với Việt Nam khi tham gia cộng đồng 300 triệu lao động này. Nhưng hiện nay, khoảng 60% doanh nghiệp (DN) Việt Nam không biết gì về AEC. Đáng lo không kém là phần lớn thanh niên, trí thức trẻ của Việt Nam - đối tượng bị tác động trực tiếp từ thị trường lao động chung - cũng khá mù mờ về AEC.

“AEC là một cái gì xa lạ...”

Tôi thường xuyên đi nói chuyện, tư vấn nghề nghiệp cho sinh viên. Khi hỏi một số bạn trẻ về ASEAN và thị trường lao động thời kỳ hội nhập, tôi chỉ nhận được những ánh mắt ngạc nhiên và câu trả lời chung là… ASEAN có 10 quốc gia.

Bác sĩ, hộ lý là những nghề được tự do di chuyển khi các nước ASEAN công nhận trình độ lẫn nhau Ảnh: PHẠM DŨNG
Bác sĩ, hộ lý là những nghề được tự do di chuyển khi các nước ASEAN công nhận trình độ lẫn nhau Ảnh: PHẠM DŨNG

Rất nhiều em còn hỏi lại tôi là không hiểu khi hội nhập ASEAN thì sinh viên Việt Nam được lợi ích gì, được hỗ trợ gì về học tập hay du học… Một số ít thì cho rằng có tìm hiểu về các ngành nghề sẽ dịch chuyển lao động khi AEC được thành lập và chắc là lúc đó, nhiều DN trong nước cũng sẽ tuyển dụng lao động từ các quốc gia Đông Nam Á nên sự cạnh tranh lao động sẽ rất cao...

Có thể nhận xét chung là đa số thanh niên, sinh viên, người học nghề vẫn chưa suy nghĩ nhiều về hội nhập và coi AEC là một cái gì đó xa lạ, không có tác động và ảnh hưởng gì đến bản thân. Nhiều em chưa hình dung ra cộng đồng này sẽ như thế nào và bản thân phải chuẩn bị những gì. Các bạn trẻ cho rằng cứ học cho xong rồi sau này xin việc ở một DN trong nước, chứ cũng chưa nghĩ đến chuyện sẽ làm việc ở quốc gia khác.

Mất điểm vì giá trị thấp

Quá trình hội nhập mang đến nhiều cơ hội và thách thức đối với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam và sự thay đổi thị trường lao động. Thời kỳ hội nhập mới cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm và những yêu cầu cao hơn đối với người lao động. Tiêu chí tuyển dụng cao hơn, đòi hỏi nguồn nhân lực phải có kỹ năng cùng với kiến thức chuyên môn. Sự hiểu biết về AEC và những giá trị mà nó mang lại cho đất nước, cho bản thân là rất quan trọng. Chúng ta vào AEC nhưng tâm thế không có chuẩn bị thì chắc chắn sẽ mất chỗ đứng.

Biết xác định mục tiêu, kế hoạch nghề nghiệp, xây dựng giá trị hành nghề là những yếu tố cốt lõi mà trí thức trẻ phải xác lập ngay từ bây giờ. Trong đó, giá trị hành nghề là cái mà lao động Việt Nam còn thiếu, còn kém cạnh tranh, bị “mất điểm” trong đánh giá của nhà tuyển dụng nước ngoài. Do vậy, hơn ai hết, các bạn trẻ, nhất là sinh viên, phải xây dựng được những giá trị năng lực hành nghề. Đó là ý chí, quyết tâm, hoài bão và không ngừng học tập. Việc học ở nhà trường chỉ là giai đoạn đầu của quá trình học tập suốt đời.

Trong một xã hội hiện đại, để phát triển nghề nghiệp phải có ý thức mở rộng kiến thức nghề nghiệp, nâng cao năng lực, tư duy khoa học, độc lập, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, áp dụng công nghệ mới để không ngừng phát triển kỹ năng nghề nghiệp.

Vào AEC, tăng thêm 14,5 triệu việc làm

Tại hội thảo do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức mới đây, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết theo Tổ chức Lao động quốc tế - ILO, khi tham gia AEC, số việc làm của Việt Nam đến năm 2025 có thể tăng lên 14,5%. Điều này có nghĩa Việt Nam sẽ có thêm 14,5 triệu lao động tìm được việc làm vào năm 2025. Lợi ích đáng chú ý của việc ra đời AEC là việc di chuyển tự do của lao động có kỹ năng.

Việc di chuyển ấy được thực hiện khi trình độ của những lao động này được công nhận trong các nước thành viên ASEAN. Hiện có 8 lĩnh vực đã được thỏa thuận sẽ tự do di chuyển khi được công nhận trình độ lẫn nhau, gồm: bác sĩ, nha sĩ, hộ lý, kỹ sư, kiến trúc sư, kiểm toán viên, giám sát viên và nhân viên du lịch; trong tương lai có thể mở rộng ra những ngành nghề khác. N.Duy

Theo Báo Người lao động