Người thợ điện với 30 sáng kiến, giúp doanh nghiệp tiết kiệm hàng tỷ đồng
(Dân trí) - Hơn 40 năm công tác, anh Sơn luôn dành trọn trái tim cho công việc và đưa ra nhiều sáng kiến giúp ngành điện TPHCM tiết kiệm hàng tỷ đồng.
Vừa qua, anh Sơn đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
Hơn 40 năm gắn bó với ngành điện
Đó là câu chuyện của "Anh hùng lao động" Trương Thái Sơn (sinh năm 1960). Năm 1979, sau khi nhận Bằng danh dự của Trường Kỹ thuật Điện Hóc Môn (nay là Trường Cao đẳng Điện lực TPHCM), anh Sơn được phân công về Nhà máy điện Chợ Quán, nơi được xem là "lò" rèn luyện, nâng cao tay nghề cho công nhân ngành điện lúc bấy giờ.
Trong tâm thế háo hức và mong chờ được đi làm đúng chuyên môn, anh Sơn lại được phân công về Tổ ô tô, 1 ngành không liên quan đến chuyên môn.
Khi đó nhiều người khuyên anh bỏ việc nhưng anh đã chọn ở lại. Để không bị lụt nghề, mất kiến thức, anh đăng ký học thêm, và đọc sách, tự mày mò, tìm hiểu về nghề điện khi rảnh.
Sau 6 năm làm trái ngành, anh được điều về làm việc ở Tổ Cao thế. Đến năm 2001, Nhà máy điện Chợ Quán giải thể, anh Sơn được chuyển sang công tác tại Đội Quản lý đường dây và trạm tại Công ty Điện lực Chợ Lớn.
Khi đó anh đã 41 tuổi và công việc thì hoàn toàn mới. Tuy nhiên, với tinh thần chịu khó học hỏi những kiến thức mới, đọc tham khảo các kiến thức trong sách dần dần anh Sơn cũng bắt nhịp với công việc mới.
"Trong 20 năm đầu, tôi làm ở Nhà máy điện Chợ Quán, tôi đã làm công việc sửa chữa các loại máy phát điện, máy biến thế nên khi chuyển qua Công ty Điện lực Chợ Lớn thì về kỹ thuật tôi không gặp nhiều bỡ ngỡ. Tuy vậy, lúc trước tôi chủ yếu làm các thiết bị tại chỗ, còn bây giờ thì làm các trạm có đường dây trên không, đòi hỏi bản thân phải leo trèo ở trên không nên cũng mất một khoảng thời gian để tôi làm quen công việc", anh Trương Thái Sơn chia sẻ.
Anh Sơn còn chia sẻ thêm, khi sự cố xảy ra, nếu là xảy ra trường hợp hư hỏng nặng đụng tới máy biến thế, hay đường cáp điện ngầm thì tổng đài sẽ báo để tổ của anh đến xử lý. Vì vậy tổ quản lý lưới điện của anh Sơn phải chịu áp lực rất lớn vì phải tìm mọi cách khắc phục sự cố nhanh nhất có thể.
Bởi vì trong thời gian xảy ra sự cố điện thì bên công ty phải chạy máy phát điện dự phòng để cung cấp điện cho người dân sinh hoạt nên càng sửa chữa, tái lập lại hệ thống điện nhanh chừng nào thì công ty sẽ càng tiết kiệm được chi phí sử dụng dầu để chạy máy phát điện.
"Tôi nhớ một lần khi vừa về tới nhà sau một ngày làm việc thì tôi nhận được thông báo có sự cố điện nên tôi và anh em trong tổ phải chạy tới hiện trường để sửa chữa và khắc phục sự cố đến tầm 20h tối thì mới xong. Lúc đó, anh em trong tổ ai cũng kiệt sức nhưng mà trong lòng thì cảm thấy rất vui vì đã giải quyết thành công sự cố và tái lập hệ thống điện", anh Sơn tâm sự.
Có nhiệm vụ quản lý, sửa chữa, bảo trì lưới điện khu vực quận 5 nhưng hiện tại tổ làm việc của anh Sơn chỉ có 8 thành viên. Tuy vậy, anh Sơn cùng với anh em trong tổ luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ trong được giao.
"Danh hiệu này là của tập thể"
Trong 40 năm gắn bó với ngành điện, anh Trương Thái Sơn đã có nhiều ý tưởng, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật làm lợi cho Tổng công ty Điện lực TPHCM hàng chục tỷ đồng, đồng thời còn giúp cho người lao động giảm được công sức và an toàn hơn trong quá trình làm việc.
Đơn cử, năm 2006 khi làm nhiệm vụ tại hiện trường, vì pin của kềm ép thủy lực bị chai, không có pin để thay thế gây ảnh hưởng đến quá trình đấu nối đường dây. Bằng kinh nghiệm của bản thân, anh Sơn đã mạnh dạn đề xuất thay thế pin bằng ắc quy khô cho máy ép thủy lực.
Kết quả, không những anh đã làm "sống" lại thiết bị mà còn làm cho năng suất lao động được tăng lên. Đồng thời giải pháp này được ứng dụng rộng rãi trong toàn công ty.
"Bản thân mình khi tới tuổi hưu rồi thì chỉ nghĩ làm được cái gì để giúp đỡ cộng đồng hay làm gì để giúp đỡ anh em trong tổ để công việc được suôn sẻ góp phần giúp lưới điện an toàn hơn thì tôi đã cảm thấy vui và hạnh phúc lắm rồi", anh Sơn bộc bạch.
Từ thời điểm đó đến nay, anh Sơn đã có 30 sáng kiến được lãnh đạo đơn vị ghi nhận và đánh giá cao, làm lợi cho doanh nghiệp hàng tỷ đồng.
Ghi nhận những cống hiến của anh Sơn trong quá trình công tác, tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ 10, anh Trương Thái Sơn đã vinh dự nhận danh hiệu Anh hùng Lao động.
Anh Sơn bồi hồi nhớ lại: "Bản thân tôi cảm thấy rất vui và tự hào khi được nhà nước phong tặng cho mình một danh hiệu cao quý. Mà tôi nghĩ danh hiệu này phải thuộc về tập thể vì nếu chỉ có một mình tôi thì chẳng bao giờ tôi làm được. Vì mỗi lần tôi có sáng kiến mới thì đều nói với anh em trong tổ đội và nhận được những lời góp ý từ họ nên tôi mới có thể có nhiều sáng kiến thành công như hôm nay. Nên danh hiệu này chính là của tập thể".
Ngoài danh hiệu Anh hùng Lao động, anh Sơn cũng đã nhận những phần thưởng và danh hiệu cao quý khác như: Huân chương Lao động hạng Ba; Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ 14, 3 bằng khen của Bộ Công Thương; 4 Bằng khen và huy hiệu Lao động sáng tạo của Tổng LĐLĐVN; Bằng khen của UBND TPHCM về "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" cùng nhiều danh hiệu thi đua, khen thưởng khác.
Thời điểm hiện tại anh Sơn đã về hưu, tuy nhiên anh vẫn tiếp tục gắn bó với công việc yêu thích của mình. Anh Sơn chia sẻ: "Bản thân mình cảm thấy rất may mắn. Mặc dù đã về hưu nhưng bản thân vẫn có cơ hội tiếp tục làm việc, cống hiến sức lực của mình cho cộng đồng".