Người tham công tiếc việc
(Dân trí) - Những dấu hiệu dưới đây sẽ giúp bạn nhận biết được mình có phải là người tham công tiếc việc hay không, đồng thời cho bạn giải pháp giải quyết “tật xấu” này.
Làm việc ngoài giờ
Triệu chứng
Khi một ngày làm việc của mọi người kết thúc, bạn vẫn tiếp tục, không chỉ là một buổi tối, những ngày cuối tuần mà thậm chí là cả một kỳ nghỉ. Sự việc không hẳn quá nghiêm trọng vì đôi khi không làm một vài công việc, bạn sẽ cảm thấy nhàm chán và lo lắng rằng mình sẽ không làm việc được nữa. Tuy nhiên, làm việc trong thời gian nghỉ ngơi lại ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất của bạn cũng như tăng nguy cơ mắc bệnh như đau đầu, mệt mỏi hay cảm giác buồn nôn và cô lập.
Giải pháp
Nếu khi rời công ty, bạn vẫn cắm cúi vào công việc, tốt hơn hết bạn cần phải xác lập lại giờ làm việc tại nhà, rồi giảm dần lượng thời gian xuống.. Có thể giai đoạn mới đầu gây khó khăn cho bạn với những cảm giác bực dọc, chán chường nhưng chỉ trong một thời gian ngắn áp dụng chiến lược giảm giờ làm này, bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi bắt tay cho công việc trước mắt.
Trong giai đoạn chuyển đổi này, bạn nên tới bác sĩ thường xuyên để có đơn thuốc kê đảm bảo cho sức khỏe.
Không bao giờ “rời mắt” khỏi công việc
Triệu chứng
Bạn có thể không ở công ty suốt ngày nhưng hầu hết thời gian của bạn lại xoay quanh công việc. Những khách hàng quan trọng và đồng nghiệp luôn gọi bạn khi cần thiết, máy tính xách tay là vật bất ly thân của bạn. Có cảm giác bạn đã đặt công việc lên trên tất cả mọi thứ khác. Và khi điều đó xảy ra, bạn sẽ không còn thời gian để tận hưởng các hoạt động quan trọng khác.
Giải pháp
Bạn nên tham gia một vài hoạt động mới mẻ giúp cơ thể và trí óc của bạn được thư thái. Nếu công việc khiến bạn khép kín, thì những sở thích mới này lại giúp bạn hướng ngoại, tập đi bộ hay chơi gôn thường xuyên là một phần hoạt động như thế. Điều quan trọng đó là lựa chọn những gì bạn thích để có thể cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi thư giãn.
Nhằm duy trì sự cân bằng này, bạn có thể tìm đến chuyên gia tư vấn hoặc bác sĩ tâm lý. Thường thì những ý tưởng mới và một đôi tai biết lắng nghe sẽ tạo nên một hiệu quả vững chắc. Đừng cảm thấy “có tội” nếu không được “cập nhật” tin tức về công việc, sự sao nhãng ấy lại chính là cách duy nhất giúp bạn “nạp đủ năng lượng” trở lại công việc.
Từ chối giao phó nhiệm vụ
Triệu chứng
Trên con đường đi đến thành công, bạn bắt đầu bằng niềm tin mình là người tốt nhất có thể đảm nhiệm mọi công việc. Do luôn muốn đứng đầu, bạn sẽ gánh vác mọi công việc được giao và không san sẻ cho bất kỳ ai. Việc này sẽ khiến bạn không chỉ gặp khó khăn trong việc giải quyết vấn đề mà còn có những tác động lâu dài dẫn đến khả năng tổ chức yếu kém cũng như khiến có quá ít thời gian nghỉ ngơi. Thay vì làm việc tự tin, lạc quan, bạn có thể sẽ mắc kẹt trong nỗi sợ hãi của thất bại và mối quan hệ ngày càng xa với đồng nghiệp chứ chưa nói đến mong muốn được thăng chức.
Giải pháp
Bạn sẽ thay đổi việc “ôm trọn” công việc bằng cách lập kế hoạch theo mục đích đặt ra. Hãy nghĩ về nơi bạn muốn đến và cách thức bạn sử dụng thời gian của mình. Nếu bạn vẫn tiếp tục “lún sâu”, hình ảnh chuyên nghiệp của bạn cũng như những giá trị lâu năm bạn xây dựng sẽ bị ảnh hưởng.
Bạn nên duy trì mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp trong công ty. Hãy cố gắng tăng cường khả năng giao tiếp xã hội bằng cách sẵn sàng làm việc cùng mọi người và cởi mở với những ý kiến mới. Thêm vào đó, nếu có thời gian nghỉ ngơi và thu thập các ý tưởng, khả năng giao tiếp của bạn cũng sẽ được cải thiện hơn rất nhiều.
Liên tục nói về công việc
Triệu chứng
Bạn có thề trò chuyện không dứt với bất kỳ ai: bạn bè, người thân về công việc, những chủ đề về dự án hoặc một người sếp bạn không ưa trong hàng tiếng đồng hồ. Một khi bắt đầu vào “guồng quay” của cuộc nói chuyện, bạn hầu như không quan tâm đến cảm nhận của người ngồi cạnh mình. Như vậy, bạn đang khuyến khích mình làm việc và đẩy những người bạn yêu quý nhất xa khỏi vòng tay.
Giải pháp
Chủ đề công việc có thể quan trọng với bạn nhưng không phải ai có thể hiểu được. Bạn bè và người thân muốn bạn được hạnh phúc nhưng bạn cũng nên chú ý đến phản ứng của họ. Nên bắt đầu để ý sự ảnh hưởng của công việc đến việc trò chuyện và mối quan hệ thân mật của bạn với mọi người. Hãy chân thật và hỏi rõ cảm xúc của bạn bè và gia đình về tác động của câu chuyện công việc đến họ như thế nào. Đó có thể là cuộc trao đổi không dễ dàng như lại là một bước tiến đúng đắn.
Việc quan tâm đến những người bạn yêu quý không chỉ dừng lại ở trò chuyện mà còn là thời gian dành cho nhau. Nếu bạn áp dụng phương pháp này, ngoài công việc, bạn sẽ có những chủ đề thú vụ hơn để tâm sự.
Ngọc Linh
Theo Askmen