Người phụ nữ 25 năm tần tảo bán cá nục nuôi con ăn học
(Dân trí) - Hơn 25 năm, chị Nữ gắn bó với quầy bánh mì sốt cá nục hấp để nuôi con ăn học. Khi con đã trưởng thành, chị lại tiếp tục hỗ trợ nuôi cháu để học hành thành tài.
Nghỉ nghề giúp việc đi bán cá nục
Nằm sâu trong con hẻm nhỏ trên đường Bùi Đình Túy (quận Bình Thạnh, TPHCM), một quán bánh mì sốt cá nục hấp luôn thu hút được nhiều thực khách lui tới. Vào mỗi buổi chiều, lúc nào cũng có hàng chục người xếp hàng đợi mua bánh mì, có người là khách hàng cả chục năm.
Chủ của quán bánh mì cá nục hấp này là chị Nguyễn Thanh Nữ (sinh năm 1971, ngụ TPHCM) hay còn được nhiều người biết đến với tên dì Oanh. Suốt hơn 25 năm qua, quán bánh mì của chị vẫn liên tục phục vụ khách trong con hẻm nhỏ trên đường Bùi Đình Túy này.
Tuy gọi là quán nhưng gian hàng của chị Nữ chỉ gồm 1 cái bàn inox và một tủ kính đựng phần nhân cho bánh mì.
"Tôi bắt đầu bán bánh mì này đã được 25 năm rồi, trước đây, công việc chính của tôi là giúp việc cho các hộ gia đình. Tuy nhiên, do khối lượng công việc nhiều, cùng với đó là mức lương thấp nên tôi nghỉ để ở nhà phụ mẹ bán bánh mì. Đến năm 1996, mẹ cho tôi bán chính cho đến nay", chị Nữ cho biết.
Khác với những tiệm bánh mì khác ở Sài Gòn, bánh mì của chị Nữ bán chủ yếu là bánh mì sốt cá hấp, bánh mì xíu mại, bánh mì bì ăn cùng với nước mắm đã pha chế chứ không có chả, pate hay bơ.
"Ban đầu, mẹ tôi nghĩ ra bán bánh mì với món cá trích hấp nhưng sau này vì cá trích nhỏ, nhiều xương nên tôi mới đổi thành cá nục vì cá này nhiều thịt, ít xương, thịt lại ngọt. Từ đó đến nay, tôi bán chủ yếu là bánh mì sốt cá nục", chị Nữ cho biết.
Khi mới mở bán trong người chị Nữ không có một đồng vốn nào. Ngay đến tủ kính đựng thức ăn cũng là do một người bạn hỗ trợ. Chị Nữ nhớ lại: "May mắn, ngày bán đầu tiên của tôi thì bán được 100 ổ. Từ đó là quán có lượng khách ổn định đến bây giờ".
Để chuẩn bị nguyên liệu kịp bán thì chị Nữ phải đi chợ từ 2 giờ sáng lựa cá và mua rau. Công đoạn sơ chế và làm sạch cá là công đoạn tốn nhiều thời gian và công sức nhất. Sau đó, cá sẽ được hầm trong vòng 12 tiếng đồng hồ đến khi rục xương. Vì vậy, chị Nữ thường nấu gối đầu bữa nay nấu thì ngày kia bán để lúc nào cũng có cá bán.
Nuôi con thành tài, tiếp tục nuôi cháu
Theo chị Nữ tiết lộ, cũng nhờ quán bánh mì này mà chị có tiền lo cho người con trai duy nhất của mình được ăn học đến nơi đến chốn.
"Khi tôi mới mở bánh mì thì con tôi khi đó mới được vài tuổi, thời điểm đó, gia đình rất khó khăn. Chính tiệm bánh mì nhỏ này đã giúp tôi có tiền lo cho cả gia đình, đặc biệt là người con trai của tôi. Bây giờ con đã học thành tài và đã đi làm tại cơ quan nhà nước", chị Nữ cho biết.
Thời điểm đó, ngày nào chị Nữ cũng đều đặn bắt đầu bán vào lúc 13h và bán đến 22h thì dọn hàng. Khi đó, chị Nữ chỉ biết cố gắng hết sức để kiếm tiền lo cho con ăn học.
Đến hiện tại, sau khi con cái đã trưởng thành và có công việc ổn định, người phụ nữ 50 tuổi này vẫn tiếp tục công việc này. Tuy nhiên, chị Nữ chỉ bán đến 19h là dọn hàng nghỉ ngơi vì sức khỏe không cho phép chị thức khuya như trước.
Trung bình mỗi ngày, chị Nữ bán được 365 ổ bánh mì tương đương với hơn 50kg cá nục. Mỗi ổ bánh mì sẽ có một con cá cùng với rau và đồ chua, giá bán là 20.000 đồng.
"Hiện nay, tiệm bánh mì này giúp tôi có thu nhập trang trải chi phí sinh hoạt. Đồng thời, tôi cũng lấy một chút tiền để hỗ trợ cháu tôi một phần học phí để giúp gia đình nó bớt gánh nặng", chị Nữ chia sẻ.
Chị Nữ cho biết, bản thân chị là người không thích bon chen, vì vậy suốt 25 năm chị chỉ bán ở sâu trong hẻm nhỏ không bao giờ nghĩ sẽ dọn ra mặt đường lớn bán. Tuy chỉ bán trong hẻm, nhưng cứ tầm 16h chiều, khách đến quán mua bánh mì đông kín.
"Hiện tại, tôi đã hài lòng về cuộc sống. Mỗi ngày, tôi đều có đủ tiền để đi chợ mua thức ăn cho cả gia đình. Con cái thì giờ cũng đã lớn và có công việc riêng nên việc bán bánh mì này hiện tại đối với tôi là một niềm vui vì bản thân được làm việc. Tôi không còn đặt nặng lợi nhuận như trước. Đối với tôi, mỗi ngày được gặp khách và làm việc là những niềm vui", chị nữ cho hay.