Người lao động tự do ở Hà Nội chật vật mưu sinh trong mùa dịch
Dịch Covid-19 kéo dài gây không ít khó khăn đến đời sống, việc làm, thu nhập của người dân. Mưu sinh trong mùa dịch quả thực không dễ dàng.
Quyết bám trụ Hà Nội mưu sinh
Anh Quyết (Thanh Hóa) ra Hà Nội làm cũng được gần 10 năm. Anh thuê trọ ở khu nhà tập thể Phố Vọng Hà (P. Chương Dương, Q. Hoàn Kiếm). Ở đây, anh sống cùng với một số anh em khác, mỗi người một công việc, người bốc vác ở chợ Long Biên, người lái xe ôm. Vì thế số tiền phòng hơn 3 triệu đồng mỗi tháng cũng trở nên "dễ chịu" hơn nhiều.
Anh Quyết chia sẻ: "Tôi ra đây khi làm cửu vạn, khi phụ hồ, khi chở xi măng thuê cho người dân ở đây. Trung bình mỗi chuyến chở bằng xe được 10 bao xi măng thì họ sẽ trả cho 80.000 đồng/chuyến. Cũng tùy khoảng cách xa gần mà chi phí sẽ nhỉnh hơn".
Trong những ngày dịch, số lượng người thuê chở hàng ít hơn, công việc không đều, mỗi ngày chỉ mong kiếm được 100.000 đồng cũng khó. Thế nhưng anh Quyết cùng các anh em ở xóm trọ vẫn quyết tâm bám trụ tại đất Hà Thành "vừa cố gắng kiếm được đồng nào hay đồng đấy gửi về cho vợ con ở quê, vừa hạn chế về quê để phòng dịch", anh Quyết cho biết.
Lên Hà Nội làm nghề cửu vạn được 5 năm, chị Lan (Giao Thủy, Nam Định) cùng với đông đảo bà con đồng hương thường ngồi bên dòng sông Nhuệ Giang (cạnh con phố Nhuệ Giang, Hà Đông) để chờ các mối việc. Với những người lao động tự do như chị Lan ở đây, chỉ cần có người thuê, việc gì cũng có thể làm được từ dọn nhà, bê đồ, phụ hồ, bốc vác…
Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư này, chị chọn ở lại Hà Nội thay vì về quê. "Về nhà cũng chẳng biết làm gì, ở đây có các mối quen, nếu cần thì họ gọi, xem như cũng có việc để làm", chị Lan chia sẻ.
Trước đây, chị Lan có thể kiếm được từ 300.000-500.000 đồng mỗi ngày, nhiều nhất là 1 triệu/ngày. Thế nhưng bây giờ có khi 3-4 ngày cũng chẳng có ai thuê làm gì. Trong khi đó chi phí sinh hoạt ở Hà Nội đắt đỏ.
Hiện chị Lan và cùng một số người làm cửu vạn thuê nhà trọ ở khu vực Hà Cầu (Hà Đông). Trong đợt nắng nóng đỉnh điểm vừa rồi, "tôi không dám ở phòng trọ nhiều vì dùng quạt tốn điện nên ra ghế đá ở bờ sông ngồi ở đó, xem có ai tới thuê làm không", chị Lan kể.
Với số tiền dành dụm được, chị sẽ gửi về quê, tiết kiệm để làm vốn liếng cho 3 đứa con. "Thực ra tôi đi làm xa như này cũng vì đồng tiền, bát gạo. Ở nhà để kiếm được 100.000 đồng - 200.000 đồng khó khăn lắm", chị Lan cho biết.
Cố gắng kiếm 30.000 đồng mỗi ngày
Bà Nguyễn Thị Khái (mọi người thường gọi là bà Tiến, ở Yên Thế , Bắc Giang) lên Hà Nội sinh sống từ năm 2003. Mấy năm trước, khi chưa thuê nhà trọ, bốt điện to tướng ở Cửa Nam chính là nơi bà dựng lều để ở qua ngày. Người dân sống quanh đó thấy vậy nên có cái gì họ lại mang cho. "Họ thương bà lắm. Hôm cho vài gói mì tôm, khi hộp sữa, đôi chiếc bánh mì… ăn qua ngày", bà Khái tâm sự.
Để bám trụ ở vùng đất mới này, bà cũng kiếm một món nghề là nhặt ve chai. Mặc dù dịch dã nhưng bà tự trang bị đồ bảo hộ là chiếc khẩu trang, đôi tất tay cũ và chiếc áo khoác chống nắng cùng chiếc xe kéo tự chế để đi làm.
Ngày nào cũng vậy, sáng sớm bà đi nhặt nhạnh một lượt ở khu chợ Long Biên đến gần 12h trưa về nhà. Sau đó nấu cơm, nghỉ ngơi đến tối muộn bà lại đẩy xe qua chợ Đồng Xuân và các tuyến phố cổ đến 2-3h sáng mới về.
"Dịch như này tôi vẫn đi làm như bình thường. Cũng sợ đi ra ngoài đường lắm, nhưng không đi thì không có tiền. Tôi cứ đi xung quanh các chợ, hàng quán đóng cửa nên cũng không nhặt được nhiều đồ phế thải như trước nên thu nhập nhiều nhất cũng chỉ 30.000 đồng/ngày. Cũng may thỉnh thoảng có đoàn từ thiện hoặc đi làm có người thương, họ cho chai mắm, lọ muối…đỡ phải mua", bà Khái chia sẻ.
Hiện tại bà đang sống ở khu nhà trọ dưới chân cầu Long Biên (Phường Phúc Xá, Ba Đình). Căn nhà chắp vá bằng các tấm Fibro mùa hè nóng rát da. Bao nhiêu bao bì, giấy loại, ve chai lượm được từ bên ngoài bốc mùi hôi thối được bà xếp chung vào cạnh giường ngủ. Ấy vậy mà bà vẫn luôn mỉm cười, xem "đây là nơi ở tiện nghi và đàng hoàng rồi".
Còn rất nhiều trường hợp, mảnh đời đang cố gắng từng ngày gồng mình mưu sinh, chống chọi với khó khăn, thách thức trong mùa dịch bệnh Covid-19. Tất cả đều chung một hy vọng, dịch bệnh Covid-19 sẽ hết, cuộc sống sớm trở lại bình thường để con đường mưu sinh đỡ nhọc nhằn hơn.