Người lao động chi tiền triệu về quê ăn Tết sớm, háo hức cảnh đoàn tụ

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Qua một năm khó khăn, công việc cuối năm kết thúc sớm, nhiều công nhân lao động chọn về quê nghỉ dài để đoàn tụ gia đình, hi vọng một năm mới tốt đẹp hơn.

Về quê sớm để tiết kiệm chi phí

Hơn 18h ngày 29/1 (19 tháng Chạp), chị Thu Trà (35 tuổi, quê Thanh Hóa) lỉnh kỉnh hành lí, đứng xếp hàng tại cổng đi ga quốc nội, sân bay Tân Sơn Nhất TPHCM chờ lên chuyến bay trở về quê.

Con trai gọi điện hỏi thăm, chị Trà vội trả lời vài câu rồi cúp máy, quày quả xách đồ qua cửa kiểm soát an ninh.

Chị Trà là công nhân tại TPHCM. 5 năm ở thành phố, chị được về quê ăn Tết 2 lần, tranh thủ làm đến ngày cuối cùng của năm mới ra máy bay. Năm nay, chỉ mới 19 tháng Chạp, chị đã quyết định về quê ăn Tết.

Người lao động chi tiền triệu về quê ăn Tết sớm, háo hức cảnh đoàn tụ  - 1

Người lao động lỉnh kỉnh đồ ra sân bay, về quê ăn Tết (Ảnh minh họa: Hải Long).

Nữ công nhân giải thích, nhà máy giảm đơn hàng, chị đã nghỉ việc từ tháng 9/2023. Cố gùi gắng cho qua giai đoạn khó khăn, chị Trà làm thêm nhiều việc ở thành phố, từ phụ việc ở quán hủ tiếu, giúp việc nhà, nhân viên tạp vụ... chị Trà đều làm qua.

Mỗi ngày, chị đều chỉ trở về nhà trọ khi trời đã tối sập. "Làm một lúc mấy việc, không nề hà gì, tôi mới đủ tiền duy trì cuộc sống, chờ khó khăn qua để kiếm công ty khác làm", chị Trà bộc bạch.

Từ giữa tháng 11, công việc tạp vụ không ổn định, ngày làm ngày nghỉ, thu nhập của chị giảm hẳn. Thấy khó bám trụ lại thành phố với gần 10 triệu đồng tiết kiệm cuối cùng, chị bấm bụng mua vé máy bay về quê sớm.

"Giờ về thì còn dư được vài triệu biếu ông bà, mua quà Tết. Thấy ở lại nữa không khả quan nên tôi về luôn. Năm nay về quê ăn Tết sớm nhưng bánh chưng lại ít thịt rồi", chị Trà nói nửa đùa nửa thật.

Nữ công nhân cho hay chị chỉ mua vé một chiều, chiều trở lại thành phố thì vẫn chưa định được. "Lần này về, tôi không biết bao giờ quay trở lại", vừa qua qua cổng hải quan, chị Trà vừa quay lại nói.

Gia đình là trên hết

Ngồi chờ bay cách đó không xa, anh Hữu Đức (40 tuổi) đợi lên chuyến bay cất cánh lúc 19h40.

Anh Đức vào TPHCM lập nghiệp hơn 10 năm, làm nghề buôn bán ở chợ. Năm nay, do tình hình kinh tế khó khăn, việc buôn bán đã giảm hơn 50%.

Người lao động chi tiền triệu về quê ăn Tết sớm, háo hức cảnh đoàn tụ  - 2

Anh Đức cùng cháu gái chuẩn bị lên chuyến bay về nhà ăn Tết sớm (Ảnh: Nguyễn Vy).

Anh Đức chia sẻ, mọi sinh hoạt, chi tiêu cho bố mẹ và vợ, con ở quê đều đè nặng lên anh. Giờ đây, cả gia đình đành phải "thắt lưng buộc bụng", gói ghém để không rơi vào cảnh túng thiếu.

"Mọi năm, công việc làm ăn có dư, tôi đều tranh thủ về quê trước Tết 2 tháng. Nhưng năm nay tôi chỉ về được 1 tuần trước Tết vì cố bám trụ, bán buôn thêm vài ngày", anh nói.

Mỗi chuyến về quê ăn Tết, chỉ tính riêng chi phí đi lại đã ngốn tầm 10 triệu đồng. Nếu tính thêm tiền mua sắm, biếu ông bà, họ hàng… anh Đức phải chi thêm 20-30 triệu đồng.

"Năm nay khó khăn thì chi ít lại, không còn mua quà Tết hay biếu họ hàng nhiều như trước nữa. Làm ăn thất thu thì phải chịu thôi, nhưng cỡ nào thì cũng phải về ăn Tết. Vì với tôi, đây là dịp quan trọng để cả gia đình quây quần bên nhau", anh Đức bày tỏ.

Anh Phạm Ngọc Văn (31 tuổi, quê tại tỉnh Ninh Bình) cũng quyết định lên chuyến bay về quê ăn Tết khi chỉ mới 19 tháng Chạp.

Người lao động chi tiền triệu về quê ăn Tết sớm, háo hức cảnh đoàn tụ  - 3

Dù công việc khó khăn, anh Ngọc Văn vẫn dành ưu tiên về quê đoàn tụ, đón Tết cùng gia đình (Ảnh: Nguyễn Vy).

Anh Văn làm nghề tự do. Vì kinh tế khó khăn nên công việc của anh cũng gặp nhiều trục trặc, thu nhập không còn như trước. Thế nhưng, do cả năm chỉ có một vài ngày được ở bên gia đình, anh vẫn quyết định chi tiền về quê, không tiết kiệm như lời khuyên của nhiều người.

"Năm nay kinh tế khó khăn nhưng tôi tin năm sau tình hình sẽ tốt hơn. Hơn 10 năm làm việc ở TPHCM, tôi cũng tích cóp được một số tiền tiết kiệm. Xem như đây là khoảng thời gian tôi được dùng số tiền đó để nghỉ ngơi sau nhiều năm xa nhà, tôi sẽ không bỏ lỡ khoảnh khắc ý nghĩa bên gia đình của mình", anh Văn tâm niệm.

Theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, chặng bay từ TPHCM và Hà Nội về các địa phương đang có tỷ lệ đặt chỗ ở mức rất cao, trải đều trong các ngày từ 2/2 (23 tháng Chạp) tới 9/2 (30 Tết). Một số chặng bay đã kín chỗ (tỷ lệ đặt chỗ 100%).

Các chặng bay giữa TPHCM và Thanh Hóa, Hải Phòng, Chu Lai... cũng đang cạn vé từng ngày, tỷ lệ đặt chỗ trên 90%.

"Đường bay vàng" TPHCM - Hà Nội, tỷ lệ đặt chỗ ở cả 2 chiều đi và về đều đang ở mức trên 80% (cập nhật đến ngày 25/1).

"Đường bay vàng" chưa kín chỗ nhưng giá vé vẫn duy trì ở mức cao. Qua khảo sát, một người tốn khoảng 7-7,5 triệu đồng để đặt vé khứ hồi từ TPHCM về Hà Nội ăn Tết. Giá vé tại các khung giờ đẹp có xu hướng đắt đỏ hoặc đã bán hết. Lượng vé vào đêm khuya và rạng sáng còn nhiều và rẻ hơn. 

Cục Hàng không cho biết các hãng bay Việt Nam đang tiếp tục bổ sung thêm chuyến bay từ TPHCM tới các sân bay địa phương và ngược lại trên các chặng đang có tỷ lệ đặt chỗ cao, với 324 chuyến tăng thêm, tương ứng gần 61.000 ghế.