Người lao động châu Á thích "tỏ vẻ bận rộn"

Hạ Di

(Dân trí) - Cuộc khảo sát toàn cầu chỉ ra rằng, người lao động ở châu Á đang tập trung vào việc tỏ ra bận rộn hơn là làm công việc một cách thực tế, hiệu quả.

Derek Laney, một lãnh đạo của Slack cho biết, có khái niệm gọi là công việc mang tính "thể hiện". Đó là khi trong cuộc họp, các nhóm nhân viên sẽ khoe khoang thành tích thay vì đưa ra quyết định hay tìm cách giải quyết vấn đề.

Slack thực hiện cuộc khảo sát với 18.000 nhân viên, giám đốc điều hành toàn cầu. Cuộc khảo sát cho thấy, các nhân viên từ Ấn Độ (43%), Nhật Bản (37%) và Singapore (36%) dành nhiều thời gian hơn để "thể hiện" so với mức trung bình toàn cầu (32%).

Người lao động châu Á thích tỏ vẻ bận rộn - 1

Nhân viên tại châu Á được xếp hạng là nhóm nhân viên thường tỏ ra bận rộn hơn là làm việc thật sự (Ảnh minh họa: CNBC).

Trong đó, lao động Hàn Quốc và Mỹ nằm ở vị trí thấp nhất, chỉ dành 28% thời gian để "tỏ ra bận rộn". Ngược lại, Nhật Bản (37%), Singapore (36%) và Ấn Độ (43%) đứng hạng... cao nhất.

Laney, một nhân viên cho hay, nguyên nhân dẫn đến kiểu làm việc nói trên là do sự đo lường năng suất làm việc từ các sếp.

"Bởi các nhà lãnh đạo thường đánh giá năng suất của nhân viên dựa trên hoạt động có thể nhìn thấy, thay vì kết quả. Điều này khiến nhân viên bị lãng phí sự nỗ lực, khi cứ cố thể hiện tốt trước mặt lãnh đạo", Laney nói.

Theo báo cáo, thời gian dành cho các hoạt động hoặc số lượng email được gửi là cách phổ biến nhất để các nhà lãnh đạo đo lường năng suất.

Điều này dần khiến nhân viên cảm thấy áp lực khi phải tăng ca, trả lời email ngay lập tức và có mặt trong mọi cuộc họp.

Thực tế, 44% nhân viên Singapore cho biết năng suất của họ bị ảnh hưởng do dành quá nhiều thời gian cho các cuộc họp và email. Slack nhận thấy rằng, 63% số người tham gia khảo sát nỗ lực duy trì trạng thái của họ trên mạng, ngay cả khi không có gì làm.

Người lao động châu Á thích tỏ vẻ bận rộn - 2

Nhân viên cảm thấy áp lực khi sếp của họ luôn đánh giá năng suất làm việc theo những gì họ thể hiện hàng ngày (Ảnh minh họa: CNBC).

Tuy nhiên, hầu hết người lao động đều mong muốn năng suất của họ có thể được đo lường theo cách khác.

Cụ thể, họ muốn được đánh giá nhất thông qua các chỉ số hiệu quả, những lần đối thoại với lãnh đạo, thời gian cho các công việc cụ thể.

Hiện nay, ngày càng nhiều người lao động ủng hộ hình thức làm việc không đồng bộ, kể từ thời điểm làm việc tại nhà trong đại dịch. Nghĩa là họ được lựa chọn lịch trình, địa điểm làm việc một cách linh hoạt.

Theo khảo sát, người lao động chọn vị trí linh hoạt (36%) cao hơn so với phúc lợi văn phòng (32%). Cuộc khảo sát cho thấy, khi trở lại văn phòng, cảm giác có "ý thức cộng đồng" và "động não theo nhóm" sẽ giúp họ làm việc hiệu quả hơn so với các nhiệm vụ có thể thực hiện ở nhà.

Nghiên cứu của Microsoft cũng tán thành quan điểm với điều này. Bởi 84% nhân viên toàn cầu cho biết họ sẽ có động lực đến văn phòng nếu họ có thể giao lưu với đồng nghiệp.

Theo www.cnbc.com