Người lao động cần cảnh giác với chiêu lừa đảo tuyển dụng qua mạng xã hội

Trường Thịnh

(Dân trí) - Thời gian gần đây, tình trạng mạo danh các thương hiệu, doanh nghiệp uy tín để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên các nền tảng xã hội liên tục xảy ra. Thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo ngày càng tinh vi khiến nhiều người nhẹ dạ dễ dàng mắc bẫy.

Sự phổ biến và tiện lợi của mạng xã hội khiến cho người dùng tự do tiếp cận nhiều nguồn thông tin đa chiều, tuy nhiên đây cũng là nơi để nhiều đối tượng xấu lựa chọn để dựng nên những chiếc bẫy. Lợi dụng danh nghĩa của các thương hiệu lớn, uy tín để tuyển dụng không phải là chiêu trò mới, nhưng càng ngày, mánh khóe của các đối tượng lừa đảo càng phức tạp hơn.

Mới đây, Unilever Việt Nam (Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam) vừa đưa ra cảnh báo một số cá nhân đã mạo danh phòng nhân sự của công ty để tuyển dụng, lừa đảo tiền của người lao động. Theo ghi nhận của Unilever Việt Nam, đối tượng lừa đảo đã lập các tài khoản trên Tiktok, lập website giả mạo website công ty để đăng thông tin tuyển dụng nhằm giăng bẫy người lao động.

Người lao động cần cảnh giác với chiêu lừa đảo tuyển dụng qua mạng xã hội - 1

Thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo ngày càng tinh vi khiến nhiều người dân nhẹ dạ dễ dàng mắc bẫy.

Thủ đoạn lừa đảo rất bài bản. Đối tượng lừa đảo giả mạo là người giữ chức vụ Phụ trách quan hệ lao động của Unilever Việt Nam, đăng thông tin tuyển dụng, môi giới ứng tuyển việc làm xuất khẩu lao động trên trang cá nhân, sau đó lập website giả mạo để tạo sự tin cậy cho người lao động. Người ứng tuyển được gửi phiếu (form đăng ký online) "Ứng tuyển nhân viên hỗ trợ văn phòng". Sau đó, đối tượng kêu gọi người ứng tuyển ứng tiền.

Tinh vi hơn, đối tượng còn làm giả biên lai thu tiền có chữ ký và dấu mộc của công ty để tạo sự tin tưởng. Ứng viên sau khi chuyển tiền sẽ nhận biên lai và chờ đợi. Chờ quá thời hạn được hứa hẹn mà không có hồi âm, tìm thông tin trang cá nhân của người thu tiền cũng không thấy, người lao động chỉ biết mình bị lừa khi đến Unilever Việt Nam để hỏi thực hư thông tin tuyển dụng.

Unilever Việt Nam khẳng định, công ty không có hoạt động kinh doanh xuất khẩu lao động; chính sách ứng tuyển vào công ty không cần phải đóng phí, không nộp tiền thế chân, không đăng ký tài khoản cá nhân hay tham gia bất cứ hội nhóm nào.

Công ty cũng đưa ra thông tin cảnh báo cho người lao động, khuyến khích các ứng viên nên thận trọng, cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo bằng cách tìm hiểu kỹ các thông tin trên các kênh tuyển dụng chính thống của Unilever Việt Nam; không làm việc với các cá nhân nhân danh tổ chức để liên hệ với ứng viên qua trang chat về vấn đề tuyển dụng, yêu cầu ứng viên phải chuyển tiền.

Người lao động cần cảnh giác với chiêu lừa đảo tuyển dụng qua mạng xã hội - 2

Trang web giả mạo tuyển dụng.

Unilever Việt Nam cũng nêu rõ, tất cả các thông tin tuyển dụng của công ty đều được đăng tải công khai, rộng rãi với các nội dung rõ ràng: Tuyển dụng với danh xưng tên công ty, cung cấp cụ thể các thông tin mô tả công việc, yêu cầu thời gian, địa chỉ làm việc, cách thức ứng tuyển, email nhân viên tuyển dụng sẽ có đuôi @unilever.com.

Tất cả thông tin tuyển dụng của Unilever Việt Nam được đăng tải công khai rộng rãi với các nội dung rõ ràng, qua các kênh thông tin chính thống sau:

- Website: https://careers.unilever.com/vietnam

- Các trang tuyển dụng: LinkedIn, VietnamWorks.com và CareerBuilder

- Fanpage: Unilever Careers (www.facebook.com/UnileverCareersVietnam/?brand_redir=281927705278937)

- Đường dây nóng hỗ trợ ứng viên: 0914 835 038

- Email của nhân viên tuyển dụng sẽ có đuôi là @unilever.com

Hiện nay, các thương hiệu lớn đều chủ trương công khai, minh bạch các thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh, tuyển dụng… Vì vậy, người lao động khi nhận được bất kỳ lời mời ứng tuyển nào thì cần thận trọng kiểm tra thông tin ở các nguồn tin chính thống của doanh nghiệp.

Ứng viên có thể  kiểm tra kỹ thông tin bằng nhiều cách: gõ trực tiếp tên miền của tổ chức, doanh nghiệp mình muốn ứng tuyển vào cửa sổ trình duyệt để truy cập trực tiếp, không nên truy cập vào đường link nhận được hoặc có thể gọi điện trực tiếp vào số hotline của doanh nghiệp để kiểm tra chéo thông tin trước khi đưa ra quyết định.