Doanh nghiệp ĐBSCL:
“Người lao động cần 500 giờ làm thêm/năm”
(Dân trí) - Nhiều doanh nghiệp (DN) ở vùng ĐBSCL đều có ý kiến như trên và cùng cho rằng, việc làm thêm giờ cũng là để người lao động có thêm thu nhập đảm bảo đời sống.
Ý kiến trên cùng nhiều ý kiến khác liên quan đến DN và người lao động được đưa ra trong buổi Hội nghị “0Lấy ý kiến của các doanh nghiệp về Luật Công đoàn và Luật Lao động sửa đổi” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức tại TP.Cần Thơ ngày 25/1.
Ông Phạm Văn Oanh (chuyên gia tư vấn Luật của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ) cho biết, ý kiến của các DN sẽ rất cần thiết cho việc sửa đổi, bổ sung một số điều trong 2 bộ Luật trên vì quyền lợi cũng như nghĩa vụ của họ.
Nhiều Doanh nghiệp vi phạm lỗi không chấp hành Luật Lao động về làm thêm giờ
Về Luật Lao động sửa đổi, ông Phạm Văn Oanh đưa ra: Điều 122- Đề xuất mức tăng giờ làm thêm lên 300 giờ/năm nên tăng hay giảm và mức nào hớp lý?. Điều 158- Thành lập Quỹ Bồi thuờng tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp ở mức 0,2-2% tổng quỹ lương thực trả? Điều 33- Đặt cọc, ký gửi khi giao kết Hợp đồng lao động?
Một đại diện DN Thủy sản cho biết, ở ĐBSCL rất nhiều DN làm cá, tôm xuất khẩu. Các DN hoạt động phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu, người bán đưa lúc nào làm lúc đó. Chính vì thế giờ làm cũng phụ thuộc vào điều tiết nguyên liệu. Nếu 300 giờ/năm thì không đảm bảo được. Vị đại diện này ước tính, 1 tuần 52giờ, 1 năm 624 giờ sẽ nới rộng hơn. Trừ những ngày con nước và nguyên liệu thì tối thiểu ở ĐBSCL cũng phải 500 giờ/năm.
Quang cảnh buổi Hội nghị tại TP.Cần Thơ.
Ông Nguyễn Đức Ngộ - GĐ Công ty May Việt Thành (TP.Cần Thơ) cho biết: “Thống kê nhiều năm trước thì mức 500giờ/năm là vừa. Hiện nay các DN đều bị kiểm tra chính sách, chính vì thế mức 300giờ thường xuyên bị lỗi không chấp hành Luật Lao động về giờ làm thêm. Nhưng do nguyên liệu nhiều, nếu không tăng ca thì hết giờ làm thêm buộc xưởng may phải tăng ca thêm. Vì thế mức 500giờ để không vi phạm Luật Lao động, thỏa mản nhu cầu làm thêm của công nhân để có thêm thu nhập.
Cũng theo ông Xuân, Điều 158 là cần thiết. Nhưng trong những năm gần đây bổ sung nhiều quỹ DN phải trích doanh thu của mình là rất nặng nề, tiền lương tối thiểu tăng đều đều, tiền bảo hiểm xã hội, y tế… cộng lại, đến lúc nào đó sợ DN không chịu nổi. Chính vì thế cũng cần điều chỉnh sao cho hợp lý” .
Với Điều 33, ông Chu Văn An (Cà Mau) đề nghị cần phải đặt cọc ngay khi thỏa thuận trước. Bởi nếu sau khi ký hợp đồng mà người lao động trở mặt thì khó cho DN. Còn theo bà Nguyễn Mỹ Thuận- Tổng thư ký Hiệp hội DN Cần Thơ thì cần có bởi vì luật bảo vệ người lao động nhiều hơn người sử dụng lao động. Song nếu không có DN thì người lao động tìm việc ở đâu? Chúng ta cần bảo vệ quyền của các DN vì người lao động cũng có những đòi hỏi vô lý”.
Bà Thanh Lan- GĐ Công ty Dịch vụ Địa ốc Đất Phương Nam đánh giá, nên có mạng quản lý người lao động trong toàn quốc; khi có tình trạng vi phạm kỷ luật cần có sự thông báo ở DN, báo chí; người lao động sử dụng lao động thì cần có tham kiến của DN cũ để biết người lao động vi phạm vì; NLĐ vi phạm thì cam kết không sử dụng NLĐ trong bao lâu, làm như thế mới giúp NLĐ có ý thức trong công việc.
Ông Phạm Văn Oanh nhìn nhận: “Nhà nước muốn DN đem về vùng sâu vùng xa để đầu tư vì nhân công giá rẻ nhưng cơ sở vật chất lại thiếu thốn chính vì thế rất ít DN về vùng nông thôn nên buộc tăng lương chút đỉnh ở thành thị. Lao động di cư rất muốn làm thêm giờ bởi vì họ nghĩ rằng ở trong nhà máy sẽ thoáng mát hơn, DN giải quyết thêm bữa cơm, làm thêm thì được tăng lương. Không làm thêm giờ thì lao động di cư không đủ sống”.
Không thể bắt Doanh nghiệp nộp tiền “nuôi” thêm hệ thống Công đoàn…
Đối với Luật Công đoàn sửa đổi, ông Phạm Văn Oanh đưa ra 2 điều chính: Tiết 2, khoản b, Điều 27- Kinh phí của Công đoàn (CĐ) trích từ 2% tổng quỹ lương thực trả tại DN?. Điều 25- Dành 1-3 ngày/tháng nghỉ làm việc tại DN cho cán bộ CĐ không chuyên trách từ Tổ trưởng CĐ trở lên và từ 3-6 ngày/tháng dành cho Chủ tịch, Phó Chủ tịch cơ sở để đi hoạt động CĐ?.
Các ý kiến của đại biểu cho rằng tiết 2, khoản b, Điều 27 là không hợp lý, thiếu khả thi. Ông Chu Văn An- Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy Sản Minh Phú (Cà Mau) cho rằng: “DN đã thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước, còn đóng các khoản khác như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… Trong khi đó, “CĐ là một thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam” thì ngân sách nhà nước phải đảm bảo cho CĐ như các hội khác chứ không thể bắt DN lại phải nộp tiền nuôi hệ thống CĐ.
Ông An nói thêm: “Hiện nay tổng quỹ lương của các DN rất lớn, từ vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng, vậy thì 2% là con số không hề nhỏ. DN chỉ đảm bảo cơ sở vât chất và kinh phí đủ cho CĐ hoạt động, còn các khoản chi của CĐ đã được DN trích từ quỹ khen thưởng và phúc lợi chi chứ không cần CĐ chi”.
Cùng quan điểm với ông An, ông Nguyễn Xuân Trường (BQL các KCN Tiền Giang) cho rằng: “CĐ là một hoạt động chính trị xã hội tự nguyện do công nhân lập nên, cơ bản do tổ chức đó tự trang trải về tài chính nên đề nghị nghiên cứu lại”. Ông Xuân nói tiếp: “Còn Điều 25 cũng vô lý, các cán bộ CĐ không chuyên trách cũng là công nhân lao động được ký kết lao động, việc tham gia đứng trên những công nhân khác để hoạt động CĐ cũng không phù hợp, rồi bắt DN trả lương thì khó chấp nhận được”.
Với điều 25, ông Nguyễn Hoàng Đương (Cơ khí Sông Hậu Cần Thơ) thẳng thắn hơn : “Dù cho nghỉ làm sẽ tạo điều kiện cho cán bộ CĐ hoạt động hiệu quả hơn nhưng CĐ do công nhân thành lập, đã được lãnh lương của chủ DN thì liệu trả thêm khoản lương cho cán bộ này sẽ hoạch toán vào đâu. Trong khi đó công nhân lập ra CĐ để chống đối lại ông chủ thì chắc rằng không có ông chủ nào đồng ý”.
Huỳnh Hải