Người khuyết tật còn nằm ngoài hệ thống việc làm

(Dân trí) - Bà Huỳnh Ngọc Bích, cán bộ phụ trách mảng việc làm của Trung tâm Khuyết tật & Phát triển (DRD) cho biết: “Tại các sàn giao dịch việc làm ở TPHCM vẫn chưa xuất hiện người khuyết tật (NKT) tìm việc cũng như doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng NKT làm việc”.

Việc làm quá xa vời đối với NKT

Ngoài bà Bích, tại hội nghị giới thiệu Dự án Brave (Xây dựng năng lực tổ chức để nâng cao vị thế và phát triển kinh tế của NKT) do Quỹ Hỗ trợ Cộng hòa Ailen tài trợ diễn ra ở TPHCM ngày 25/1, các đại biểu đến từ các Hội NKT các tỉnh thành phía Nam đều đồng tình với ý kiến việc làm hiện nay là quá xa vời đối với NKT.

Việc làm còn quá xa vời đối với NKT vì nhiều trở ngại
Việc làm còn quá xa vời đối với NKT vì nhiều trở ngại

Ông Trần Mạnh Thu, Chủ tịch Hội NKT tỉnh Lâm Đồng cho rằng: “Hiện NKT muốn làm việc đều chỉ có thể tự tạo việc làm cho mình, tự kinh doanh sản xuất ở nhà chứ không làm việc trong các cơ quan, xí nghiệp. Vì chẳng ai tuyển họ, mà có tuyển thì họ cũng khó theo kịp công việc của công ty”.

Ông Lê Đức Hiền, Chủ tịch Hội NKT huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) cho biết: “Không phải NKT không muốn làm việc. Điều quan trọng là không ai tuyển họ làm. Muốn tự kinh doanh, sản xuất thì phải có vốn mà NKT hầu hết đều thuộc diện nghèo. Cho dù có vốn thì nhiều khi họ cũng chẳng biết làm gì”.

Theo thạc sĩ Võ Thị Hoàng Yến, Giám đốc DRD thì vấn đề của NKT trong độ tuổi lao động tại Việt Nam là thiếu tài chính (tỷ lệ nghèo trong cộng đồng NKT rất cao), thiếu học vấn (vì hầu hết đều không được học cao), thiếu nghề nghiệp (vì không được đào tạo nghề) và thiếu cả cơ hội được làm việc (vì doanh nghiệp ngại tuyển NKT).

Bà Huỳnh Ngọc Bích dẫn chứng con số cụ thể hơn: “Một khảo sát năm 2007 của Bộ Lao động Thương binh Xã hội cho thấy có 70% NKT đang trong độ tuổi lao động nhưng chỉ có 30% trong số đó có thu nhập ổn định. Hầu hết số còn lại đều phải sống dựa vào gia đình hay nhờ xã hội bảo trợ. Điều đó cho thấy NKT vẫn còn nằm ngoài hệ thống việc làm, cùng với các yếu tố khác thì điều này dễ làm cho NKT lâm vào đói nghèo”.

Tạo cơ hội việc làm cho NKT

Theo bà Huỳnh Ngọc Bích, thực tế không phải NKT không làm được việc mà vì doanh nghiệp không muốn bỏ nhiều công sức, chi phí để nghiên cứu những công việc phù hợp có thể bố trí lao động là NKT. Họ có thể bỏ tiền làm từ thiện nhưng không muốn bỏ tiền nghiên cứu 1 vị trí mà NKT có thể đảm nhận trong quy trình làm việc của đơn vị mình.

Bà Bích kể: “Rất nhiều doanh nghiệp đã đến DRD nhờ tuyển dụng NKT làm việc. Nhưng khi NKT về thử việc thì họ ngỡ ngàng vì không thể làm được công việc mà công ty giao, không thể theo kịp tốc độ làm việc của đồng nghiệp là người không khuyết tật”.

Trong khi đó, có những đơn vị nghiên cứu tuyển NKT vào những vị trí hết sức phù hợp như các doanh nghiệp dịch vụ tư vấn tuyển nhân viên tư vấn qua điện thoại, chat trực tuyến… Nhiều NKT dạng liệt chi, khiếm thị đã làm rất tốt công việc này.

Hay tại Chi cục thuế Quận 1 (TPHCM) đã tuyến rất nhiều NKT liệt chi dưới làm công việc nhập liệu hồ sơ thuế. Đây là phần việc rất phù hợp với NKT trong quy trình làm việc của Chi cục thuế. Họ chỉ cần có kỹ năng tin học căn bản là đã có thể làm được việc và thực tế cho thấy họ làm rất tốt.

Bà Bích cho rằng: “Điều đó cho thấy NKT vẫn làm việc rất tốt nếu họ được tạo cơ hội làm đúng việc phù hợp với khả năng của mình. Điều quan trọng là phải cho NKT cơ hội!”.

Theo bà Bích, nội dung quan trọng nhất của Dự án Brave sắp tới sẽ là xây dựng mạng lưới giới thiệu việc làm cho NKT ở TPHCM, Lâm Đồng và Đồng Nai; Mở rộng và phát triển mô hình CLB tìm việc của NKT; Tham gia các Sàn giao dịch việc làm… Những hoạt động này nhằm tạo thêm cơ hội tiếp cận việc làm cho NKT.

Ngoài ra, trong khuôn khổ dự án còn có hoạt động xây dựng CLB doanh nghiệp NKT để chia sẻ kinh nghiệm xây dựng doanh nghiệp cà cả cơ hội kinh doanh trong cộng đồng doanh nghiệp do NKT xây dựng nên. Đồng thời, dự án cũng xúc tiến phát triển mạng lưới doanh nghiệp tuyển dụng lao động là NKT để tìm kiếm thêm “đầu ra” cho việc làm NKT.

Bà Bích cho rằng: “Chỉ cần có cơ hội, NKT sẽ chứng tỏ được mình vẫn có giá trị lao động. Và chỉ khi có việc làm, có thu nhập ổn định họ mới dễ dàng hơn khi hòa nhập xã hội”.

Tùng Nguyên