Người khuyết tật cần trợ giúp từ nhiều phía

“Trong việc học nghề, việc làm, người khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn như thu nhập thấp hơn so với lao động bình thường, một bộ phận người khuyết tật chưa được đến trường, được học nghề”.

Thông tin do ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) chia sẻ tại hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm tạo việc làm đối với người khuyết tật Việt Nam và Hàn Quốc”.

Chương trình do Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam phối hợp với Hiệp hội phục hồi chức năng cho người khuyết tật Hàn Quốc và cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc tổ chức hôm 6/12 tại Hà Nội.

Cũng theo đại diện Cục Bảo trợ xã hội, Việt Nam hiện có khoảng 7 triệu người khuyết tật từ 5 tuổi trở lên, trong đó số người khuyết tật thuộc độ tuổi lao động là 61%.

Người khuyết tật cần trợ giúp từ nhiều phía - 1

“Dù có tới 40% người khuyết tật còn khả năng lao động, nhưng trong số này chỉ có 30% đang tham gia lao động tạo thu nhập cho bản thân và gia đình và chủ yếu làm các nghề nông - lâm - ngư nghiệp, có thu nhập rất thấp so với các công việc khác” - ông Nguyễn Văn Hồi nói.

Ngoài ra, trình độ học vấn của người khuyết tật thấp, hơn 41% số người khuyết tật từ 6 tuổi trở lên không biết chữ và số có trình độ tốt nghiệp phổ thông cơ sở trở lên chỉ chiếm 19,5%.

Bên cạnh việc hỗ trợ người khuyết tật vượt qua những khó khăn khi tiếp cận với học nghề, việc làm, ông Nguyễn Văn Hồi cho rằng, cơ quan chức năng cũng cần lưu ý việc tham khảo kinh nghiệm của các nước có thêm những giải pháp, chính sách phù hợp với người khuyết tật.

Theo bà Đinh Thị Thụy - Phó Chánh Văn phòng Văn phòng Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, nhiều doanh nghiệp không muốn tuyển dụng người khuyết tật; nhiều địa phương còn khó khăn nên chưa có các chính sách riêng hỗ trợ giải quyết việc làm cho người khuyết tật. Đây cũng thể hiện thực tế chưa hiệu quả về chính sách hỗ trợ người khuyết tật vào cuộc sống.

Theo Văn phòng Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, công tác dạy nghề tạo việc làm đối với người khuyết tật còn nhiều bất cập, đơn cử như việc có nhiều tổ chức tham gia dạy nghề cho người khuyết tật nhưng thiếu sự theo dõi, kiểm soát và đánh giá.

Công tác dạy nghề còn phải lồng ghép với các chương trình hay đề án khác, người khuyết tật phải học giống như người bình thường mà chưa có kế hoạch, chương trình, thời gian riêng nên số lượng người khuyết tật được hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm còn thấp.

Chia sẻ kinh nghiệm triển khai tại Hàn Quốc, ông Na Woon Hwan, Phó Chủ tịch Hiệp hội phục hồi chức năng cho người khuyết tật Hàn Quốc cho biết, chính phủ Hàn Quốc đã quy định các cơ quan nhà nước và tổ chức công có nghĩa vụ phải tuyển dụng cả người khuyết tật với tỉ lệ 3%.

“Chính phủ cũng cấm sự phân biệt người khuyết tật trực tiếp hay gián tiếp qua quảng cáo, thậm chí là sự phân biệt thông qua việc cung cấp các tiện ích chính đáng” - ông Na Woon Hwan nói.

Theo Hiệp hội phục hồi chức năng cho người khuyết tật Hàn Quốc, khi xây dựng chính sách cho người khuyết tật, Hàn Quốc đã tham khảo nhiều chính sách của các quốc gia khác như Mỹ, Anh, Nhật Bản...

Tại hội thảo, nhiều đại biểu đã chia sẻ về mô hình doanh nghiệp hỗ trợ nhóm dân số dễ bị tổn thương, kinh nghiệm về thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số người khuyết tật.

Văn Dũng

TIN LIÊN QUAN:

TP.HCM: Đề nghị cấp BHYT trọn đời cho người khuyết tật nặng

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM đang đề xuất cấp BHYT trọn đời cho người khuyết tật nặng. Đây được đánh giá là một đề nghị có tính thiết thực cao.

Theo đó, việc cấp BHYT hàng năm và năm nào cũng phải cấp sẽ được chuyển sang cấp BHYT trọn đời cho người khuyết tật nặng. Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM, người khuyết tật đều có hoàn cảnh khó khăn, gia đình đơn chiếc và gặp khó trong việc đi lại. Hiện người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng đều được cấp thẻ BHYT. Riêng người khuyết tật nhẹ chưa được hỗ trợ cấp thẻ BHYT mà phải tự mua. Hiện TP.HCM có khoảng 37.000 người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng đã được cấp thẻ BHYT.

A.T

Hà Nội: Tổ chức nhiều Phiên giao dịch việc làm cho NKT

Trong năm 2016, Trung tâm DDVL Hà Nội đã tổ chức được 4 phiên lồng ghép tại sàn giao dịch việc làm chính ở 215 phố Trung Kính và 6 phiên lưu động tại các quận, huyện.

Được biết, Hà Nội có hơn 98.700 NKT, trong đó có 13.264 người thuộc hộ nghèo. Để giúp NKT không bị phụ thuộc vào gia đình cũng như xóa bỏ rào cản về mặt tâm lý, TT DVVL Hà Nội đã tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm lồng ghép cho lao động là NKT với sự tham gia của 320 DN tham gia tuyển dụng lao động là NKT và 1.073 NKT tham gia ứng tuyển. Với sự hỗ trợ này, trong năm 2016 đã có 345 NKT được giới thiệu việc làm và 109 NKT được giới thiệu học nghề.

Theo bà Vũ Thị Thanh Liễu - Phó GĐ TT DVVL Hà Nội, những công việc mà NKT tham gia ứng tuyển đơn giản, nhẹ nhàng, phù hợp với sức khỏe và điều kiện đi lại, ví dụ như may cờ, thêu tay, đan bó chổi chít, làm các sản phẩm lưu niệm... Ngoài ra, TT DVVL Hà Nội còn bố trí phòng phục hồi chức năng để NKT đến phiên giao dịch được luyện tập, bác sĩ khám sức khỏe và tư vấn làm công việc phù hợp.

P.O