Người già mưu sinh giữa thành phố du lịch những ngày cuối năm

Hoài Nam

(Dân trí) - Thành phố du lịch vắng hoe vì Covid-19, vì thế những gánh hàng rong mưu sinh của nhiều người cao tuổi ở Nha Trang (Khánh Hòa) phải vất vả nhiều hơn, ngồi lâu hơn.

Hơn 10 giờ sáng, cô Huỳnh Thị Gái, gần 60 tuổi với mâm bánh cam (bánh rán) ráng ngồi thêm ở ghế đá ở khu Mường Thanh (Hòn Chồng, Nha Trang) với hy vọng sẽ có thêm vài ba người mua bánh. 

Lâu lâu, có vài ba khách du dịch xuống xe cứ như thể.... bắt được vàng, cô tranh thủ bê bánh lại mời khách. 

Cả năm nay, ảnh hưởng bởi dịch bệnh, vắng khách du dịch, cô chủ yếu bán cho dân địa phương. Người mua vài ba cái ăn cho vui miệng, hay đơn giản là mua ủng hộ. 

Người già mưu sinh giữa thành phố du lịch những ngày cuối năm - 1

Cô Gái đã bán bánh cam hơn 20 năm nay. Một chục 25.000 đồng, thường khách mua theo túi nhỏ 4 chiếc 10.000 đồng, có người chỉ mua 2 cái nhâm nhi.  

Mỗi ngày cô bán 300 chiếc bánh, đi bộ khắp thành phố. Trước đây khách du lịch đông, có thể đến 2 - 3 giờ chiều là cô hết bánh. Nay ảnh hưởng dịch bệnh, cô lội bộ gấp đôi, có khi đến tối bánh vẫn còn. Kể cả khách du lịch, họ cũng cân nhắc hơn khi bỏ đồng tiền ra mua, dù chỉ vài nghìn đồng. 

Người già mưu sinh giữa thành phố du lịch những ngày cuối năm - 2

Những chiếc bánh giúp bà nuôi con cháu 

"Nếu bán hết bánh, ngày tôi kiếm được khoản 300.000 đồng nên cố bán cho rằng hết. Nhưng có ngày đi khắp, đi hàng chục cây số vẫn ế, ôm bánh ra về", cô Gái nói. 

Bán xuyên ngày, cô Gái không ăn trưa. Khi cô ăn bánh, có khi gặp người bán món khác thì họ đổi hàng cho nhau, ăn qua bữa. Trưa nay, cô đổi hai cái bánh cam lấy bịch đậu phộng (lạc) luộc, ăn thay bữa trưa.

Người già mưu sinh giữa thành phố du lịch những ngày cuối năm - 3

Ngồi ở ngay đường Phạm Văn Đồng, khu biển Hòn Chồng, bán khoai lang, bắp nướng đã hơn 30 năm nay, bà Hà Thị Hiền, gần 80 tuổi lâu lâu lại đứng dậy, đưa tay đấm lưng vì mỏi. 

Cả năm nay vắng khách, bà kéo dài thời gian bán, ngồi từ 16h đến hơn 23 giờ đêm. Nhưng lượng hàng bán cũng chỉ được một nửa như trước, bếp lèo tèo chỉ vài cái bắp, củ khoai. Nhiều hôm, đã qua ngày mới, bà đành ôm khoai, bắp ế mang về. 

Người già mưu sinh giữa thành phố du lịch những ngày cuối năm - 4

Bà Hà Thị Hiền với bếp khoai lang, bắp nướng đang lo cho gia đình đông người 

Trước đây, khi du lịch còn sôi động, có những ngày bà nướng không kịp. Còn bây giờ, ngồi còng cả cái lưng, lâu lâu mới vài thanh niên nam nữ dừng mua củ khoai, cái bắp. 

"Khách ít đã đành bà người bán thì ngày càng nhiều hơn. Nhiều người thất nghiệp, cũng ôm cái bếp than ra đường ngồi. Có một đoạn này thôi mà có hàng bán, phía trên kia một dãy nữa", bà Hiền kể. 

Không dám nghỉ ngày nào 

Bà Gái, bà Hiền, đều đã lên chức bà nội hay bà ngoại nhưng cũng như biết bao phụ nữ, đến già họ vẫn mang gánh nặng mưu sinh.

Chồng bà Gái mất từ khi các con còn lấm chấm. Nuôi con trưởng thành thì nay bà... tiếp tục nuôi cháu. Con gái bà nợ nần bỏ nhà đi, để lại cho bà hai đứa cháu, cậu con trai của bà bị tai nạn, một tay bà lo. 

Người già mưu sinh giữa thành phố du lịch những ngày cuối năm - 5

Thành phố du lịch ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh, những gánh hàng rong của người lớn tuổi đi nhiều hơn, ngồi lâu hơn 

Hàng tháng, tiền nhà trọ, học hành, ăn uống của cả nhà chờ hết vào khay bánh cam của bà. Bao nhiêu năm qua, dù ngày mưa, ngày bão, đau lưng, tê chân, bà không dám nghỉ một ngày.

Công việc bán bánh cam cũng cho bà những niềm vui. Bà được gặp gỡ nhiều người, nhiều hoàn cảnh, có người gọi bà "ngoại ơi" một cách thân thương. 

Như đợt con trai bà bị tai nạn, nhiều khách mua bánh díu vào tay bà có người vài chục, có người cả trăm để bà thêm tiền lo cho con. 

Gia cảnh bà Hiền cũng vất cả không kém. Nói không quá, hàng khoai lang nướng vỉa hè của bà đang lo tiền chợ búa cho 8 người trong gia đình. 

Người già mưu sinh giữa thành phố du lịch những ngày cuối năm - 6

Bữa cơm chiều của bà Hiền là lúc hơn 9 tối, khi bà đã nướng xong toàn bộ khoai, bắp mang theo 

Bà có hai cô con gái, lấy chồng sinh con mà "chồng đánh dữ quá", bà nói về với mẹ đi con. Hai đứa con, 4 đứa cháu quay về với với cha mẹ. Một cô ốm đau suốt, còn một cô làm ở nhà hàng, nhưng năm nay dịch cũng thất nghiệp. 

Hơn 9 giờ đêm, khi đã nướng xong số khoai, bắp mang theo, bà Hiền mới lôi hộp cơm với miếng cá kho mang theo để ăn tối. Cơm đã nguội ngắt. Bà ăn vài thìa rồi thôi. 

Bà kể, ngồi bán hàng một chỗ vậy thôi chứ gặp đủ kiểu người. Người tốt có, người lừa lọc cũng có. 

Cách đây lâu lâu, có cô gái, đi xe máy đến nói bà nướng toàn bộ khoai, bắp cho con, chút con đi tặng mấy đứa trẻ cơ nhỡ ở mái ấm. Rồi cô nói, bà cho con mượn tạm 200.000 đồng để vào mua thêm ít quà bánh, chút có người đưa tiền ra lấy khoai, sẽ trả bà. 

Bà cả tin, thương họ làm việc tốt nhưng bà vừa dọn hàng, trong người lấy đâu ra từng đó tiền. Bà chạy sang hàng quán đối diện, vay tạm tiền đưa cho cô gái. Rồi cô một đi không trở lại... 

 "Mấy chục năm bán hàng, gặp nhiều cảnh lừa lọc lắm. Có nhiều thanh niên, khoe làm kỹ sư, bác sĩ này nọ, mua khoai, bắp, khất chút con quay lại đưa tiền rồi... đi luôn. Hay thanh niên nghiện hút, xì kê, dừng xe xin vài củ khoai miết..." bà tâm tư. 

Người già mưu sinh giữa thành phố du lịch những ngày cuối năm - 7

Tuy nhiên, bà cũng khoe, nhờ công việc này mà bà mới có thu nhập để để trang trải cuộc sống. Cho dù kiếm ngày nào, sống ngày đó, nghỉ ngày nào, đói ngày đó. 

"Đời tôi, từ khi sinh ra, chưa bao giờ đi đâu, chưa ra khỏi tỉnh. Ngồi đây bán khoai, tôi tiếp xúc với nhiều người, với du khách, họ đưa đến cho mình cái nhìn, cảm nhận về thế giới ngoài kia", bà Hiền chia sẻ. 

Đêm khuya khoắt. Lâu lâu, có những người lớn tuổi là bạn bán hàng rong khác của bà Hiền dừng chân ngồi nói chuyện với bà. Họ đưa cho nhau chút quà là miếng ổi, quả chuối, miếng bánh tráng....

Có bác lớn tuổi, vừa ngồi xuống vừa đấm thình thịch vào bắp chân. Bà chìa hai bịch xoài, một bịch trứng cốt lộn, thở dài với người bạn: Còn từng này mà tui rũ cả chân, chưa ai mua cho đây...