1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Quảng Trị:

Người dân trồng rau "đặc sản" vùng giếng cổ lo thất thu vụ rau Tết

Đăng Đức

(Dân trí) - Loại rau "đặc sản" trồng quanh vùng giếng cổ ngàn năm ở Quảng Trị mỗi năm mang về cho người dân hàng tỷ đồng. Nhưng năm nay, do ảnh hưởng bởi mưa lũ nên bà con lo ngại vụ rau trước Tết sẽ bị thất thu.

Thu từ 70-80 triệu đồng mỗi vụ rau

Những năm gần đây, cây rau liệt (hay còn gọi là rau xà lách xoong) được người dân xã Gio An, huyện Gio Linh xem là "cứu cánh" thoát nghèo và mang về nguồn thu nhập khấm khá cho bà con.

Vụ rau trước Tết âm lịch càng được người dân nơi đây trông đợi, bởi giá trị cây rau mang lại cho bà con rất lớn.

Trồng rau quanh giếng cổ, thu hàng chục triệu đồng

Thời gian này những năm trước, có nhiều xe tải tập trung ở vùng giếng cổ Gio An để chuyển rau đi phân phối các tỉnh. Nhưng vụ rau trước Tết năm nay đối với người dân nơi đây có phần kém vui hơn do ảnh hưởng của thiên tai.

Cây rau liệt vùng giếng cổ ở Quảng Trị hiện đã có "thương hiệu" riêng, được người dân nhiều nơi biết đến. Dòng nước trong vắt chảy ra từ các giếng cổ xuống ruộng rau chính là yếu tố tạo nên chất lượng của rau liệt ít nơi nào có được. Cây rau sinh trưởng tự nhiên và không hề có hóa chất nào ngoài phân hữu cơ.

Người dân trồng rau đặc sản vùng giếng cổ lo thất thu vụ rau Tết - 1

Những năm trước, cây rau liệt mang về cho người dân Gio An hàng tỷ đồng

Rau được bán ở hầu hết thị trường các tỉnh miền Trung, như Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng...

Anh Nguyễn Xuân Anh, thôn Hảo Sơn, xã Gio An cho biết, vụ rau liệt kéo dài từ tháng 9 đến tháng 2 (âm lịch), nhưng cao điểm khoảng những tháng trước Tết nguyên đán. Rau được bán theo bó, mỗi bó rau có giá khoảng 10-15 nghìn đồng và được thu mua tại ruộng rau. Sau đó, thương lái đưa đi bán các tỉnh, thành trong khu vực.

Người dân trồng rau đặc sản vùng giếng cổ lo thất thu vụ rau Tết - 2

Rau được trồng quanh vùng giếng cổ

"Trung bình mỗi vụ, gia đình tôi thu về khoảng 70-80 triệu đồng. Có năm thu từ bán rau gần 100 triệu đồng. Tuy nhiên, năm nay bị ngập lũ nên nhiều diện tích rau bị trôi. Dù bây giờ đang trong giai đoạn cao điểm của vụ rau nhưng chưa bán được bao nhiêu", anh Anh nói.

Lo thất thu vụ rau Tết

Hơn 1 tháng sau lũ, bà Hoàng Thị Định, xã Gio An, huyện Gio Linh mới thu hoạch đợt rau liệt đầu tiên.

Người dân trồng rau đặc sản vùng giếng cổ lo thất thu vụ rau Tết - 3

Sau đợt mưa lũ dài ngày, bà Định mới thu hoạch lứa rau đầu tiên

Bà Định cho hay, những ruộng rau gần nguồn nước sạch thì phát triển tốt, sản lượng rau nhiều hơn so với những ruộng ở xa nguồn nước.

"Những năm trước thời tiết thuận lợi nên gia đình có 2 sào rau liệt thu hoạch được 50 triệu đồng/vụ. Tuy nhiên, vụ rau năm nay do ngập nước lũ nên sản lượng giảm đáng kể, ruộng rau thưa thớt hơn. Bà con đều trông chờ vào vụ rau từ bây giờ đến Tết, nhưng có lẽ đến Tết Nguyên đán sắp tới thu nhập từ rau cũng giảm nhiều.

Cũng theo bà Định, do ảnh hưởng của mưa lũ nên rau giống cũng trở nên khan hiếm, giá cao hơn so với trước.

Người dân trồng rau đặc sản vùng giếng cổ lo thất thu vụ rau Tết - 4

Rau liệt mang về nguồn thu nhập khá cho người dân

Bà Nguyễn Thị Hà, xã Gio An cho biết, gia đình canh tác 2 sào rau liệt. Mọi năm, vào đầu tháng 10 là bắt đầu thu hoạch, nhưng năm nay do ảnh hưởng của mưa lũ nên rau bị hư hại, một số bị trôi.

"Với 2 sào rau liệt, bình quân mỗi vụ thu hoạch từ 25-30 triệu đồng. Năm nay, bây giờ mới xuống giống nên chưa biết khi nào rau mới tốt để thu hoạch", bà Hà nói.

Những ngày này, bà Hà phải đi mua giống để cấy lại với hy vọng 1 tháng sau rau phát triển tốt và cắt bán được. Nhưng thấy thời tiết không mấy thuận lợi, bà Hà lo ngại vụ rau Tết sẽ bị thất thu.

Người dân trồng rau đặc sản vùng giếng cổ lo thất thu vụ rau Tết - 5

Năm nay do ảnh hưởng của mưa lũ nên rau thưa thớt hơn

"Mọi năm gia đình tôi chỉ bỏ ra ít tiền để mua giống, nhưng năm nay rau bị trôi do lũ nên giá giống khá đắt. Từ đầu mùa đến nay tôi đã mua hết 5 triệu đồng tiền giống rau. Mỗi gánh rau bây giờ có giá 800 nghìn đồng, cao hơn gấp 3 lần so với trước. Chính vì vậy, dù còn ruộng nhưng chỉ trồng được một nửa diện tích", bà Hà băn khoăn.

Người dân trồng rau đặc sản vùng giếng cổ lo thất thu vụ rau Tết - 6

Dòng nước trong và mát chảy ra từ giếng cổ giúp rau liệt phát triển tốt

Hàng năm xã Gio An có hơn 150 hộ trồng rau liệt với diện tích trên 10 ha, mang lại thu nhập hơn 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, do mưa lũ làm hư hỏng ruộng; cùng với khan hiếm giống rau nên vụ này người dân chỉ trồng được khoảng 6/10 ha, diện tích còn lại đành chấp nhận bỏ ruộng, tiếp tục cải tạo chờ vụ sản xuất năm sau. Việc còn 4 ha ruộng rau bỏ hoang gây thất thu cho người dân nhiều tỷ đồng.

Người dân trồng rau đặc sản vùng giếng cổ lo thất thu vụ rau Tết - 7

Diện tích trồng rau năm nay có giảm so với trước

Trước tình hình này, UBND xã Gio An vận động người dân cố gắng không bỏ ruộng, tiếp tục cải tạo ruộng đồng để phục vụ cho mùa trồng rau năm sau. 

Với diện tích rau trồng được, để ổn định giá cả, xã Gio An tiếp tục quảng bá thương hiệu, kiện toàn các tổ, HTX trồng rau sạch, tích cực mở rộng thị trường tiêu thụ ra các tỉnh, thành phố như Huế, Đà Nẵng để giúp người dân có thêm thu nhập từ trồng rau, cải thiện cuộc sống.