Người đàn ông khát khao hồi sinh dòng gốm lừng danh của Nam Bộ
(Dân trí) - Với mong muốn tìm lại và lưu giữ những giá trị về nghề gốm thủ công, anh Khang Minh đã phục dựng các công đoạn tạo tác gốm xưa tại khu Vườn Nhà Gốm ở thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương.
Không sinh ra từ gia đình có truyền thống làm gốm nhưng với mong muốn tìm lại và lưu giữ những giá trị về nghề gốm thủ công, anh Khang Minh (40 tuổi, quê Kiên Giang) đã thành lập và đưa vào hoạt động khu Vườn Nhà Gốm (phường Lái Thiêu, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương) vừa để sản xuất, chế tác gốm và mở workshop đưa nghề tới nhiều bạn trẻ hơn.
Gốm Nam Bộ vang bóng một thời
Khu vườn là nơi phục dựng các công đoạn tạo tác gốm xưa. Sau 6 năm hoạt động, nơi đây đã cho ra đời rất nhiều sản phẩm có kích thước, chất liệu, hình dáng, màu men, hoa văn không khác gì những dòng gốm nổi tiếng lừng danh của Nam Bộ một thời.
Sản phẩm gốm đặc trưng ở đây trên 80% là gốm Nam Bộ với 2 dòng chính: Gốm Lái Thiêu và gốm Biên Hòa. Gốm Lái Thiêu chủ yếu là trang trí vẽ các con vật, hoa lá, chim muông trên các sản phẩm gia dụng như bát, tô, chén, dĩa…, các hoa văn này không chỉ gần gũi với đời sống con người mà còn mang những ý nghĩa tốt đẹp và may mắn. Còn đặc trưng của gốm Biên Hòa là khắc trang trí trên vỏ gốm, nổi bật là hình ảnh bách hoa và dây lá nhiều màu sắc.
Khi tìm hiểu về ngành gốm thủ công, anh Minh lập tức say mê với nghề này bởi không cần sự hỗ trợ của máy móc hiện đại nhưng những người thợ lão luyện gốm của vùng đất Nam Bộ xưa kia vẫn làm ra những sản phẩm có độ tròn đều tuyệt đối và hài hòa.
Thời điểm thịnh vượng nhất của gốm Nam Bộ là vào những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Với những thương hiệu nổi danh như gốm Cây Mai, gốm Biên Hòa, gốm Lái Thiêu...
Những thương hiệu này do các lò gốm sản xuất, đa dạng về chủng loại, kích thước, cách trang trí, mang tính mỹ thuật cao, màu men nguyên thủy, hoa văn trang trí đa dạng gần gũi với sinh hoạt đời sống cộng đồng. Vì thế gốm Nam Bộ xưa kia được khắp Nam Kỳ lục tỉnh và cả thị trường nước ngoài ưa chuộng.
Những năm gần đây, nghề gốm thủ công ở vùng đất Sài Gòn, Biên Hòa, Lái Thiêu gần như mai một. Hầu hết các cơ sở gốm đều đầu tư máy móc hiện đại để tăng năng suất, tạo nên hoa văn tinh xảo, màu men tươi tắn, dần dà các sản phẩm gốm Nam Bộ gần như vắng bóng trên thị trường cũng như trong suy nghĩ của mọi người.
Mong ước vực dậy nghề gốm thủ công
Anh Minh nhìn nhận, ngành gốm thủ công vẫn chưa phát triển tốt bởi vì chất lượng sản phẩm không phát triển kịp để có thể cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, lĩnh vực truyền thông về ngành nghề này vẫn chưa làm hiệu quả.
Ở phương Tây họ rất quý trọng ngành nghề thủ công, khách hàng được đào tạo về ngành nghề, được đào tạo về tiêu dùng mỹ thuật nên họ nhìn ra được giá trị của sản phẩm, biết được yếu tố thủ công của sản phẩm như thế nào. "Ở mình người dân vẫn chưa tiếp cận được cách nhìn nhận sản phẩm, workshop của mình ra đời cũng còn cho mục đích này nữa", anh Minh nói.
Đây cũng là ngành nghề tích lũy kinh nghiệm của cha ông để lại. Nếu mình không duy trì sẽ trở thành một quãng đứt gãy của lịch sử. Do vậy mình phải tiếp nối, mặt dù sợi dây của mình vẫn còn rất nhỏ, hy vọng đến một thời điểm nào đó sợi dây này sẽ lớn lên và nó kết nối được nhiều người với nhau hơn.
Tìm kiếm thế hệ kế thừa
Gốm thủ công (gốm mỹ nghệ) sản phẩm được hình thành bằng nhiều công đoạn khác nhau. Bước đầu là tạo hình (bằng khuôn hoặc bàn xoay), sau đó chờ khô tự nhiên từ 3-5 ngày rồi đưa qua công đoạn điêu khắc, chấm men. "Chấm men không phải là công đoạn tô màu thông thường, bởi vì men có độ nhớt, dày, mỏng khác nhau. Để chấm được hũ đựng mứt, người thợ phải có kinh nghiệm trên 5 năm mới chấm được những chi tiết nhỏ mà không bị lem. Sau khi chấm men sẽ chờ khô trong vài ngày rồi mới qua công đoạn nung" anh Minh nói.
Vườn Nhà Gốm hoạt động ở 2 mảng chính, làm gốm thủ công và gốm công nghiệp. Theo anh Minh, ngành gốm thủ công hiện tại vẫn chưa tự nuôi sống được nên anh làm mảng gốm công nghiệp để nuôi gốm thủ công bởi vì đây là mảng anh tâm huyết, đặt nhiều kỳ vọng để duy trì nghề truyền thống.
Mặc dù mới 6 năm đi vào hoạt động nhưng anh Minh có một đội ngũ nhân công tay nghề cao từ 15 năm đến 30 năm kinh nghiệm. Điều anh quan tâm là làm thế nào trình độ và kinh nghiệm của những người thợ này được kế thừa cho thế hệ sau.
Hai năm gần đây, anh Minh đẩy mạnh mảng workshop làm gốm thủ công để đưa nghề này đến gần hơn với các bạn trẻ. Qua đó góp phần định hướng tư duy mỹ thuật cho các em khi còn nhỏ, đồng thời cũng tìm kiếm thế hệ tiếp nối nghề gốm truyền thống cho mai sau.