Người dân Gia Lai "bỏ túi" hàng trăm triệu mỗi năm nhờ trồng dưa lưới

Phạm Hoàng

(Dân trí) - Thời gian gần đây, nhiều hộ dân tại xã Ia Nhin, huyện Chư Păh, Gia Lai đã nở rộn phong trào trồng cây dưa lưới trong nhà màng. Nhờ mô hình này giúp nhiều hộ dân "bỏ túi" mỗi năm gần 300 triệu đồng.

Ông Phan Văn Nguyên (61 tuổi, thôn Ia Sik, xã Ia Nhin, huyện Chư Păh, Gia Lai) là người khởi đầu cho mô hình trồng dưa lưới trên xã nghèo, với diện tích 4.000m2. 

Người dân Gia Lai bỏ túi hàng trăm triệu mỗi năm nhờ trồng dưa lưới - 1

Nhận thấy giá trị kinh tế, ông Nguyên đã mạnh dạn đưa mô hình dưa lưới về trồng trên đất đỏ ở Gia Lai (Ảnh: Phạm Hoàng).

Ông Nguyên cho biết, năm 2018, ông cùng một số người bạn đầu tư trồng dưa lưới ở Bình Dương. Thấy mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng quỹ đất ở đây còn hạn chế nên ông mạnh dạn đưa cây dưa lưới về trên vùng đất đỏ ở Gia Lai. Ông Nguyên đã phá bỏ 4 sào cà phê kém chất lượng của gia đình để xây dựng 4 nhà màng để bắt đầu hành trình làm giàu trên quê hương.

"Trung bình mỗi sào, người dân chỉ bỏ ra khoảng 2 triệu mua hạt giống. Sau khi trồng khoảng 60 ngày, cây dưa lưới sẽ cho thu hoạch. Mỗi vụ, người dân sẽ thu về từ 4 đến 5 tấn. Nếu người dân chăm chỉ, mỗi năm sẽ trồng được 5 vụ và thu về hàng trăm triệu đồng.", ông Nguyên tâm sự.

Người dân Gia Lai bỏ túi hàng trăm triệu mỗi năm nhờ trồng dưa lưới - 2

Mỗi năm, ông Nguyên đã bỏ túi hàng trăm triệu đồng từ loại quả còn xa lạ đối với người dân trong vùng (Ảnh: Phạm Hoàng).

Nhận thấy giá trị kinh tế lớn, nhiều người dân đã tìm đến gặp ông Nguyên để học hỏi nhằm nhân rộng mô hình dưa lưới. Giờ đây, người dân sống dọc con đường vào làng Ia Sik đều dành ra quỹ đất khoảng vài sào để dựng nhà màng. Ông Nguyên cũng được tín nhiệm giữ vai trò Chi hội trưởng Chi hội trồng dưa lưới xã Ia Nhin.

Anh Dương Minh Đức (29 tuổi, trú tại làng Ia Sik) đã theo ông Nguyên học hỏi cách trồng dưa lưới và phát triển mô hình được gần 2 năm. Trước đó, anh cũng phá hơn 100 cây cà phê kém chất lượng, già cỗi để lấy quỹ đất xây dựng nhà màng.

Người dân Gia Lai bỏ túi hàng trăm triệu mỗi năm nhờ trồng dưa lưới - 3

Mô hình trồng dưa lưới đã phát triển ra cho khoảng 50 hộ gia đình trên địa bàn xã tham gia (Ảnh: Phạm Hoàng).

Anh Đức cho hay: "Gần 2 năm, tôi đã trồng được 8 vụ dưa. Mỗi sào dưa lưới sẽ cho trên 4 tấn trái, trọng lượng từ 1,2 đến 1,6 ký mỗi trái, với giá bán khoảng 30.000 đồng/kg.

Trung bình, mỗi vụ dưa lưới, gia đình thu về từ 60 đến 80 triệu đồng. Tính tổng số vụ gieo trồng trong năm, lợi nhuận thu về gần 300 triệu đồng. So với cây cà phê thì dưa lưới mang về lợi nhuận gấp nhiều lần".

Người dân bỏ túi hàng trăm triệu đồng nhờ mô hình dưa lưới

Theo anh Đức, dưa lưới là cây trồng ngắn ngày, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giá cả ổn định. Người dân phải trồng trong nhà màng để hạn chế sâu bệnh và thời tiết thất thường.

Bên cạnh đó, cây dưa lưới phù hợp vào mùa khô, còn mùa mưa sẽ khiến cho cây giảm năng suất. Một số bệnh thường gặp trên cây dưa lưới như bọ trĩ, phấn trắng, sương mai...

Người dân Gia Lai bỏ túi hàng trăm triệu mỗi năm nhờ trồng dưa lưới - 4

So với các cây trồng bản địa, cây dưa lưới đã mang về lợi nhuận cho bà con gấp nhiều lần (Ảnh: Phạm Hoàng).

"Trồng dưa lưới không khó nhưng chi phí đầu tư xây nhà màng cao. Chính vì vậy, nông dân muốn có lãi thì phải kiên trì để dần thu hồi vốn và sinh lợi nhuận về sau. Nông dân cũng nên học hỏi để áp dụng khoa học - kỹ thuật, nâng cao hiệu quả kinh tế", anh Đức bộc bạch.

Ông Nguyễn Công Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Păh, thông tin: "Trong hơn 2 năm qua, mô hình dưa lưới nhà màng đã phát triển, diện tích đạt khoảng 5,2ha tại 2 xã Ia Nhin và xã Ia Ka. Với điều kiện thời tiết, khí hậu của huyện thuận lợi, người dân có thể trồng được từ 4 đến 5 vụ dưa và thu lợi nhuận khoảng 2 tỷ đồng/ha/năm.

Người dân Gia Lai bỏ túi hàng trăm triệu mỗi năm nhờ trồng dưa lưới - 5

Mô hình dưa lưới đang là cây trồng hứa hẹn mang lại lợi nhuận cao cho các vùng quê nghèo ở Gia Lai (Ảnh: Phạm Hoàng).

Nông dân và doanh nghiệp đã thực hiện việc liên kết để từng bước đưa sản phẩm dưa lưới trên địa bàn xã Ia Nhin nói riêng và huyện Chư Păh nói chung phát triển. Huyện đã có những chính sách hỗ trợ về giống, phân bón và kỹ thuật nhằm giúp người dân phát triển kinh tế, chuyển đổi cây trồng phù hợp.