1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Thanh Hóa:

Người dân canh cánh nỗi lo thất nghiệp

(Dân trí) - Quảng Thành là một xã thuần nông với nghề trồng lúa và rau màu. Nhưng hàng trăm ha đất nông nghiệp tại xã đang được quy hoạch vào các dự án xây dựng trường học, trường dạy nghề, nhà máy… khiến người dân nơi đây lo lắng trước nguy cơ thất nghiệp.

Thời gian quan, Quảng Thành có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, đời sống người dân cũng được nâng lên. Đường làng ngõ xóm được bê tông hóa đến tận từng gia đình. Dọc hai bên đường là các dịch vụ buôn bán, vui chơi, giải trí mọc lên như nấm.
 
Người dân canh cánh nỗi lo thất nghiệp - 1
Chị Hà lo lắng tới đây cuộc sống sẽ gặp nhiều khó khăn

Trước kia, Quảng Thành vốn là một xã thuộc huyện Quảng Xương với tốc độ phát triển kinh tế chậm. Đến năm 1996, Quảng Thành được tách ra và sáp nhập vào thành phố Thanh Hóa. Từ đó, Quảng Thành nằm trong vùng quy hoạch nhiều dự án của Nhà nước như xây dựng trường học, đường giao thông, công ty, trường dạy nghề…

Từ năm 2003, các dự án cho xây dựng trường học như trường Trung Cấp TW 5, trường đại học Hồng Đức, trường Trung cấp nghề Đức Thiện, các tuyến đường giao thông huyết mạch được tiến hành...

Nhờ có các dự án của Nhà nước, xã Quảng Thành đã “thay da đổi thịt” từng ngày với sự phát triển mau lẹ về kinh tế. Các dịch vụ vui chơi, giải trí, nhà trọ, chợ… lần lượt ra đời. Đời sống của một bộ phận nhân dân được nâng lên rõ rệt. Nhưng cũng từ đây, hàng trăm người dân lao động nông nghiệp trong xã đang thấp thỏm lo lắng trước nguy cơ bị thất nghiệp khi mà đất sản xuất không còn.

Toàn bộ các dự án đưa vào quy hoạch của Nhà nước trên địa bàn xã Quảng Thành đều nằm trong diện tích đất nông nghiệp của người dân. Có gia đình, toàn bộ đất nông nghiệp sản xuất nằm trong vùng được quy hoạch để phát triển các dự án.

Anh Lê Tiến Dũng, cán bộ địa chính xã Quảng Thành cho biết: “Tính từ năm 2003 đến nay, trên địa bàn xã có12 dự án được quy hoạch trên diện tích đất nông nghiệp, chưa kể các dự án với quy mô nhỏ. Nếu năm 2003, Quảng Thành có 603 ha đất nông nghiệp thì năm 2010 chỉ còn 456 ha. Tới đây, sẽ có ít nhất 200 ha diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn xã tiếp tục được Nhà nước đưa vào quy hoạch để đầu tư và xây dựng các dự án mới”.
 
Người dân canh cánh nỗi lo thất nghiệp - 2
Rồi đây những diện tích đất nông nghiệp nơi đây sẽ được quy hoạch để xây dựng các dự án

Từ những người nông dân “chân lấm tay bùn”, quanh năm gắn bó với đồng ruộng, nay đất nông nghiệp được đưa vào quy hoạch của Nhà nước, hàng trăm người dân xã Quảng Thành đứng trước nguy cơ thất nghiệp kéo dài. Với gần 6.000 người trong độ tuổi lao động, nhưng có hơn 500 lao động trong toàn xã không có việc làm, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Không còn đất sản xuất, một số hộ gia đình chuyển sang buôn bán, mở các dịch vụ kinh doanh, vui chơi, giải trí, xây nhà trọ... Tuy nhiên còn hàng trăm lao động thất nghiệp quanh năm.

“Gia đình tôi có 6 sào đất nông nghiệp nhưng đều nằm trong khu quy hoạch các dự án. Nhà có 6 miệng ăn nhưng không có việc gì để làm, con cái đang đi học nên gia đình rất khó khăn. Tôi dành dụm được ít tiền đền bù nên chạy trứng bán ngoài chợ, còn chồng và các con trở thành người thất nghiệp bốn năm nay”, chị Trịnh Thị Hòng, thôn Thành Mai bày tỏ.

Với dân số hơn 11.000 người, số người trong độ tuổi lao động từ 18 - 55 tuổi chiếm hơn 1/2 dân số, trong đó số lao động có độ tuổi từ 36 - 55 tuổi, chiếm 50% tổng số lao động toàn xã. Với độ tuổi 36 - 55, họ ít có cơ hội xin vào làm việc tại các công ty, nhà máy, các công trình xây dựng… nên nguy cơ thất nghiệp trong độ tuổi lao động ngày một tăng cao. Nhiều người đi làm cửu vạn, ô sin, nhặt ve chai kiếm sống.

Bác Trịnh Văn Sắp, thôn Thành Mai tâm sự: “Nhà tôi có 6 người với 5 sào ruộng, giờ Nhà nước thu hồi mất 45 % diện tích đất nên các con tôi phải đi làm ăn xa. Khoảng 2 năm nữa, gia đình tôi sẽ không còn đất ruộng để sản xuất, tôi không biết phải làm gì để nuôi sống gia đình. Tuổi cao nên muốn đi làm thêu cũng không ai thuê. Tôi rất lo lắng cho tương lai của cả gia đình”.

Tình trạng người dân đứng trước nguy cơ thất nghiệp tại xã Quảng Thành trong những năm tới không còn là nỗi lo lắng, băn khoăn của bộ phận người dân, mà nó là nỗi lo, sự trăn trở của hầu hết người dân nơi đây. Làm thế nào để có phương án giải quyết tối ưu nhất, thiết thực nhất, đó là bài toán nan giải cho Quảng Thành hôm nay.
 
Người dân canh cánh nỗi lo thất nghiệp - 3
Ông Trần Đăng Thông hy vọng sớm có Trung tâm giới thiệu việc làm để giúp người dân thất nghiệp 

Ông Báo, người dân thôn Thành Trọng chia sẻ: “Từ khi Nhà nước quy hoạch đất nông nghiệp để xây dựng các dự án phúc lợi, gia đình tôi không còn việc gì để làm. Bao nhiêu tiền đền bù đất, tôi lo dựng vợ gả chồng cho các con, giờ không còn chút vốn nào để buôn bán nữa, thất nghiệp quanh năm. Cứ thế này, tôi không biết những ngày tháng tiếp theo của hai vợ chồng thế nào nữa”.

Trao đổi với Dân trí, ông Trần Đăng Thông, Chủ tịch UBND xã Quảng Thành cho biết: “Hiện trên toàn xã có hơn 500 lao động đang trong độ tuổi lao động nhưng không có việc làm. Đối với những lao động có độ tuổi từ 18 - 35, chúng tôi đang giới thiệu họ tới các công ty xây dựng, nhà máy chế biến…hay xuất khẩu lao động. Còn những lao động có độ tuổi từ 36 trở lên, chúng tôi khuyến khích họ có đất ở thì xây dựng phòng trọ, chạy chợ hay làm bảo vệ...nhưng chưa giải quyết được triệt để. Bởi dân số đông, không thể giải quyết trong một sớm, một chiều. Chúng tôi đã kiến nghị lên các cấp, các ngành có chức năng nên thành lập trung tâm giới thiệu việc làm cho người dân có nguy cơ thật nghiệp, giúp họ có công ăn việc làm và phát triển cuộc sống ổn định nhưng vẫn chưa có ý kiến gì”.

Lan Anh - Duy Tuyên