1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Người dân bỏ việc nhà, tất bật gói bánh "hình chóp nón" dịp Tết Đoan Ngọ

Ngô Linh

(Dân trí) - Những ngày cận Tết Đoan Ngọ (mùng 5/5 âm lịch) hay còn gọi là "tết diệt sâu bọ", nhiều nơi ở Quảng Nam như Duy Xuyên, Đại Lộc, thành phố Hội An…, các làng nghề lại rộn ràng vào mùa làm bánh ú tro.

Cơ sở bán ú tro của gia đình ông Lê Phước Á tại làng Hoán Mỹ (khu Song Mỹ, thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc) đã hoạt động hơn 30 năm nay. Từ mùng 1/5 âm lịch, cả gia đình ông đã rộn ràng đắp lò, ngâm nếp, làm sạch lá… để kịp gói bánh cung ứng ra thị trường trong và ngoài tỉnh Quảng Nam.

Theo ông Á, bánh ú tro được làm từ gạo nếp quê ngâm với nước tro (được lắng từ tro mè). Nếp sau khi ngâm 8 tiếng có màu hơi ngả vàng. Lá để gói bánh được đặt mua từ vùng núi cao huyện Phước Sơn, Đông Giang rồi đem về được phơi nắng, cắt gọn và làm sạch.

Bánh ú tro ở Quảng Nam tất bật vào vụ Tết Đoan Ngọ

Sau khi gói xong, bánh được nấu chín trong khoảng 4-5 giờ để đảm bảo được độ dẻo đặc trưng.

"Công đoạn từ chuẩn bị lá, nguyên liệu đến gói bánh đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo. Dự kiến dịp Tết Đoan Ngọ năm nay, gia đình cung ứng khoảng 40.000 bánh các loại gồm không nhân và có nhân ra thị trường", ông Á chia sẻ.

Người dân bỏ việc nhà, tất bật gói bánh hình chóp nón dịp Tết Đoan Ngọ - 1

Người dân làng Hoán Mỹ tất bật làm bánh ú tro phục vụ thị trường Tết Đoan Ngọ (Ảnh: Ngô Linh).

Hiện nay, ở làng Hoán Mỹ có hơn 70 hộ làm nghề gói bánh ú tro dịp Tết Đoan Ngọ và các dịp ngày rằm, mùng 1 (âm lịch) hằng tháng. Tuy nhiên, dịp Tết Đoan Ngọ và Tết Nguyên đán, lượng bánh được tiêu thụ mạnh nhất.

Đa phần số lượng bánh ú tro cả làng sản xuất đều có bạn hàng đặt trước để bỏ mối ở các chợ. Theo người dân làng Hoán Mỹ, thời điểm này, ai có việc riêng cũng thường tạm gác lại, tập trung cho việc gói bánh phục vụ ngày 5/5 âm lịch.

Người dân bỏ việc nhà, tất bật gói bánh hình chóp nón dịp Tết Đoan Ngọ - 2

Dịp Tết Đoan Ngọ, mỗi cơ sở cung ứng từ vài chục nghìn đến cả trăm nghìn bánh tùy quy mô (Ảnh: Ngô Linh).

Các cơ sở cũng huy động tối đa thợ gói bánh để có thể cung ứng đủ số lượng cho khách hàng. Đa phần những thợ bánh này là các bà nội trợ, học sinh, sinh viên đang dịp nghỉ hè muốn kiếm thêm thu nhập. Tiền công được tính theo sản lượng, 1.000 bánh được trả công 300.000 đồng.

Ông Lê Phước Thiện (làng Hoán Mỹ) cho hay, cận Tết Đoan Ngọ, ông phải thuê nhiều người gói mới kịp giao cho khách. Năm nay, cả làng ai nấy đều phấn khởi vì lượng bánh được khách đặt mua khá nhiều. Bánh làm bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. 

Người dân bỏ việc nhà, tất bật gói bánh hình chóp nón dịp Tết Đoan Ngọ - 3

Bánh ú tro được nấu trong khoảng 4-5 giờ đồng hồ để đảm bảo độ dẻo đặc trưng (Ảnh: Ngô Linh).

Bánh ú tro được tiêu thụ khắp các địa phương trong tỉnh Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng… Dù trải qua nhiều giai đoạn lịch sử nhưng người dân xứ Quảng vẫn cố gắng giữ gìn, duy trì nghề làm bánh ú tro truyền thống vào mỗi dịp Tết Đoan ngọ.

Đây không chỉ là nghề giúp cải thiện thêm thu nhập, mà còn thể hiện nét văn hóa ẩm thực lưu truyền bao thế hệ, đặc trưng của người dân Quảng Nam.