Bọ ngựa tre khổng lồ của nghệ nhân Hội An gây sốt
(Dân trí) - Con bọ ngựa có kích thước bằng người trưởng thành được làm 100% từ tre, do cơ sở của ông Võ Tấn Tân chế tác trong 3 tháng, dù chưa xuất xưởng nhưng khiến dân mạng "sốt xình xịch".
Bọ ngựa tre khổng lồ
Theo ông Võ Tấn Tân, chủ xưởng tre thủ công mỹ nghệ Taboo bamboo workshop (xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An, Quảng Nam), khách hàng đặt mua con bọ ngựa này là một người rất am hiểu, yêu thích các sản phẩm thủ công.
Suốt 3 tháng qua, từ lúc tới xưởng để đặt hàng, khách hàng chưa một lần gọi điện thoại thúc giục.
"Tôi cũng rất bất ngờ khi sản phẩm của cơ sở được nhiều người biết đến và đón nhận. Đây là sản phẩm do khách đặt hàng riêng, mỗi sản phẩm ở đây đều là độc bản, bởi các công đoạn chủ yếu bằng thủ công", ông Tân nói.
Từ bộ càng, chiếc đầu to, bộ giáp xác cho tới khoang bụng con bọ ngựa tre được ông Tân làm rồi mang ra dựng trước xưởng để đánh dầu bóng, mài giũa kỹ càng. Chính hình thù lạ lẫm đó khiến không ít người đi ngang qua tò mò, chụp ảnh đăng mạng xã hội.
Con bọ ngựa này, ông Tân mất 3 tháng để hoàn thiện, chỉ tính riêng công làm đã gần 100 triệu đồng. Để tạo ra phiên bản y như thật, ông phải cất công tìm một con bọ ngựa thật để quan sát, tính toán tỷ lệ. Các thông số sau đó được ông nhân lên để đạt kích cỡ mong muốn.
"Từng bộ phận con bọ ngựa được sử dụng mỗi loại tre khác nhau, chỗ dùng phần gốc, chỗ phần ngọn để dễ dàng trong việc tạo hình. Để sản phẩm sử dụng lâu dài, có thể tồn tại hàng chục năm mà không hư hại, khâu xử lý tre ban đầu rất quan trọng, cần kỹ càng từng công đoạn", ông Tân chia sẻ.
Một điểm đặc biệt khác là con bọ ngựa tre trông to lớn nhưng lại rất dễ dàng tháo lắp. Việc này giúp vận chuyển, bố trí con vật trong không gian được dễ dàng hơn.
Du khách mê tít
Từ thân và gốc tre xù xì, thô ráp, qua bàn tay tài hoa của người thợ nơi đây đã trở thành những sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo, có hồn. Những tác phẩm của cơ sở ông Tân không chỉ thu hút khách hàng trong nước, mà du khách nước ngoài cũng rất thích thú khi trải nghiệm tại xưởng sản xuất. Nhờ đó, hình ảnh cây tre Việt được lan tỏa đến bạn bè quốc tế.
Theo ông Tân, xưa nay nhiều người vẫn xem sản phẩm từ cây tre là vật dụng rẻ tiền, lại nhanh hư hỏng nên rất ít dùng. Tuy nhiên, những sản phẩm từ tre lại mang tính nghệ thuật cao, có giá trị, nếu biết cách xử lý và bảo quản sẽ rất bền. Vì vậy, ông muốn thay đổi cách nhìn của mọi người về cây tre, để nâng cao giá trị của loại cây này.
Chia sẻ về công việc mình đang làm, ông Tân cho rằng, không phải ngẫu nhiên hay may mắn mà sản phẩm của ông tạo ra, được nhiều khách hàng ưa chuộng. Đó là cả một quá trình đầu tư về công sức, sự sáng tạo. Để đáp ứng nhu cầu của khách, người thợ thủ công cần không ngừng tư duy để những sản phẩm tinh tế nhất, có giá trị ứng dụng trong đời sống.
"Cơ sở của tôi chủ yếu làm đồ lưu niệm từ tre, còn các con vật kích thước lớn được khách đặt hàng riêng. Các sản phẩm có giá từ vài chục nghìn, đến vài trăm nghìn, thậm chí hơn trăm triệu đồng…", ông Tân cho biết.
Xưởng sản xuất từ tre của ông Tân có diện tích khoảng 1.000m2, tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động với mức lương 8-12 triệu/người/tháng. Những sản phẩm từ tre đem lại cho gia đình ông mức thu nhập ổn định.
Bên cạnh đó, mỗi tháng ông đón hàng nghìn lượt khách đến xưởng tham quan, trải nghiệm và tự tay làm ra các đồ vật lưu niệm từ tre.