1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Quảng Nam:

Người Cơtu ở vùng biên giới bội thu từ vườn cam trăm tuổi

Ngô Linh

(Dân trí) - Những vườn cam trĩu quả đua nhau khoe sắc chín vàng trên từng vạt đồi dưới chân núi Tà Xiên nơi vùng biên Quảng Nam. Đây là loại cam bản địa, được đồng bào Cơtu giữ gìn gần trăm năm nay.

Năm nay, bà con Cơtu ở 4 xã vùng biên giới của huyện miền núi Tây Giang, tỉnh Quảng Nam gồm Tr'hy, AXan, Ch'ơm, GaRy được mùa cam. Những cây cam bản địa cả trăm năm tuổi ở đây không chỉ sai quả, mà trái rất ngọt.

Người Cơtu ở vùng biên giới bội thu từ vườn cam trăm tuổi - 1

Những vườn cam trĩu quả đua nhau khoe sắc chín vàng trên từng vạt đồi dưới chân núi Tà Xiên, nơi vùng biên Quảng Nam.

Đặc biệt, cam ở đây được canh tác theo kiểu truyền thống của đồng bào Cơtu không hóa chất, không thuốc trừ sâu nên được nhiều nơi dùng tin dùng và đặt cho cái tên "cam sạch Tây Giang".

Người Cơtu ở vùng biên giới bội thu từ vườn cam trăm tuổi - 2

Những cây cam có tuổi đời từ vài chục năm đến trăm năm.

Cây cam ở các xã biên giới Tây Giang phát triển tốt trên đất dốc, chịu được khí hậu lạnh và cho sai quả, chất lượng tốt. Cam Tây Giang là giống chín trung bình (chính vụ tháng 9-10 âm lịch). Tổng sản lượng cam năm nay khoảng 30-40 tấn.

Người Cơtu ở vùng biên giới bội thu từ vườn cam trăm tuổi - 3

Đây là loại cam bản địa của đồng bào Cơ tu, không hóa chất, không thuốc trừ sâu.

Khi chín cam có vị ngọt đậm, hơi chua, thịt quả màu vàng, vỏ màu vàng tươi rất đẹp mắt. Vỏ quả có hàm lượng tinh dầu cao nên có thể khai thác theo hướng quả ăn tươi, chiết xuất tinh dầu, làm mứt…

Hơn 2 tháng nay, dù mưa nhiều, đường lên vùng cao Tây Giang khó khăn, nhưng rất đông thương lái trong và ngoài tỉnh đổ về mua cam.

Người Cơtu ở vùng biên giới bội thu từ vườn cam trăm tuổi - 4

Khi chín cam có vị ngọt đậm, hơi chua, thịt quả màu vàng, vỏ màu vàng tươi rất đẹp mắt.

Anh Nguyễn Thanh Tâm (ở huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) là thương lái thu mua cam cho hay: "Mỗi đợt tôi thu mua khoảng 4-5 tạ cam, mình không dám mua nhiều sợ hư. Tuy là cam sạch, nhưng chưa có thương hiệu nên chưa nhiều người biết đến. Nếu họ biết, chắc chắn họ sẽ mua nhiều hơn vì đây là cam sạch hoàn toàn".

Người Cơtu ở vùng biên giới bội thu từ vườn cam trăm tuổi - 5

Đây là loại cây kỳ vọng thoát nghèo của người dân nơi đây.

Người Cơtu hái cam bán cho thương lái và làm quà tặng biếu nhau. Mỗi ký cam tại chỗ được bán với giá 20-25 nghìn đồng, giúp đồng bào vùng biên có thêm nguồn thu nhập đáng kể.

Cứ vào giữa tháng 10 âm lịch hằng năm, cam chín rộ khắp vườn. Loại cam này cho quả ngọt và mọng nước nên được nhiều người ưa chuộng. Ngoài Tây Giang, hiện nay cam được bán cho thị trường các địa phương trong tỉnh Quảng Nam, TP Đà Nẵng, Bình Định, TPHCM...

Người Cơtu ở vùng biên giới bội thu từ vườn cam trăm tuổi - 6

Đến mùa cam chín, rất đông tư thương trong và ngoài tỉnh đến thu mua.

Được biết, đây cũng là vụ mùa đầu tiên cam được bán theo hình thức thương mại hóa, quảng bá đến thị trường khắp nơi. Qua đó, giúp bà con thấy được hiệu quả của việc chuyển đổi cây trồng, làm nông nghiệp bền vững, vươn lên thoát nghèo ở nơi vùng biên giới Quảng Nam.

Ông Zơrâm Nhưng - Chủ tịch xã Ga Ry (huyện Tây Giang) cho biết, xã có hơn 80ha cam được trồng mở rộng tại địa phương. Trong đó, cam lâu năm khoảng hơn 2.000 cây hiện đang vào mùa thu hoạch. Đây là giống cam bản địa được trồng chủ yếu tại các thôn A Ting, A Rooi của xã Ga Ry từ hàng chục năm trước.

Người Cơtu ở vùng biên giới bội thu từ vườn cam trăm tuổi - 7

Quảng bá loại cam sạch, chất lượng của đồng bào Tây Giang đến mọi người gần xa.

Để xây dựng thương hiệu cam sạch, xã đã có kế hoạch tìm đầu ra cho cam GaRy. Tuy nhiên, khó khăn tồn tại là đường sá khó khăn, chưa có cách bảo quản lâu nên giá bán cho các thương lái hiện nay còn thấp.

Sắp tới, UBND xã sẽ phối hợp với phòng nông nghiệp, trạm Khuyến nông - Khuyến lâm huyện để tổ chức các lớp tập huấn cho bà con các kỹ thuật trồng và cách bảo quản trái cam tươi chất lượng, bán giá cao hơn.

Người Cơtu ở vùng biên giới bội thu từ vườn cam trăm tuổi - 8

Đặc biệt, đây cũng là vụ mùa đầu tiên cam bản địa nơi đây được thương mại hóa.

UBND huyện Tây Giang đã hoàn thiện các bước tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn cho người dân cách trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn sạch của VietGap. Công tác quảng bá sản phẩm cũng được xúc tiến để tiến tới xây dựng thương hiệu.

Đặc biệt, việc buôn bán cam hiện nay được kiểm tra kỹ, tránh tư thương trục lợi, gian lận trộn lẫn các loại cam khác vào làm mất thương hiệu cam sạch Tây Giang.