1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Ngôi làng kỳ lạ, con trai 10 tuổi đã mê dệt vải

Nguyễn Cường

(Dân trí) - Làng nghề dệt choàng Long Khánh ở Đồng Tháp đã tồn tại trên trăm năm, hầu như đàn ông, con trai trong làng đều biết và thích dệt vải.

Làng nghề dệt choàng Long Khánh (xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) nằm trên cù lao giữa sông Tiền, cách biên giới với Campuchia chừng 5km. Trải qua hơn 100 năm thăng trầm, nay làng còn lại 147 khung cửi hoạt động, cho ra thị trường hơn 2 triệu chiếc khăn rằn mỗi năm.

Làng dệt choàng trăm năm trên cù lao giữa sông Tiền (Thực hiện: Nguyễn Cường).

10 tuổi đã thành thợ dệt

Điều độc đáo ở làng nghề này là đi đâu cũng thấy đàn ông, con trai ngồi bên khung cửi. Nghề dệt ở nơi khác đều "mẹ truyền con nối", nhưng đàn ông ở Long Khánh hơn 10 tuổi đã biết dệt và thích dệt.

Những ngày hè, Huỳnh Lựt Nam (14 tuổi) phụ trách một lúc 2 khung cửi thay bà ngoại. Dù tuổi đời còn khá nhỏ nhưng Nam đã là một anh thợ lành nghề, đôi tay luôn thoăn thoắt những thao tác nối chỉ, thay con suốt, canh chuẩn từng đường con thoi.

Tay làm, mắt cũng liên tục đảo qua lại trông chừng 2 máy dệt, điều mà những thợ mới vào nghề không bao giờ làm được. "Nhìn ngoại làm từ bé nên con thấy cũng quen, cũng dễ. Nghỉ hè hay những hôm nghỉ học con đều thích ở nhà trông khung cửi thay ngoại", Nam nói.

Ngôi làng kỳ lạ, con trai 10 tuổi đã mê dệt vải - 1

14 tuổi nhưng Nam đã là "thợ dệt" lành nghề (Ảnh: Nguyễn Cường).

Bà Nguyễn Thị Mèn (60 tuổi, bà ngoại của Nam) chia sẻ, nam nữ trong làng hầu hết cứ qua 10 tuổi đã có thể đứng bên khung cửi. Trước đây làng dệt tay, khó hơn, vất vả hơn, nay dệt máy nên yêu cầu thợ phải nhanh tay, nhanh mắt.

"Mẹ thằng bé (Nam) không thích dệt, nhưng thằng bé lại rất thích, nên tôi truyền nghề cho nó. Nghề này có việc thường xuyên, 2 khung dệt cũng kiếm được đủ tiền nuôi cả nhà", bà Mèn chia sẻ.

Ngôi làng kỳ lạ, con trai 10 tuổi đã mê dệt vải - 2

Phơi chỉ, một trong những công đoạn để dệt choàng (Ảnh: Nguyễn Cường).

Ông Tám Nạt năm nay 62 tuổi khẳng định đã có hơn 50 năm kinh nghiệm dệt khăn rằn. Ngoài dệt khăn để bán, ông Tám còn là nghệ nhân dệt biểu diễn cho khách du lịch tham quan. Nhiều khách muốn tự dệt chiếc khăn mang về, ông Tám dạy họ cách dệt, từ đó có thêm thu nhập.

"Mười hai tuổi tôi đã đứng khung cửi rồi, trước đây dệt tay thì đứng 1 khung, nay dệt máy có thể đứng 2 khung cùng lúc. Trước đây nghề dệt chỉ để có việc làm mùa nước nổi. Những năm gần đây khách du lịch tới nhiều nên kinh tế cũng khá hơn", ông Tám nói.

Ông Dương Văn Lực (55 tuổi) là một trong 2 thợ quay chỉ hiếm hoi của làng, cung cấp chỉ cho khoảng 70 máy dệt. Ông Lực không nhớ mình biết quay chỉ từ khi nào, "nghề ba mẹ truyền lại, làm từ nhỏ đến giờ".

Ngôi làng kỳ lạ, con trai 10 tuổi đã mê dệt vải - 3

Người phụ nữ phơi chỉ trước nhà sàn, cùng với khăn rằn, nhà sàn cũng là điều độc đáo ở cù Lao Long Khánh (Ảnh: Nguyễn Cường).

Bà Phạm Thị Niêm (55 tuổi) là người nơi khác, nhưng từ khi cưới ông Lực thì cũng theo chồng làm nghề quay chỉ đến nay. "Làm riết yêu nghề, bỏ không được. Việc cũng nhiều, 30 tết mới nghỉ", bà Niêm nói.

Người trẻ quay về với nghề truyền thống

Theo chia sẻ của các cụ cao niên trong làng, hơn trăm năm trước, trên bãi bồi rất ít ruộng, mùa nước nổi người dân không có việc làm. Để tìm sinh kế, nhiều người đi học nghề dệt của người Chăm, rồi về dạy lại cho dân làng.

Những năm 2000, máy dệt dần thay thế những khung cửi truyền thống, năng suất tăng gấp 3 lần, việc học dệt cũng nhanh và dễ hơn nhiều. Đường đi dần thuận lợi, khách du lịch đến nhiều hơn, kể từ đó dân làng dần làm ăn khấm khá.

Ngôi làng kỳ lạ, con trai 10 tuổi đã mê dệt vải - 4

Mắc cửi là công đoạn người thợ vẫn phải làm thủ công hoàn toàn (Ảnh; Nguyễn Cường).

Để cho ra chiếc khăn, sợi chỉ cần trải qua các công đoạn xả, nhuộm, hồ chỉ, mắc khung cửi và dệt. Khăn rằn truyền thống chỉ có màu đen trắng đan thành ô bàn cờ, nhưng nay đã được phối nhiều màu, thêm hoa văn theo thị hiếu.

Khăn hình chữ nhật, dài 120 cm, rộng từ 40 đến 50 cm. Khăn có thể dùng choàng cổ, quấn đầu, lau mồ hôi, thắt lưng, đựng lương thực khi đi đường, làm võng cho trẻ em… Hơn hết, giờ đây khăn rằn đã trở thành biểu tượng khi nói về người miền Tây sông nước.

"Muốn dệt đẹp thợ phải học độ nửa năm. Nghề này cần tỉ mỉ, dù dệt máy nhưng người thợ tay nghề cao thì khăn cũng sẽ đẹp hơn", ông Phạm Văn Chọi (71 tuổi) nói.

Ngôi làng kỳ lạ, con trai 10 tuổi đã mê dệt vải - 5

Thợ dệt có thu nhập khoảng 7 triệu đồng mỗi tháng (Ảnh: Nguyễn Cường).

Ông Chọi có 60 năm kinh nghiệm làm thợ dệt. Khoảng 10 năm nay, ông giao lại xưởng dệt của gia đình cho con trai là anh Phạm Thanh An (37 tuổi).

Quay lại nghề dệt 10 năm, nay anh An đã là thợ dệt nổi tiếng bậc nhất trong làng, cũng là Giám đốc Hợp tác xã dệt choàng Long Khánh. Vừa thạo dệt tay, vừa thạo dệt máy, nhưng công việc chính của anh An là góp phần tìm đầu ra cho hơn 2 triệu chiếc khăn mỗi năm của làng.

Anh An chia sẻ, từ bé đã biết dệt, nhưng có thời gian bỏ nghề lên TPHCM làm việc. Đầu những năm 2010, thấy hàng dệt của làng gặp khó khăn đầu ra, muốn đóng góp phần nào bảo tồn nghề truyền thống nên anh quyết định đưa vợ con về quê.

Ngôi làng kỳ lạ, con trai 10 tuổi đã mê dệt vải - 6

Anh An trong xưởng dệt của mình (Ảnh: Nguyễn Cường).

"Hơn 10 năm trước, đầu ra rất khó khăn, hàng không bán được nên máy dệt dừng quá nửa. Được chính quyền hỗ trợ, chúng tôi đã đa dạng sản phẩm, làm thêm nhiều mặt hàng như túi xách, áo, mũ từ vải khăn rằn, rồi đưa đi chào hàng khắp các hội chợ.

6 năm gần đây, hàng bán mạnh quanh năm, chủ yếu hàng lưu niệm. Du lịch đang phát triển nên làng nghề cũng đang phát triển mạnh", anh An nói.

Theo anh An, mỗi thợ dệt nếu trông một lúc 2 máy thì một ngày có thể làm ra hơn trăm chiếc khăn, thu nhập mỗi tháng trên 7 triệu đồng. Hiện trong làng có hơn 300 người tham gia các công đoạn dệt, mỗi năm cho ra thị trường hơn 2 triệu sản phẩm.

Ngôi làng kỳ lạ, con trai 10 tuổi đã mê dệt vải - 7

Khăn rằn giờ đây đã sặc sỡ hơn để làm vừa lòng du khách (Ảnh: CTV).

Vì thu nhập đang tốt dần lên, lại được góp phần gìn giữ nghề ông cha truyền lại, ngày càng nhiều người trẻ tham gia Hợp tác xã dệt choàng. Có những người trực tiếp sản xuất, có người phụ trách cải tiến mẫu mã, có người chuyên tìm đầu ra cho sản phẩm.

Với những giá trị truyền thống đặc sắc, nghề dệt choàng của xã Long Khánh A đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.