Ngỡ nghèo khó, người bán hàng rong gây sốc khi có khối tài sản lớn

Hạ Di

(Dân trí) - Cơ quan chức năng xác định rằng có hơn 250 người bán hàng rong tại Ấn Độ là những người giàu thật sự. Bởi họ có tài sản hơn 10 tỷ đồng và sở hữu nhiều bất động sản.

Những triệu phú "ngầm"

Khi nhắc đến triệu phú, người ta thường nghĩ tới những doanh nhân ăn mặc lịch lãm, trên tay đầy trang sức quý giá, có máy bay phản lực riêng và thường xách cặp đến những nhà hàng sang trọng để uống rượu vang.

Ngỡ nghèo khó, người bán hàng rong gây sốc khi có khối tài sản lớn - 1

Nhiều người bán hàng rong ở Ấn Độ được phát hiện là "triệu phú ngầm" vì đã trốn thuế (Ảnh minh họa: Economic Times).

Thế nhưng, tại Ấn Độ, có hàng trăm công dân trông bình thường lại bí mật trở thành triệu phú, ẩn mình để thách thức những định kiến giai cấp và Cục thuế thu nhập của nước này.

Vài năm trước, bộ phận phụ trách công nghệ thông tin của Ấn Độ đã phát hiện hơn 250 người bán thức ăn đường phố và người buôn bán phế liệu thực sự là triệu phú ở thành phố Kanpur (phía bắc nước này).

Nhóm này bao gồm người bán trái cây và rau quả, chủ cửa hàng dược phẩm nhỏ, người bán tạp hóa, người nhặt rác và nhân viên vệ sinh. Họ đã làm giàu bằng cách trốn thuế trong nhiều năm.

Cụ thể, những "triệu phú" này đã tiết kiệm tổng cộng và chi hơn 37,5 triệu rupee Ấn Độ (hơn 12 tỷ đồng) để mua bất động sản. Trong số đó, không ít hộ kinh doanh đã mua những vùng đất nông nghiệp lớn gần khu vực nông thôn xung quanh Kanpur. Một số chủ đại lý phế liệu còn sở hữu ít nhất 3 chiếc ô tô.

Tuy nhiên, những giao dịch bí mật đã sớm bị bại lộ trong một cuộc điều tra bằng phần mềm dữ liệu lớn. Nhóm người này đã bị bắt khi một trong số họ sử dụng thông tin chi tiết từ thẻ PAN (số để nhận dạng tài khoản ngân hàng bao gồm cả tài khoản ghi nợ và tài khoản tín dụng).

Ngỡ nghèo khó, người bán hàng rong gây sốc khi có khối tài sản lớn - 2

Ngỡ nghèo khó, nhiều người bán hàng rong tại Ấn Độ lại sở hữu nhiều bất động sản (Ảnh minh họa: Reuters).

Cơ quan chức năng phát hiện rằng nhóm người này đã không nộp bất kỳ khoản thuế nào ngoài việc đăng ký Thuế Hàng hóa và Dịch vụ (một loại thuế gián tiếp được sử dụng ở Ấn Độ để cung cấp hàng hóa và dịch vụ). Trong số đó, ít nhất 65 chủ cửa hàng tạp hóa và dược sĩ thậm chí còn chưa đăng ký kinh doanh.

Một số người còn che đậy hàng triệu đô la của mình bằng cách mua bất động sản dưới tên của nhiều thành viên trong gia đình. Những người khác thì dựa vào các ngân hàng hợp tác và các chương trình tài chính nhỏ.

Các khoản thu nhập không được tiết lộ

Theo các quan chức Ấn Độ, đây không phải lần đầu tiên chính quyền phát hiện chiêu thức trở thành triệu phú của những người bán hàng rong.

Năm 2016, hàng chục người bán thức ăn đường phố ở Kanpur cũng bị bắt vì không công khai khoản thu nhập 600 triệu rupee (khoảng 173 tỷ đồng). Cùng lúc đó, một nhóm người ở TP Hyderabad (miền nam Ấn Độ) cũng bị phát hiện với chiêu thức tương tự.

Với hơn 600.000 người bán hàng rong, họ là một phần thiết yếu và hợp pháp trong hệ thống phân phối và thương mại bán lẻ đô thị của Ấn Độ.

Họ đại diện cho 4% lực lượng lao động đô thị trên khắp cả nước và cung cấp nhu yếu phẩm hằng ngày cho công dân. Những người bán hàng rong có doanh thu song song xấp xỉ 800 triệu rupee/ngày (hơn 2.454 tỷ đồng).

Ngỡ nghèo khó, người bán hàng rong gây sốc khi có khối tài sản lớn - 3

Người bán hàng rong đóng góp nhiều trong việc cung cấp nhu yếu phẩm cho công dân (Ảnh minh họa: Live Law).

Theo tờ Times of India, vào tháng 6/2019, cơ quan thuế đã kiểm tra đột xuất một cửa hàng bán bánh ở Ấn Độ. Cơ quan chức năng phát hiện chủ cửa hàng có thể kiếm 60-70 triệu rupee/năm (khoảng 17-20 tỷ đồng/năm).

Mukesh Kumar, chủ cửa hàng cho biết đã kinh doanh được khoảng 12 năm. Với mức thu nhập nói trên, Kumar phải trả đến 3,5 triệu rupee (khoảng 1 tỷ đồng) tiền thuế, nhưng anh đã không khai báo với lý do không biết các quy định.

Thông thường, những người bán hàng rong phải làm việc vất vả hơn 12 giờ mỗi ngày và thường xuyên phải đối mặt với sự phân biệt giai cấp, nạn quan liêu và bị đe dọa trục xuất.

Dù chính phủ Ấn Độ đã thông qua Đạo luật bán hàng rong vào năm 2014 để bảo vệ những người bán hàng rong không có cửa hàng cố định nhưng thực tế, họ vẫn phải giải quyết các vấn đề như quấy rối và giới hạn giấy phép. Ví dụ, ở Mumbai, chính quyền chỉ cấp 15.000 giấy phép trong khi có đến 250.000 người bán hàng rong. Những người còn lại buộc phải bán sản phẩm của mình một cách bất hợp pháp.

Theo www.vice.com