Đề xuất không nghỉ bù Tết Nguyên đán thu hút bạn đọc tranh luận

(Dân trí) - Dự thảo Tờ trình sửa đổi Luật Lao động được Bộ LĐ-TB&XH ban hành trong dịp nghỉ Lễ 30/4 và 1/5 nhưng vẫn tạo “sức nóng”, thu hút hàng trăm ý kiến khác nhau của bạn đọc. Trong đó phải kể tới nội dung không nghỉ bù dịp Tết âm lịch và thống nhất giờ làm việc toàn quốc.

Đề xuất không nghỉ bù Tết Nguyên đán thu hút bạn đọc tranh luận - 1

Ảnh: Trọng Trinh

Theo kế hoạch, dự thảo sửa đổi Bộ Luật Lao động năm 2012 sẽ được lấy ý kiến Quốc hội tại Kỳ họp tháng 5 và thông qua vào Kỳ họp tháng 10. Dân trí xin trích đăng một số ý kiến thuộc các dòng quan điểm khác nhau.

Thống nhất giờ làm việc: Nên hay không?

Bày tỏ quan điểm về giờ làm việc, bạn đọc có tên đăng nhập Meo Mai cho rằng: “Ngày làm việc nên kéo dài 8 tiếng. Sáng làm từ 7h15 đến 11h15, chiều 13h15 đến 17h15. Còn nếu làm tới 17h30 hay 18h 00, tôi cho rằng nghỉ muộn không đủ thời gian sinh hoạt cá nhân…”.

Cũng chia sẻ quan điểm riêng, bạn đọc có tên Danchaudoc: viết: “Giờ làm việc nên từ 8h - 11h30, chiều 13h30 - 17h30 là phù hợp từ T.Ư đến địa phương, không nhất thiết phải cứng nhắc ngày làm 8 giờ, quan trọng hiệu năng làm việc thôi.

Trong khi đó, bạn đọc Hoàng Thế Thanh lại cho rằng: Nên thay đổi giờ làm việc của các đơn vị quản lý hành chính, cơ quan giải quyết các thủ tục hành chính thì làm việc từ 8h sáng đến 15h30 chiều, thông trưa và thay nhau nghỉ đi ăn trưa 30 - 60 phút.

Bạn đọc Nguyễn Thanh Bình bổ sung: “Đây là việc rất phức tạp, do bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, Bộ LĐ-TB-XH nên nghiên cứu cụ thể tại các tỉnh, thành hơn nữa...”.

Đồng tình với phương án 2 của dự thảo Tờ trình (giữ nguyên như hiện hành), bạn đọc Nguyễn Thanh Bình cho rằng: Từ năm 2006, cả nước đã thống nhất giờ làm việc của Trung ương và các tỉnh như nhau. Song với việc nghỉ trưa có 60 phút là không đủ thời gian cho công chức, viên chức. Do vậy, từ năm 2007 đến nay, giờ làm việc tại các địa phương, do Chủ tịch UBND tỉnh quy định.

Nhận định với phương án 1 (thống nhất giờ làm việc cả nước từ 8h30), bạn đọc Vũ Xuân Bình viết: “Tôi không đồng ý, 8h30 mới làm việc thì gay quá. Công việc sẽ đình trệ, nhất là các tỉnh nông nghiệp, kém phát triển…”.

Đồng quan điểm trên, bạn đọc Khánh nhận xét: “Nếu giờ làm từ 8h30 đến 17h, nghỉ trưa 1h sẽ rất khó. Tôi làm xa nhà 7km, ở lại cũng chả được. Chẳng lẽ về vừa đến nhà lại chuẩn bị quay ra? Mà cũng cần kiểm tra chính xác. Có nơi tới 16h50 vẫn làm việc, nơi thì nghỉ trước cả tiếng đồng hồ…”.

Có nên không nghỉ bù dịp Tết Nguyên đán

Chưa đồng tình với đề xuất không có ngày nghỉ bù nếu Tết âm lịch trùng vào ngày cuối tuần, bạn đọc có tên Bụi Trần viết: “Tết âm lịch nên nghỉ từ 7 - 8 ngày. Bởi đại đa số công nhân đều đi làm xa nhà, có khi cả đi - về mất 3 ngày rồi, chưa kể kẹt xe. Tết ta là Tết dân tộc có từ ngàn đời. Nơi gắn kết tình thân và xum hợp gia đình đôi khi cả năm không gặp nhau. Doanh nghiệp nước ngoài khi tới làm ăn ở một nước nào đó thì cũng đã tìm hiểu tập quán nước sở tại”.

Chia sẻ quan điểm trên, bạn đọc Long ví von: “Nhật Bản là một nước nổi tiếng về làm việc, vậy mà tổng thời gian các kỳ nghỉ cộng lại trong một năm cũng có khoảng 15 ngày. Việt Nam cần có những ngày nghỉ như vậy mới phát triển du lịch. Những người có điều kiện thì chi tiêu và mua sắm, người lao động có thời gian thăm gia đình và nghỉ ngời để tái tạo sức lao động...”.

Bổ sung thêm về yếu tố năng suất lao động, bạn đọc Long nhận xét: “Điều quan trọng nhất là tăng năng suất lao động, làm việc thực sự và không có chuyện “tháng Giêng là tháng ăn chơi” rồi nhậu nhẹt vào buổi trưa khiến hiệu quả công việc thấp…”.

Bên cạnh đó, nhiều bạn đọc cũng bày tỏ quan điểm khác khi cho rằng không nên nghỉ bù trong dịp Tết âm lịch.

Bạn đọc Trần Thắng viết: Tôi nhất trí với việc bố trí ngày nghỉ Tết Nguyên đán là 5 ngày (Luật Lao động hiện hành). Những ngày Tết Nguyên đán không có nghỉ bù và tất cả các ngày nghỉ lễ, tết khác trong năm cũng không được nghỉ bù.

Lý giải điều này, bạn đọc Trần Thắng viết: “Thực tế, nghỉ bù rồi làm bù vào thứ 7, hiệu quả không cao mà chỉ là hình thức. Hơn nữa người dân đã quen với nghỉ ngày thứ 7 rồi nên ngày đó họ đã xắp xếp kế hoạch, chương trình cho thực hiện các việc khác của bản thân và gia đình, nên cũng ít khi họ đến cơ quan hành chính để liên hệ giải quyết công việc...”.

Bạn đọc Chân bày tỏ quan điểm từ góc nhìn của doanh nghiệp: “Lấy ý kiến về ngày nghỉ mà hỏi chuyên gia thì sẽ được câu trả lời là nghỉ càng nhiều càng tốt. Vì họ có phải doanh nghiệp đâu. Lấy ý kiến dân hay cán bộ nhà nước thì cũng có phải doanh nghiệp đâu. Trong khi đó doanh nghiệp mới là nơi nộp thuế...”.

Trong khi đó, ý kiến của bạn đọc Bắc Tây cũng thu hút sự phản hồi của nhiều bạn đọc khác: “Theo tôi nên nghiên cứu việc điều chỉnh số ngày nghỉ Tết âm, chủ yếu ăn Tết dương như theo thế giới. Điều này vừa tiết kiệm vừa hội nhập trong giao thương làm ăn với tất cả các nước. Hai kỳ nghỉ Tết gần kề nhau kéo dài nhiều ngày thật lãng phí và gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp Việt nam với các đối tác nước ngoài…”.

Nhiều quan điểm khác

Bên cạnh đó, nhiều bạn đọc cũng có những quan điểm riêng về vấn đề trên.

Bạn đọc Khuất Nam Trương: Thời gian làm việc cần đi đôi với chất lượng công việc. Việc cho nghỉ đồng thời trên cả nước vào cùng một thời điểm dẫn tới quá tải những điểm du lịch. Chúng ta nên kết hợp giữa kỳ nghỉ lễ và bớt thời gian nghỉ bù cho người lao động nghỉ kỳ phép lựa chọn.

Bạn đọc Phạm Thật: Nếu muốn giảm ngày nghỉ thì nên hoàn thiện các tuyến đường cao tốc bắc nam , để người dân kịp về ăn tết. Thời gian đi tàu xe mất 1-2 ngày rồi.

Bạn đọc Nguyễn Ngọc Duy: Áp dụng “cứng” thì không phù hợp với một số ngành. Đơn cử như ở vùng chuyên trồng cây cao su, việc áp dụng giờ làm việc từ 8h30 thì khó khả thi.

Bạn đọc Nguyễn Duy Hoàn: Luật Lao động lần này nên quy định việc nghỉ 1 ngày mỗi tuần để tập trung lo giải quyết gọn việc cho nước, cho dân ngay trong từng tuần. Mặt khác điều chỉnh thời gian nghỉ phù hợp với thực trạng kinh tế-XH từng giai đoạn. Mình vẫn nghĩ rằng, mỗi tuần nghỉ một ngày sẽ đem lại nhiều lợi ích cho đất nước, cho bản thân người lao động…

Bạn đọc Minh: Theo tôi, Nhà nước nên rút ngắn những ngày nghỉ lễ - tết, cả nước chỉ nên nghỉ ngày Quốc khánh, ngày tết Dương lịch và ít ngày tết âm lịch cổ truyền. Những ngày đó không nên nghỉ bù, làm bù vì hiệu quả và năng suất lao động cũng gần bằng không, chỉ là hình thức mà thôi. Đất nước chỉ phát triển được bằng năng suất, chất lượng, hiệu quả của lao động thật sự mà thôi. 

 

Hoàng Mạnh tổng hợp