1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Nghề viết tự truyện thuê

Sau sự xuất hiện đình đám của tự truyện “Lê Vân yêu và sống”, nhiều cuốn hồi ký, tự truyện của những người nổi tiếng đang được hứa hẹn nối tiếp chào đời. Gấp nhiều lần số đó là những hồi ký, tự truyện được giữ làm của riêng và do thuê người viết mà thành...

10 trang viết nhận 1 triệu đồng

 

Lên mạng độ này bỗng dưng tôi “đụng” phải những lời rao: “Có ai cần viết hồi ký thuê?” Sau một tuần rao như rao trứng vịt lộn như thế, P.T.H một cựu sinh viên khoa Tâm lý học trường ĐH KHXH&NV Hà Nội đã nhận được hai đơn đặt hàng! Nhờ thế mà H. hết “thất nghiệp” khi vừa bỏ việc hành chính tại một doanh nghiệp tư nhân.

 

Hai người gọi điện thoại đến H. để thuê viết hồi ký là một cụ ông 75 tuổi và một ông giám đốc về hưu non! Hẹn ngày gặp gỡ, H. đến trò chuyện với từng người để nắm bắt yêu cầu của họ. Đến nhà cụ ông 75 tuổi trên phố Thụy Khuê; một căn nhà lớn nhưng gợi cảm giác trống trải.

 

Cụ bà đã mất. Cụ ông sống với vợ chồng cô con gái. Hai vợ chồng đi làm liên miên, còn cô cháu gái 12 tuổi cũng học thêm, học chính suốt ngày. Ông cụ tự nghĩ rằng mình cô đơn giữa bốn tầng lầu và nói luôn với H.: “Tôi cần người chia sẻ cô à...”.

 

Đến đây thì H. hiểu tự thân cụ ông này không có nhu cầu thúc bách là phải để lại một cuốn hồi ký cho con cho cháu. Chẳng qua do cả đời đã bôn ba, tích cóp kinh nghiệm, nay về già sống trong cảnh quạnh hiu, trống vắng, cụ muốn có bạn để trút nỗi lòng mình. Chính cô con gái cụ mới là người gọi điện cho H. nhờ “trò chuyện và viết đôi dòng về cuộc đời cụ ông nhà chị”.

 

H. được gia đình cụ ông này hứa hẹn sẽ trả cho cô 4 triệu đồng sau hai tháng làm việc, mỗi tuần đến nhà một lần. Ban đầu H. thấy “hụt hẫng” trước cái giá này vì nó quá “bèo” nếu trả cho cả cuốn sách về cuộc đời một con người. H. đã hỏi lại cô con gái cụ là với chừng ấy tiền thì không đủ so với công sức lắng nghe, ghi chép và thể hiện thành một cuốn hồi ký.

 

H. nói: “Hay thực sự chị chỉ muốn em hàng tuần đến nghe chuyện của ông và viết một số trang vắn tắt về cuộc đời ông?”. Giải thích một hồi với người thuê thì cuối cùng họ cũng chấp nhận phương án H. đưa ra.

 

Thế là H. bắt đầu lắng nghe và viết... H. bảo: “Sau hơn 10 ngày làm việc, đến nay tôi cũng đã có những trang hồi ký đầu tiên đọc cho gia đình ông nghe... Cả nhà ai cũng lộ vẻ rất vui mừng”.

 

H. cũng hồ hởi khi kể lại công việc của mình. Cô bảo: “Với bản tính tỉ mỉ, kiên nhẫn, tôi thấy việc làm này rất thú vị, phù hợp với mình. Những ngày lắng nghe ông kể chuyện, dù cách biệt thế hệ nhưng tôi vẫn như thấy mình được trải nghiệm thực sự trong hoàn cảnh, tâm thế khác. Tôi chỉ có mong muốn người kể sẽ cho tôi biết những câu chuyện thật nhất, chân thành nhất, không thêm thắt, tô vẽ quá đáng. Nếu được vậy thì tiền công xá không phải là quan trọng nhất nữa”.

 

“Thế còn đơn đặt hàng của ông giám đốc kia thì sao?”, tôi hỏi. H. trả lời: “Tiếp xúc với ông ta tôi không hiểu mục đích cuối cùng của ông ta là gì. Nhưng tôi nhận thấy không phải ông ấy muốn có một hồi ký ra tấm ra món. Ông ta nói muốn được chia sẻ quãng đời mình với vợ, con và... thanh minh cho những hành động của mình. Sau khi về hưu, mang cảm giác thấy mình vô dụng trong gia đình nên ông ấy nghĩ hồi ký sẽ giúp nói hết những ấm ức trong lòng! Tôi không muốn làm việc như thế, khác nào dùng ngòi bút của mình để làm công cụ thực hiện mục đích cá nhân cho ông ấy...”.

 

Sau khi nhận được điện thoại hẹn gặp từ ông “cựu giám đốc” hơn 50 tuổi này H. nói luôn lời từ chối viết cho dù số tiền đưa ra là cứ 1 triệu đồng cho 10 trang viết.

 

Sở dĩ H. nảy ra ý định viết hồi ký thuê là vì nhận thấy hiện nay có rất nhiều người già cô đơn có nhu cầu này, coi đây như “của để dành” trước khi nhắm mắt lìa trần. Thêm vào đó, ý tưởng cũng được gợi ý từ cô bạn học khoa Văn cùng trường được một nữ nhà thơ nổi tiếng (đã tuổi cao sức yếu) thuê ghi lại hồi ký của bà theo lời kể.

 

Mở Công ty viết hồi ký thuê?

 

Trên một diễn đàn dành cho các ông bố, bà mẹ lại có thành viên đi tìm người viết hồi ký cho bố mình. Ngay sau có người hồi đáp: “Tiny thân mến, (…), Bạn có thể liên hệ với mình, mình có thể giúp ba bạn ghi lại những sự việc xảy ra trong cuộc đời ông, những điều mà ông muốn viết. Liên hệ với mình qua e-mail...”.

 

Theo địa chỉ e-mail này, tôi làm quen với một bạn trẻ sinh năm 1982 tên Duy Linh, ở TPHCM, hiện đang làm việc cho một công ty chuyên về mảng sách quản trị kinh doanh. Linh cho biết chính anh và bạn bè từng có ý định thành lập một công ty chuyên về viết hồi ký thuê và tư vấn thực hiện các loại văn bản. Khi đọc những yêu cầu viết hồi ký thuê, dù chưa thực sự bắt tay làm việc này lần nào nhưng anh muốn thử sức, tìm kiếm khả năng “hóa thân” bằng ngòi bút của mình.

 

Linh từng viết báo, nhưng anh bảo, viết hồi ký là một chuyện khác. Cũng là truyền tải sự thật nhưng bài báo có lượng chữ chỉ một vài trang, viết theo thông tin người viết có, hướng tới phục vụ độc giả còn viết hồi ký lại là thể hiện câu chuyện cuộc đời của riêng một người, không có quan điểm riêng của người viết và đa phần không phục vụ công chúng đông đảo.

 

Linh nói: “Tôi đang chờ phản hồi từ người thuê viết hồi ký, tuy nhiên, khi tiếp xúc, tôi phải thấy câu chuyện của người đó có ý nghĩ thì mới viết. Nhưng tôi tin là đa phần người thuê viết hồi ký, có nhu cầu viết hồi ký là người có câu chuyện hay. Dù gì thì người thuê thường là giàu có, nhiều khi họ có chức tước, địa vị. Để có được điều đó họ phải trải qua nhiều thất bại, thành công, những điều họ kể lại sẽ là bài học quý giá cho những người chưa có nhiều kinh nghiệm như tôi”.

 

Thách thức lớn nhất của người viết hồi ký thuê là xác định ranh giới giữa sự thật và lời nói dối từ người kể. Duy Linh bảo: “Nếu phát hiện người kể nói dối, tôi sẽ khuyên họ tôn trọng sự thật. Nếu họ chỉ đưa ra những chi tiết chỉ nhằm mục đích tô hồng bản thân thì tôi sẽ chấm dứt công việc ngay lập tức, cho dù có vi phạm hợp đồng”.

 

Vậy nên Duy Linh bảo, khi dự tính thành lập công ty, anh và mọi người cũng xác định đây không phải là công việc dễ dàng gì. Nó còn liên quan đến kỹ năng và cái tâm của người thể hiện và những yêu cầu đôi khi ngoắt nghéo của người muốn có hồi ký.

 

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, người ta có điều kiện chăm lo đến yếu tố tinh thần, danh tiếng nhiều hơn, ý thức cá nhân thể hiện rõ hơn và nói như nhà văn Chu Lai là “sự va đập của cá nhân trong cộng đồng càng trở nên mãnh liệt” thì nhu cầu thuê người viết hồi ký, tự truyện, hồi ức càng nhiều.

 

“Riêng hiện tượng tự truyện Lê vân yêu và sống đang lên cơn sốt và nhiều hồi ký, tự truyện khác đã và đang rập rình chờ ngày ra đời cũng tác động đáng kể đến trào lưu này. Nếu bây giờ nhà thơ Bùi Mai Hạnh, người chắp bút cho tự truyện Lê Vân mà lập công ty viết hồi ký thuê thì sẽ rất đắt khách!”, Duy Linh hóm hỉnh nói.

 

Thực tế, ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đều đã có những công ty chuyên viết hồi ký thuê. Khách hàng của họ đa phần là những quý khách hàng giàu có. Có thể cũng không ít người mang hy vọng trở nên “giàu có” nếu họa may có ngày hồi ký, tự truyện của mình được in và bày bán trên thị trường, trở thành best seller.

 

Theo Jobvn/Vietnamnet