Nghề tư vấn Tài Chính & môi giới Chứng Khoán
Trong thời đại mà đồng tiền không nằm trong két sắt ở nhà riêng mà được đầu tư vào: Cổ phiếu, trái phiếu, bảo hiểm, bất động sản, sàn vàng... như hiện nay, các quyết định có liên quan đến tài chính luôn cần phải sáng suốt và đúng đắn.
Vì vậy, nghề tư vấn tài chính & môi giới chứng khoán ra đời như là một sự đáp ứng đối với nhu cầu cho nhiều thành phần trong xã hội.
Đa số các chuyên gia tư vấn tài chính làm việc độc lập nên thu nhập của họ được tính theo hình thức hoa hồng, thù lao, hoặc thù lao cộng với hoa hồng. Tuy nhiên, con số này thay đổi tuỳ theo tuổi nghề cũng như uy tín của họ trong ngành.
Chuyên viên tư vấn tài chính
Mọi người ngày nay phải đóng thuế và các khoản bảo hiểm xã hội không chỉ nhiều hơn mà còn phức tạp hơn. Đà gia tăng này sẽ còn tiếp tục. Song song với đó, các gia đình, doanh nghiệp cũng có nhu cầu cần thuê cho mình những chuyên gia tư vấntài chính riêng để đảm bảo sự ổn định tài chính và đầu tư. Một chuyên viên tư vấn có thể tư vấn cho nhiều người và do vậy, khoản thu nhập của họ rất hấp dẫn.
Những tư vấn này không chỉ đưa ra những lời khuyên về thuế mà họ còn vạch đường chỉ lối cho khách hàng trong hoạt động bảo hiểm và đầu tư. Thị trường chứng khoán trong tương lai vẫn sẽ bùng nổ và mức độ xã hội hoá còn cao hơn nhiều. Do vậy, vai trò của các tư vấn tài chính càng trở nên quan trọng và cần thiết. Các gia đình sẵn sàng trích một phần lợi nhuận đầu tư để trả cho những chuyên gia này. Chỉ có điều, yêu cầu đối với các tư vấn viên khá cao. Thị trường tư vấn thường xuyên thay đổi, liên tục xuất hiện những phương thức đầu tư mới, chế độ bảo hiểm mới. Khi đó, bản thân các nhà tư vấn riêng cũng cần thay đổi theo để đáp ứng nhu cầu chung (Tiếp xúc, thu thập, phân tích thông tin và đưa ra các báo cáo tư vấn cho khách hàng về các nghiệp vụ Cổ phần hóa, Định giá doanh nghiệp, Tư vấn phát hành, Tư vấn niêm yết chứng khoán, Tư vấn tái cấu trúc vốn, Tư vấn bảo lãnh…).
Yêu cầu
Ngoài bằng cấp chuyên môn Trình độ Đại học trở lên về kinh tế, tài chính, kiểm toán, luật… và những kỹ năng của một tư vấn tài chính viên cần có không thể thiếu như:
+ Có khả năng phân tích tài chính.
+ Am hiểu pháp luật về chứng khoán và doanh nghiệp.
+ Có kiến thức kinh tế vĩ mô và ngành.
+ Kỹ năng trình bày, giao tiếp và thuyết phục tốt.
+ Có tinh thần làm việc nhóm.
+ Chủ động hoàn thành công việc và đề xuất các giải pháp.
+ Có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh. Khả năng vi tính.
Tư vấn tài chính là một nghề nghiên cứu kinh tế rất cần trong xã hội hiện đại. Để đạt được đẳng cấp một chuyên gia, người ta phải nỗ lực rất nhiều trong chuyên môn cũng như rèn luyện tính kỷ luật trong lối sống. Đáp lại, đây là một nghề được xã hội đánh giá cao về mức sử dụng chất xám và dĩ nhiên, được tưởng thưởng xứng đáng.
Làm thế nào để trở thành một nhà môi giới chứng khoán?
Theo định nghĩa của tạp chí Value - line chuyên về chứng khoán thì môi giới CK (tiếng Anh gọi là broker) là người đại diện, bảo vệ quyền lợi cho khách hàng thông qua việc tư vấn, thực hiện hợp đồng mua bán. Khi người môi giới chứng khoán (broker) giỏi về nghiệp vụ và có kinh nghiệm, họ sẽ trở thành các nhà tư vấn đầu tư về chứng khoán. Khi đó, bằng kinh nghiệm và khả năng đánh giá tình hình tài chính trên thị trường, họ sẽ đưa ra những khuyến cáo giúp khách hàng nên mua, nên bán cổ phiếu hay trái phiếu cửa công ty nào.
Không riêng gì Việt Nam, hầu hết các nước trên thế giới, giới trẻ đều mê nghê nảy, một nghề sôi động và có lợi nhuận cao nhất trong tất cả các nghề. Ngoài ra, nó còn cho bạn kiến thức sâu rộng cũng như luôn cập nhật những thông tin nóng hổi nhất.
Nghề môi giới chứng khoán là nghề bắt buộc phải học, không thể hiểu như dạng "cò" khác như cò xe, cò nhà đất. Bạn còn phải có thêm khả năng phân tích và óc phán đoán cực nhạy. Thị trường chứng khoán là nơi đối đầu về trí tuệ và tiền bạc. Chỉ cần bạn chậm vài giây hay ngừng lại để tìm hiểu rõ vấn đề thì đã thua bạc tỉ rồi!. Chính vì vậy, nghề broker chỉ thích hợp với những ai thích cảm gìác mạnh, chịu được áp lực cao trong công việc và đặc biệt là khả năng đưa ra những quyết định nhanh nhất. Công việc luôn bận bịu, căng thẳng, đôi lúc các broker vừa ăn vừa theo dõi chỉ số tăng giảm của thị trường chứng khoán trên bảng điện computer. Riêng về giới nữ, nghề môi giới chứng khoán chỉ thích hợp trong việc tư vấn môi giới, không thể giao dịch trên sàn được vì công việc cực, đi lại nhiều (Trung bình đi bộ mỗi ngày trên sàn 19km!).
Hiện nay, tại Việt Nam, để hành nghề môi giới chứng khoán, học viên có thể theo học ở Học viện Ngân hàng, Ðại học Kinh tế TPHCM, Ðại học Kinh tế quốc dân Hà Nội. Tuy nhiên, vì broker là một nghề, không phải là ngành học, nên môi giới chứng khoán chỉ là một ngành học trong các trường kinh tế mà thôi.
Ngoài ra, nếu muốn biết nhiều hơn về nghề này, học viên liên tục cập nhật thông tin từ báo chí chuyên đề về kinh tế… tham khảo các website tài chính trên mạng của BBC, CNN, Reutels, AP...
Môi giới chứng khoán không phải là một nghề "nhàn rỗi", muốn giỏi nghề phải học đến nơi đến chốn. Nhưng công lao của bạn sẽ được đền bù xứng đáng bằng lợi nhuận. Nếu bạn cảm thấy thích thú và có đầy đủ những tố chất trên thì còn đợi chờ gì nữa… Điều này không những tốt cho “ túi tiền” của bạn mà còn rất có ích trong cuộc sống nữa.
Theo Nghi Quân (Tổng hợp)
Hieuhoc.com