Nghề tư vấn bảo hiểm

Khách hàng mua bảo hiểm như những mẹ chồng khó tính nên mỗi tư vấn viên luôn phải tự nỗ lực học hỏi, rèn luyện ý chí để đứng vững trước những cái lắc đầu, những lời từ chối không mong đợi.

Khéo chọn, khéo nói

 

Tư vấn viên bảo hiểm có vai trò như một chuyên gia tư vấn về tài chính. Đồng thời, khách hàng mà họ phục vụ ngày càng đa dạng, ngày càng có nhiều yêu cầu, đòi hỏi cao. Do đó, tư vấn viên phải có những kỹ năng, kinh nghiệm làm việc nhằm tạo sự tin tưởng tuyệt đối để được “chọn mặt gửi vàng”.

 

Chị Thừa, tư vấn viên Bảo Việt, nói: “Còn làm việc thì còn phải tiếp tục học. Không phải người mua bảo hiểm nào cũng chung một suy nghĩ”. Theo chị, nếu đã đặt ai đó vào tầm ngắm của mình rồi thì nhất thiết phải tìm hiểu để biết ý khách hàng nhằm cung cấp đúng sản phẩm mà họ mong muốn. Ngoài ra, tư vấn viên cần sàng lọc khách hàng để có thể tư vấn đạt hiệu quả nhất. Thiếu điều này tức là tư vấn viên tự làm khó mình, khó đạt được mục đích.

 

Để quá trình làm việc được thuận lợi hơn, bên cạnh những kiến thức cơ bản về nghiệp vụ bảo hiểm, tư vấn viên cần tìm hiểu, học hỏi thêm kiến thức về marketing, về văn hoá công ty... “Nó giúp ích nhiều khi truyền đạt thông tin sản phẩm bảo hiểm của công ty đến khách hàng, nhất là khi trên thị trường ngày càng có nhiều công ty bảo hiểm vào cuộc”, một tư vấn viên cho biết.

 

Chính kỹ năng giao tiếp sẽ đi đầu trong việc tạo nên sự tin cậy, khả năng thuyết phục chào bán sản phẩm cho khách hàng, giúp khách hàng nhận thấy được sản phẩm có nhiều ưu điểm vượt trội so với những nơi khác. Ngoài ra, trong quá trình thương thuyết, tư vấn viên còn phải cung cấp thông tin để người mua biết được rằng đây không chỉ đơn thuần là việc tích luỹ tiền bạc hay phòng, chống rủi ro, mà việc mua bảo hiểm còn góp phần bảo đảm hạnh phúc gia đình. Hoàn thành bước này xem như tư vấn viên đã tiến gần đến đích.

 

Khéo chọn, khéo nói là kỹ năng cần có nếu muốn trở thành tư vấn viên bảo hiểm. Tuy nhiên, một tư vấn viên được đánh giá có năng lực không chỉ có thế.

 

Kiên trì, nhẫn nại và tự nâng cấp mình

 

Thu nhập của tư vấn viên tăng lên theo số khách hàng mua sản phẩm bảo hiểm từ họ. Người có năng lực không chỉ có trong tay đội ngũ khách hàng bền vững mà còn bổ sung được danh sách khách hàng tiềm năng. Sau hơn hai năm trong nghề, chị Phương Chi (tư vấn viên bảo hiểm Bảo Việt) đã có được danh sách khách hàng kha khá nhờ nỗ lực không ngừng trong việc tìm kiếm, nắm bắt mọi thông tin để đi trước các tư vấn viên khác.

 

Chị cho biết, phải luôn có sự chuẩn bị về tinh thần chiến đấu lâu dài trước những lời từ chối. Vì để có được một hợp đồng bảo hiểm, tư vấn viên phải mất khá nhiều thời gian, công sức. Nếu không kiên trì, nhẫn nại thì rất khó làm công việc này.

 

Hay như lời anh Trần Hữu (Bảo hiểm Prudential) thì “tư vấn viên bảo hiểm chính là làm chủ trong công ty chỉ có một nhân viên. Và tự bản thân nhân viên ấy phải năng động để một lúc đảm nhận nhiều vai trò khác nhau”. Cho nên, không thể thiếu một kế hoạch làm việc bài bản, tầm nhìn chiến lược nếu muốn bán được nhiều sản phẩm. Không những thế, để "thọ" được với nghề đòi hỏi mỗi tư vấn viên phải có tư cách đạo đức, cách đối xử sao cho thuận tình với khách hàng của mình.

 

Còn với chị Thừa, qua thời gian làm việc chị nghiệm ra rằng để có được hợp đồng thì không thể “đem con bỏ chợ” theo kiểu đến kỳ mới gặp khách hàng thu phí, mà cần sắp xếp thời gian quan tâm đến họ. Duy trì quan hệ thường xuyên với khách hàng sẽ giúp tư vấn viên mở rộng các mối quan hệ mới và có được thêm khách hàng tương lai.

 

Theo Lao Động