1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Nghề sửa máy ảnh - Vinh quang và tàn lụi

Tôi đem cái đèn máy ảnh hiệu nikon đi sửa ở quận 1, TPHCM, người thợ mở cái tủ của anh ta ra và trong đó có khoảng 200 cái đèn máy ảnh có ghi tên và số của điện thoại của khách vẫn chưa sửa xong. Người thợ nói: “Giờ chẳng ai theo nghề sửa máy ảnh nữa, đèn và máy ảnh của khách rất nhiều mà chưa sửa xong. Hơn nữa, bây giờ người ta dùng điện thoại chụp ảnh nên máy ảnh rất ít, không có linh kiện để thay thế, sửa chữa”.

Sửa máy ra vàng

Sài Gòn là một trong những nơi nghề nhiếp ảnh phát triển sớm nhất nước ta, từ thế kỷ 19 đã có nhiều tiệm chụp ảnh. Nhiếp ảnh ở đây nhiều “phái”, như nhiếp ảnh của viễn chinh Pháp, nhiếp ảnh của người gốc Hoa, nhiếp ảnh của người Việt. Nhà nhiếp ảnh Khánh Ký của làng Lai Xá cũng lập nghiệp rất thành công ở đất Sài Gòn trước khi qua Pháp. Dĩ nhiên, đi cùng với ngành nhiếp ảnh cũng hình thành nhiều thế hệ sửa máy ảnh mưu sinh.

Ai cũng coi thường nghề sửa máy ảnh cho rằng nó chẳng đáng đồng tiền bát gạo, nhưng anh Phương, một thợ sửa máy ảnh kỳ cựu trên phố Nguyễn Huệ tiết lộ: “Vào thời kỳ hoàng kim, tiền sửa một cái máy ảnh mua được một chỉ vàng. Có ngày tôi sửa hơn chục cái máy ảnh các loại mà thu được 1,4 cây vàng. Khi ấy, chỉ vài chỉ vàng đã dư sức mua được miếng đất ở vùng ven đô”.

Cái thời những năm 1990, máy ảnh còn hiếm và chụp một tấm hình phải mất số tiền tương đương 5-10kg gạo, tùy vào kích cỡ. Bản thân nghề chụp ảnh dạo cũng đã kiếm ra rất nhiều tiền. Người ta giới thiệu cho tôi một số ông chụp ảnh dạo ở ven sông Sài Gòn mà có kỳ tích “7 vợ”, bởi vì với các cô gái quê lên chơi thành phố thì việc quen và yêu một anh phó nháy giữa trung tâm Sài Gòn cũng là một vinh dự rồi.

Khi ấy, hầu hết máy ảnh hư hỏng của các tỉnh đều đem về TPHCM sửa, chưa kể máy của du khách vãng lai trong ngoài nước. Một số thợ sửa máy ảnh nói với tôi: “Sửa máy ảnh không khó lắm, vì máy ảnh không có kết cấu quá phức tạp. Nhưng khó ở chỗ linh kiện đâu để thay thế? Một chiếc máy ảnh trị giá hàng cây vàng và không phải ai cũng có nhiều. Chỉ những người thợ chuyên nghiệp và giới sửa máy mới có sẵn linh kiện trong tay, bởi thế nghề này rất độc quyền”.

Những người thợ ở TPHCM còn tìm cách mua máy cũ từ Nhật Bản, Hồng Kông, Singapore, bởi vậy họ rất “chảnh” khi làm nghề.

Anh Phương bảo tôi: “Những năm hoàng kim, kiếm tiền dễ quá. Mỗi lần đưa gia đình đi nước ngoài du lịch, cầm mấy cây vàng theo. Cả nhà ăn tiêu mãi không hết, cuối cùng phải đặt mục tiêu là xài cho hết tiền mới được về, nên kéo vào sòng bài đánh bạc, đến lúc thua hết mới về!”.

Đìu hiu tiệm sửa máy ảnh.
Đìu hiu tiệm sửa máy ảnh.

Sửa máy ảnh dưới gốc cây

Nghề sửa máy ảnh bắt đầu biến động lớn từ những năm 2000, khi nhiếp ảnh số thay thế nhiếp ảnh phim. Thế hệ những vị tiền bối như anh Phương gặp rất nhiều khó khăn và lúc này, các thợ sửa máy ảnh trẻ ra đời. Những chiếc máy ảnh cơ ngày càng ít, thợ sửa cũng ít dần.

Người ta tính rằng thợ sửa máy ảnh cơ (không sửa máy số) trong thành phố chỉ còn chừng dăm người. Những người còn dùng máy cơ, chủ yếu là dân chơi máy cổ, họ rất rành về máy móc, thậm chí có thể tự lắp ráp sửa chữa được. Máy ảnh cổ lại rất hiếm linh kiện, nên hầu như không thể sửa gì nhiều. Biết tôi thích chơi máy cổ, một người thợ đã giúp tháo dỡ hai cái máy cùng một đời, cuối cùng ráp lại mới thành một chiếc máy sử dụng được. Vì mỗi cái máy ảnh cổ còn bộ phận này thì lại thiếu mất bộ phận kia!

Rồi dần dà, những người chơi máy cơ cũng khan hiếm. “Người ta chơi máy cũ, thì chỉ quan tâm đến cái “xác” trưng bày trong quán cà phê, trong nhà, cần hình thức cổ quái lạ mắt, chứ không cần máy hoạt động được, không cần phải sửa chữa làm gì” – anh Hoàng, một người buôn bán máy cũ kể.

Đến năm 2008, thì toàn TPHCM chỉ còn một quán cà phê Cát Đằng trưng bày máy ảnh cổ của nhà nhiếp ảnh Huỳnh Ngọc Đan. Gặp anh Đan tại nhà riêng, thấy anh còn khá nhiều máy ảnh cổ có giá trị. Anh Đan nói: “Nghề nhiếp ảnh phim hầu như chỉ còn lại trong ký ức. Mình muốn sau này sẽ mở một bảo tàng máy ảnh phim ở Củ Chi, để mọi người nhớ lại một thời”. Nghe nói sau này anh Đan đi nước ngoài định cư và không rõ giấc mơ và số máy ảnh cổ của anh còn mất ra sao.

Ở gần bến Bạch Đằng có một người thợ sửa máy ảnh dạo. Vì ế ẩm, vì không đủ tiền thuê mặt bằng, vì yêu nghề và vì mưu sinh, cứ chiều chiều, anh lại bày bộ đồ nghề sửa máy ảnh của mình dưới gốc cây. Anh là người thợ sửa máy ảnh kỳ cựu của thành phố, nên rất nhiều người trong giới nhiếp ảnh vẫn tìm đến gốc cây cổ thụ ấy để nhờ anh sửa chữa máy. Đó có lẽ là hình ảnh cuối cùng của một thế hệ thợ sửa máy ảnh phim.

Nghĩa (quê Nam Định) đang sửa máy ảnh tại TPHCM.
Nghĩa (quê Nam Định) đang sửa máy ảnh tại TPHCM.

Chuyển nghề về… Nam Định

Giữa lúc nghề nhiếp ảnh tàn lụi và các thợ sửa máy ảnh của TPHCM, Hà Nội đều gần như bỏ cuộc thì bằng một cơ duyên nào đó, nghề sửa máy ảnh lại “đơm hoa kết quả” ở xã Nghĩa Hồng, Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.

Căn cơ bắt đầu từ chàng trai trẻ Bùi Cao Cường ở xã này, khi vào TPHCM theo học nghề sửa máy ảnh đã thấy rằng nghề sửa máy ảnh có thể giúp thanh niên quê mình đổi đời, nên Cường ra sức mài dùi kinh nghiệm và kiến thức, truyền bá kinh nghiệm cho họ hàng, bạn bè đồng hương trong xã.

Nghĩa, một thanh niên ở xã Nghĩa Hồng đã 9 năm theo nghề sửa máy ảnh và từng làm bảo hành cho hãng Canon bùi ngùi kể lại: “Anh Cường thấy chúng tôi không có công ăn việc làm, nên kéo mọi người vào để dạy sửa máy ảnh mà không lấy xu nào tiền công. Chúng tôi nhờ có nghề này mà không ít người mua được nhà, lấy được vợ. Tiếc rằng anh Cường bị bệnh mất sớm, nhưng chúng tôi luôn coi anh là tổ trẻ của nghề làng tôi”.

Bản thân Nghĩa hiện có 2 tiệm sửa máy ảnh ở quận 3, TPHCM, cho biết: “Hà Nội, chúng tôi có khoảng 15 thợ, vừa bảo hành vừa mở tiệm sửa chữa, đảm trách hầu hết việc sửa máy ảnh ở Hà Nội. Tại TPHCM có khoảng gần 20 thợ của Nghĩa Hồng và cũng gần ngần đó tiệm, lo việc sửa máy ảnh cho toàn thành phố. Ngoài ra các tỉnh thành khác như Đồng Nai, Vũng Tàu, Thái Bình… đều có thợ của làng tôi”.

Tú, một người thợ sửa máy ảnh của Nghĩa Hồng, hiện mở tiệm tại quận 6, TPHCM tự tin nói: “Cả làng chúng tôi đã làm nghề sửa máy ảnh. Chúng tôi dám khẳng định rằng tất cả những máy ảnh nào được sản xuất ra, chúng tôi đều có thể sửa được!”. Cũng nhờ sửa máy ảnh mà Tú mua được nhà và cưới cô bạn gái đưa vào Sài Gòn sinh sống. Tú bảo: “Bọn em phải cảm ơn Cường, vì nếu không có Cường dạy nghề thì bây giờ chúng em vẫn còn đi làm ruộng ở quê và không ai biết đến làng chúng em”.

Mất dấu

Mới đây, nghe nói Tú đã về quê Nam Định. Không phải vì nghề sửa máy ảnh không còn kiếm ăn được mà vì Tú muốn kiếm được nhiều tiền hơn, làm một cái gì đó “hoành tráng hơn”?

Nghĩa bảo tôi: “Dăm năm trở lại đây, điện thoại thông minh sử dụng các phần mềm chụp ảnh quá tốt, khiến cho việc buôn bán, sửa chữa máy ảnh lao đao. Lượng máy ảnh đem đến sửa chỉ còn bằng một phần mười của chục năm trước”. Khi máy ảnh của điện thoại bị hỏng, người dùng sẽ đem đến các tiệm điện thoại để sửa chữa chứ không mang tới tiệm máy ảnh!

Nghĩa nhận xét: “Cơ hội cho nghề sửa máy ảnh trên điện thoại vẫn còn. Nhưng vì điện thoại là một món hàng xa xỉ, do vậy, nếu muốn sửa máy ảnh điện thoại thì cần có mặt bằng tốt, đầu tư nhiều, cửa hàng đẹp hơn”.

Phần nhiều thợ sửa máy ảnh cũng nhờ trao đổi máy với khách, thu mua máy bán lại mà tăng thêm thu nhập. Máy ảnh cũ hiện giá rẻ, bán trên mạng rất nhiều. Tú nói rằng: “Những người buôn bán máy ảnh trên mạng không phải thuê mặt bằng, nhưng cũng chỉ bán rẻ hơn các tiệm chúng tôi chừng 500.000 đồng, mà họ không bảo hành, nhưng cũng ít người mua lắm”.

Một người thợ sửa máy ảnh trên phố Trần Hưng Đạo nói với tôi rằng: “Sửa máy ảnh giờ là việc xa xỉ, chỉ nên sửa những cái máy ảnh gắn với kỷ niệm gì đó của cuộc đời mình. Bởi vì tiền sửa một chiếc máy cũ tương đương với mua một cái máy ảnh khác. Chẳng hạn tiền thay một cái bảng vi mạch cũ khoảng 2 triệu đồng, cũng ngang với mua một cái máy ảnh khác cùng đời”.

Mới đây, tôi có lên phố Nguyễn Huệ tìm anh Phương thợ sửa máy cơ. Mọi người bảo rằng: “Khách ít, mà sức khỏe anh ấy cũng không còn tốt để mà mở ống kính máy cơ nữa, nên đã lâu không thấy anh làm nghề. Còn anh đi đâu, không ai biết”.

Khi tôi viết bài này, sau nhiều tháng trời, người thợ nhận chiếc đèn chụp ảnh của tôi ở ngay trung tâm quận 1 vẫn chưa gọi điện lại để báo giá sửa chữa. Hoặc anh ta có quá nhiều khách, hoặc không thể tìm ra linh kiện mà sửa chữa, hoặc cũng quên chiếc đèn Nikon cổ của tôi. Thậm chí, có thể người thợ sửa máy ảnh ấy cũng đã bỏ nghề rồi. n

Theo Chinhphu.vn