Nghề "osin": Hợp đồng miệng và nguy cơ bị bạo hành
(Dân trí) - Gần 90% người giúp việc gia đình chỉ có hợp đồng miệng với chủ nhà. Số người lao động trong lĩnh vực công việc hầu như không có bảo hiểm xã hội hay bảo hiểm y tế nhưng phải đối mặt với nguy cơ bị bạo hành, lạm dụng tình dục.
Giúp việc trong gia đình đã là một công việc rất phổ biến, mang lại nguồn lợi cho người sử dụng lao động (NSDLĐ) và bản thân người giúp việc (NGV) nhưng trên thực tế công việc này chưa được coi là một nghề và chưa được thống kê trong hệ thống kê lao động quốc gia.
Mới đây, Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng, Heath Bridge Canada đã tiến cuộc khảo sát tại 2 thành phố lớn Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Kết quả khảo sát cho thấy, tại Hà Nội và TP.HCM, 85% NGV gia đình có học vấn THCS trở xuống, phần lớn là người Kinh với mức lương trung bình 2,7 triệu đồng/tháng. Nhóm cán bộ viên chức, nhà nước, buôn bán kinh doanh nhỏ và hưu trí là 3 nhóm chính sử dụng GVGĐ. Phần lớn GVGĐ được tuyển qua Trung tâm với mức phí trung bình một lần chi cho Trung tâm giới thiệu việc là: NSDLĐ 700.000 đồng/lần, NGV 300.000 đồng/lần.
Cũng theo cuộc khảo sát có đến gần 90% GVGĐ chỉ có hợp đồng miệng với chủ nhà, hợp đồng bằng văn bản chỉ chiếm 12,4%. Tỉ lệ người có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế rất thấp ( chiếm 18,2%) và có trước khi làm GVGĐ. Do không có hợp đồng chặt chẽ, nên khi xảy ra tranh chấp phần thiệt thòi luôn thuộc về người GVGĐ.
Cùng đó, người làm nghề GVGĐ cũng phải đối mặt với nhiều rắc rối từ công việc đặc thù này. Theo khảo sát của Viện Gia đình và Giới thực hiện trong năm 2011 trên 600 lao động giúp việc tại nhà, có tới hơn 30% số lao động giúp việc tại gia đình bị bạo lực, gần 10% bị quấy rối tình dục, đề nghị quan hệ hoặc ép quan hệ tình dục. Có tới 50% số lao động nghĩ đây là việc làm thời vụ và 100% số lao động đi giúp việc không coi đây là công việc; đa phần họ không có BHYT và BHXH…
Theo chuyên gia lao động, trên thực tế mối quan hệ giữa GVGĐ và NSDLĐ còn nhiều bất cập và bức xúc, nhất là về văn hóa, kỹ năng cũng như lối sống. Trong khi đó, hiện vẫn chưa có cơ quan nào đứng ra quản lý những trung tâm đào tạo môi giới GVGĐ. Trên thực tế, Bộ Luật Lao động sửa đổi năm 2012 đã bổ sung thêm nhiều quy định về NGVGĐ. Cụ thể , tại Điều 179 đến Điều 183 nêu rõ: NSDLĐ phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với NGVGĐ. Thời hạn của hợp đồng lao động đối với lao động là người giúp việc gia đình do hai bên thoả thuận. Một bên có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động bất kỳ khi nào nhưng phải báo trước 15 ngày. Hai bên thỏa thuận, ghi rõ trong hợp đồng lao động về hình thức trả lương, kỳ hạn trả lương, thời giờ làm việc hằng ngày, chỗ ở. Những quy định này được đánh giá là bước tiến vượt bậc của Việt Nam trong hoàn thiện chính sách pháp luật bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân nhận định, sự phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam trong những năm qua đã làm tăng nhanh chóng lực lượng lao động giúp việc gia đình (GVGĐ), đặc biệt tại các thành phố lớn. Tuy không trực tiếp làm ra của cải vật chất cho xã hội, nhưng lao động GVGĐ đã tạo điều kiện cho lực lượng lao động chính, có chất lượng cao, phát huy khả năng, trí sáng tạo trong hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế xã hội. Song đời sống, thu nhập của bộ phận này hoàn toàn phụ thuộc vào người sử dụng lao động. Phần lớn có thu nhập chưa tương xứng với sức lao động, thời gian lao động, trách nhiệm của bản thân. Nghề giúp việc gia đình chưa được xã hội đánh giá và quan tâm đúng mức nên có những thiệt thòi.
Theo bà Nguyễn Diệu Hồng, Vụ Bình đẳng giới, do Luật Lao động (sửa đổi) chưa có những quy định cụ thể thế nào là lao động giúp việc tại nhà nên các nội dung kèm theo cũng chưa được rõ ràng. Nay luật Lao động năm 2012 có sửa và điều chỉnh quan hệ ngay từ khi tham gia lao động. Tuy nhiên, trên thực tế gia chủ lẫn lao động hầu như không theo luật mới.
Phạm Thanh