Nghề nuôi cá ngựa

So với thế giới, việc nghiên cứu nuôi cá ngựa ở Việt Nam ra đời muộn hơn. Ưu điểm của nghề nuôi cá ngựa là vốn đầu tư thấp, ít rủi ro và lợi nhuận cao. Người làm nghề vì thế cũng dễ “phất”.

Việc nuôi cá ngựa ở Trung Quốc với mục đích kinh tế có lẽ được bắt đầu từ những năm 1950 cho đến năm 1980. Ở nước này có câu "Bắc nhân sâm, Nam hải mã", ý nói đặc sản chính của hai miền là hải mã và nhân sâm.

 

Ở Philippines, cá ngựa được nuôi ở đảo Marrunggas vào năm 1988, nhưng bị thất bại. Những năm gần đây, ở Thái Lan và Indonesia bắt đầu nghiên cứu nuôi cá ngựa thương phẩm trong điều kiện phòng thí nghiệm, nhưng kết quả chỉ dừng lại ở bước đầu.

 

Tại Tasmania (Úc) và New Zealand, các công ty nuôi cá ngựa thương phẩm với mục đích thương mại cũng đã được xây dựng. Có thông tin cho rằng một số đã bị phá sản.

 

So với thế giới, việc nghiên cứu nuôi cá ngựa ở Việt Nam ra đời muộn hơn, phải cuối những năm 80 của thế kỷ trước mới bắt đầu triển khai. Qua hơn 20 năm nghiên cứu, việc nuôi cá ngựa ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả rất khả quan, có thể nói khó có nơi nào khác trên thế giới làm được. Hiện nay, một số người ở Khánh Hòa đã bắt đầu nuôi, cho thu nhập khá cao. Ưu điểm của nghề nuôi cá ngựa là vốn đầu tư thấp, ít rủi ro và lợi nhuận cao.

 

Cá ngựa nuôi ở Khánh Hòa chủ yếu được xuất khẩu sang Singapore, một số nước châu Âu và Mỹ. Hằng tháng có khả năng xuất khẩu từ 5.000 đến 10.000 con cá ngựa sống để nuôi cảnh.

 

Giá cá ngựa cảnh ở Việt Nam rất rẻ, chỉ khoảng 3 -5 USD/co. Trong khi đó, ở Hawaii, một con cá ngựa có giá là 70 - 300 USD (www.seahorse.com).

 

Một điều lý thú là tập thể cán bộ khoa học ở Viện Hải dương học có thể thay đổi màu sắc cá ngựa theo ý muốn. Thông thường, cá ngựa có màu đen, cá ngựa vàng rất hiếm trong tự nhiên và rất có giá trị trong nuôi cảnh. Viện Hải dương học đã thành công trong việc nghiên cứu chuyển cá sang màu vàng. Việc thử nghiệm nuôi cá ngựa có màu đỏ đang có những kết quả bước đầu rất khả quan.

 

Để nghề nuôi cá ngựa được bền vững, cần những nghiên cứu về thị trường, quy hoạch nghề nuôi, đồng thời chuyển giao công nghệ cho cộng đồng. Tránh việc nuôi tràn lan, thiếu tổ chức, gây dịch bệnh như nghề nuôi tôm sú hiện nay.

 

Đây là điều cần thiết không chỉ cho nghề nuôi cá ngựa mà còn cho những đối tượng nuôi khác. Cá ngựa sản xuất ở Việt Nam đang được đánh giá có chất lượng cao đối với thế giới, cần phải giữ uy tín cho “thương hiệu” này.

 

TS Trương Sĩ Kỳ

Viện Hải dương học Nha Trang

(Theo Thanh Niên)