Nghề nửa tháng
Cuối năm, ai cũng lo quét tước, dọn dẹp nhà cửa, sửa sang bàn thờ để đón tổ tiên, ông bà theo phong tục truyền thống của người Việt Nam. Những ngày đó, có một nghề xuất hiện nhằm đáp ứng nhu cầu làm đẹp bàn thờ của mọi người: nghề đánh bóng lư đồng.
Cứ đến giữa tháng chạp là mọi người lại xôn xao lo tết. Thế là những người thợ đánh bóng lư đồng cũng bắt đầu xuất hiện từ giữa tháng chạp.
Đến hẻm 142 Bạch Đằng (quận Bình Thạnh), nơi mà hằng ngày ông Nguyễn Tám vẫn sửa xe chúng tôi thấy một bảng hiệu mới toanh viết bằng tay “Nhận đánh bóng lư đồng”. Ông Nguyễn Tám làm nghề sửa xe ở con hẻm này đã 15 năm, từ sửa xe đạp cho đến sửa xe máy. Nghề đánh bóng lư đồng thì ông chỉ mới chập chững cách đây 3 năm.
Nghe mấy người bạn cũng làm nghề sửa xe mách nước “mấy ngày tết đánh bóng lư đồng cũng có tiền, thu nhập cũng khá…”. Thế là ông Tám đã quyết định đầu tư mua một mô tơ điện về bắt đầu nhận đánh lư đồng từ giữa tháng chạp...
Dọc đường Bạch Đằng còn bắt gặp nhiều điểm treo bảng “Ở đây nhận đánh lư đồng”. Đầu hẻm 208 Bạch Đằng, hai anh Nguyễn Tường Lâm và Đinh Hoàng Phi đang nhận cả một giỏ, cứ “đến hẹn lại lên”. Lâm còn có những đầu mối chuyên đi tìm lư ở các chùa, nhận về giao lại...
Tuy thời gian làm việc chỉ có nửa tháng song số tiền kiếm được không phải là nhỏ. Đánh một bộ lư lớn giá 60.000 đồng, bộ lư nhỏ 30.000 đồng. Nếu làm việc cả ngày thì thu nhập cũng được vài trăm.
Nghe thì có vẻ sướng thật vì chỉ có mấy ngày cuối năm nhưng có thể kiếm được từ vài ba triệu đồng đến năm, sáu triệu đồng - số tiền không nhỏ đối với những người lao động chân tay. Nhưng trò chuyện một lát, ông Tám cũng thở dài “Ngó đơn giản vậy chứ công việc này độc hại lắm cháu à”. Ông kể về một người bạn từng có thâm niên làm đánh bóng lư đồng. Do tiếp xúc nhiều với bụi bặm cộng với những chất mà dân trong nghề thường dùng để đánh bóng như lơ, mỡ bò, bột hóa chất làm sáng nên đã phải mang bệnh ung thư.
Quan sát kỹ công việc của một người thợ đánh bóng mới thấy được những nguy hiểm đó. Đầu tiên là quết lơ và mỡ bò lên một miếng vải, rồi cọ sạch bụi bặm và những chỗ oxi hóa trên lư bằng mô tơ. Sau khi cọ sạch và làm sáng bóng những người thợ phải trải qua một khâu nữa là xát bột hóa chất lên để giữ cho lư lâu bị ôxi hóa trở lại và sáng hơn. Quanh chỗ ngồi của anh Lâm và anh Phi thấy một lớp đen ngòm bụi bặm do cọ xát lư đồng mà ra. Phi bộc bạch “Biết hít bụi này vào là nguy hiểm lắm nhưng cũng đành chịu thôi”.
Mấy ngày đi vào tìm hiểu cái nghề mà mỗi năm chỉ làm có 15 ngày bắt gặp nhiều tiếng thở dài, nhiều nỗi lo bệnh tật của những người thợ đánh bóng. Họ nói với chúng tôi “Thấy đồng tiền làm ra được nhiều, bằng chính sức lao động của mình ai cũng ham. Nhưng rủi mai mốt có chuyện gì…”.
Chỉ cần có cái mô tơ điện, mua những hóa chất dùng đánh bóng lư là ai cũng có thể hành nghề. Hầu hết những người thợ đều không bảo hộ lao động, không khẩu trang, không một chút hiểu biết về hóa chất mà họ đang tiếp xúc. Họ chỉ biết rằng: “Tết đến thấy nghề nào làm ăn được thì làm”.
Theo Tuổi Trẻ