Nghề lặn xuống ngoi lên vớt tiền triệu bỏ túi
Nghề lặn bắt tôm nhí (tôm hùm con) được xem là nghề hái ra tiền triệu mỗi ngày của ngư dân vùng biển tỉnh Quảng Nam.
Theo chân thợ lặn
Trời vừa bình minh, những thợ lặn đã lục tục chạy xe máy, chở đủ thứ phương tiện, dây nhợ, máy móc, đồ nghề… ra bãi biển. Chiếc thuyền nhỏ, rẽ sóng đưa nhóm thợ lặn ra bãi Rạng (huyện núi Thành, Quảng Nam) cách khu vực bãi đá Bàn Than tầm 5km.
Neo thuyền cố định, anh Lê Xuân Phú (SN 1982) cùng anh Trần Văn Ngân (SN 1989, cả 2 có 15 năm làm nghề lặn) mặc đồ lặn với nhiều dụng cụ từ áo lặn, dây nịt chì, kính lặn, que tăm để xuống đáy biển bắt tôm nhí.
Trong khi đó, ba của anh Ngân là ông Trần Văn Thủy (SN 1966), kiểm tra lại hai đường ống dẫn khí trước khi đưa cho anh Ngân và anh Phú. Đó là ống dẫn khí ôxi được tạo ra bởi một máy diezel ở trên tàu.
Đầy đủ hành trang, anh Phú và Ngân nhảy ùm xuống biển, chìm dần rồi mất hút, chỉ còn thấy đường ống dẫn khí dập dềnh trên mặt biển. Trên thuyền, ông Thủy vừa thả ống dẫn khí theo hướng bạn lặn, nhưng mắt không rời hai cuộn dây dẫn khí.
Với gần 35 năm sống bằng này, ông Thủy nói, để bắt được tôm nhí, thợ lặn phải lặn xuống đáy biển ở độ sâu 8-10m, nhiều khu vực 12-15m nước. Ở độ sâu này, người lặn đi trên các tảng đá ngầm dưới đáy biển để tìm tôm nhí.
Vì tôm rất nhỏ nên thợ lặn phải tinh mắt mới phát hiện chúng qua 2 râu hoặc phần thân ở trong các hang, khe đá. Khi phát hiện tôm, người lặn dùng cây tăm đã chuẩn bị trước để xua tôm và dùng tay bắt.
“Do tôm nhí không chạy được, chúng chỉ di chuyển chậm nên thợ lặn dễ bắt....”, ông Thủy kể.
“Nghề này lặn quanh năm. Thời điểm này, nhiều thợ lặn chuyển sang lặn đêm vì ngoài tôm nhí, họ còn bắt cá ốc”, ông Thủy cho hay.
Thu nhập cao nhưng lắm nguy hiểm
Ông Thủy cho hay, mùa lặn chính từ tháng 12 đến tháng 3 âm lịch hằng năm, lúc đó số lượng tôm nhí nhiều, mỗi thợ lặn bắt tầm 20-30 con/ngày. Nhưng bây giờ, tôm ít dần, mỗi ngày mỗi người bắt tầm 7-8 con, với giá bán 250-350 ngàn đồng/con, thợ lặn thu nhập tiền triệu.
Cũng theo ông Thủy, cách đây 2 năm, có một người gần xóm trong một chuyến lặn đã kiếm được gần 400 triệu đồng tiền bán tôm nhí.
“Nghề này cũng lắm nguy hiểm, ống dẫn khí mà thiếu hơi, lúc đó người lặn dễ mất mạng như chơi" - ông Thủy kể và cho hay, có lần thiếu hơi, tôi đành tháo nịt chì để trồi lên mặt nước chứ không là chết rồi. Người làm hậu cần như tôi, phải quan sát, nhằm tránh mắc các ống khí của thợ lặn với nhau và phải lái thuyền theo thợ lặn, để dây khí không mắt vào chân vịt các thuyền lặn khác”.
Anh Phú thông tin thêm, do áp lực của nước ở khu vực nước sâu khiến chảy máu mũi, máu tai, rồi áp lực nước lên não là chuyện bình thường. Cũng có nhiều người lặn gặp sự cố, cơ chân bị liệt phải ngồi một chỗ và đành bỏ nghề.
“Lúc lặn do ham bắt tôm, nhiều giờ đồng hồ chưa lên khiến người ngấm lạnh, hoặc lặn khu nước sâu, dẫn đến tử vong là chuyện không hiếm. Cách đây mấy năm, có anh Nguyễn Văn Bình, rồi anh Lê Văn Hà, dù là thợ lặn chuyên nghiệp nhưng cũng tử vong”, anh Phú cho hay.
Cuối ngày, sau 4 lần lặn, anh Phú bắt được 10 con, sau khi trừ mọi chi phí, mỗi người được hơn 1 triệu đồng.
Ông Trần Minh Tập, trưởng thôn Thuận An cho biết, nghề này lắm nguy hiểm nhưng cho người dân thu nhập cao nên cả thôn thì có 70% số hộ theo nghề lặn, với gần 350 thợ lặn bắt tôm nhí và khoảng 100 hộ làm nghề đánh bắt gần bờ và khai thác rong mơ.
Làng Thuận An là làng lặn bắt tôm nhí lớn nhất cả nước. Nguồn tôm hùm giống ở đây được các thương lái ưa thích. Sau khi thu mua, tôm nhí được vận chuyển vào các tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa.. để bán cho hộ nuôi.
Theo Lê Bằng/Vietnamnet.vn