1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Nghề kiện thuê

Theo một số người có thâm niên đi khiếu kiện ở Hà Nội thì người đàn bà có tên Xuân Thị Ngọc Diệp, ở đường Điện Biên Phủ là người đầu tiên coi việc kiện thuê như một “nghề” kiếm sống.

Trước đây, bà ta từng là cán bộ phụ nữ tỉnh Hải Ninh (nay là tỉnh Quảng Ninh), rồi được điều chuyển về công tác tại một cơ quan ở trung ương. Tại đây, bà ta đã làm một số việc sai trái và bị kỷ luật. Không đồng tình với quyết định trên, bà ta gửi đơn khiếu kiện khắp nơi.

Khi làm quen, bà ta thường xưng danh là "Phó viện trưởng" Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) để người đi kiện tin tưởng, rồi hứa sẽ giới thiệu họ với các vị quan chức đứng đầu Nhà nước.

Hồi đi khám bệnh, bác sĩ hỏi nơi công tác, bà ta nói là đang làm việc ở VKSNDTC và bác sĩ đã ghi chức vụ mà bà ta xưng danh là Phó viện trưởng vào giấy khám bệnh. Sau này, trong lúc lân la giới thiệu với những người đi khiếu kiện, bà ta thường đưa tờ giấy khám bệnh đó ra để lòe bịp.

Một người phụ nữ nữa chuyên đi kiện thuê mà những cán bộ ở Vụ Tiếp dân và Xử lý đơn thư của Thanh tra Chính phủ đều không lạ gì, đó là Vũ Thị Cảnh, nhà ở đường Lê Lợi, TP Hải Phòng. Hai chục năm trước, bố của người đàn bà này là ông Vũ Văn Giao đã lên tận trung ương kiện cáo, đòi hỏi chế độ thương binh.

Ông ta gửi rất nhiều đơn thư và đã được nhiều cơ quan chức năng xem xét, trả lời cụ thể là không được hưởng chế độ thương binh, song ông vẫn không nghe và tiếp tục khiếu kiện đến khi bị bệnh rồi mất.

"Noi gương" cha, bà Cảnh tiếp tục đi khiếu kiện, đòi Nhà nước phải công nhận cha mình là... liệt sĩ. Bà ta đã lăn lộn ở Hà Nội nhiều năm để theo kiện, do vậy biết rõ đường đi, nước bước của quá trình kiện cáo và nắm được địa chỉ của một số cơ quan công quyền, cũng như địa chỉ nhà riêng của một số cán bộ cấp cao. Vì thế, trong quá trình đi khiếu kiện, bà ta kiêm luôn cả việc kiện thuê để kiếm tiền.

Khi bị tố cáo tại một trụ sở tiếp dân, bà Cảnh không những không nhận ra lỗi lầm mà còn có hành vi đe dọa, lăng mạ những người đã tố cáo. Số bà con này đều là người tỉnh xa lên Hà Nội, không có chỗ dựa nên rất sợ bà ta trả thù.

Theo các cán bộ tiếp dân thì bà Vũ Thị Cảnh rất hung dữ. Bà ta từng chửi bới, lăng mạ cán bộ. Có lần, bà đã túm cổ, đe dọa một cán bộ cấp cao của Nhà nước, chuyên trách xử lý các vụ kiện cáo lâu dài, phức tạp. Sau vụ này, Vũ Thị Cảnh bị Công an Hải Phòng di lý về quê.

Trong một lần chống người thi hành công vụ, bà ta đã bị xử 9 tháng tù giam. Tuy nhiên, khi ra tù, người đàn bà này lại lên Hà Nội nằm lỳ và theo nhân dân phản ánh thì bà ta tiếp tục sống bằng “nghề” kiện thuê.

Nổi danh nhất trong làng kiện thuê hiện nay phải kể đến một nhóm người ở Thái Bình, do ông Mạnh dẫn đầu. Ông Mạnh từng là cán bộ của Sở Thương nghiệp Thái Bình, do có những vi phạm nghiêm trọng trong công tác nên bị buộc thôi việc. Khi về địa phương, ông ta lại bị khai trừ khỏi Đảng.

Không nhận rõ lỗi lầm của mình, ông Mạnh lên tận Hà Nội khiếu kiện và kéo theo nhiều người nữa đi kiện cùng. Ông ta đã sống nhiều năm ở Hà Nội để phục vụ cho việc khiếu kiện. Hiện tại, ông ta đã đưa con cái lên Hà Nội học hành, sinh sống.

Mặc dù sống ở Hà Nội với con, song ông Mạnh vẫn thường xuyên về Thái Bình nhận đơn của các cá nhân rồi mang lên Hà Nội để... kiện hộ với “tư cách đại diện nhân dân Thái Bình để chống tham nhũng” như ông ta thường nói.

Gần đây, ông Mạnh cùng với một đối tượng từng đi tù 3 năm ở Đông Hưng, thường xuyên tụ tập 30 người kéo lên trụ sở tiếp dân ăn chực nằm chờ, lăng nhục, lăng mạ cán bộ. Thậm chí, có lần mấy đối tượng này còn lôi kéo người tâm thần ở Lào Cai vào một cơ quan cấp cao ở Hà Nội để hò hét, gây rối.

Một gương mặt kiện thuê nữa cũng khá nổi danh, đó là ông Nguyễn Tiến Hùng, quê ở thị trấn Sao Đỏ (Chí Linh, Hải Dương). Hồi mới giải phóng mặt bằng quốc lộ 183 và 18, đoạn qua thị trấn Sao Đỏ, UBND huyện Chí Linh và UBND tỉnh Hải Dương chưa có chủ trương đền bù, người dân thấy vô lý nên đều phản đối. Họ đã góp tiền của “thuê” ông Nguyễn Tiến Hùng cùng 12 người nữa đi khiếu kiện. Nhờ quá trình đi kiện thuê, ông Hùng đã trở thành cán bộ của Ban Giải phóng mặt bằng quốc lộ 183 và 18.

Tưởng rằng, ông Hùng sẽ đứng về phía nhân dân, nào ngờ ông ta lại trở mặt lộng hành, và theo dân chúng, ông thích cho ai được đền bù thì người đó được.

Chính vì thế, nếu ai muốn có tiền đền bù đều phải “chạy chọt” để ông “giúp đỡ” làm thủ tục. Số tiền này ít hay nhiều tùy thuộc vào việc nhà đó được đền bù nhiều tiền hay ít tiền. Sau khi nhận tiền đền bù, mỗi gia đình tiếp tục phải trích lại 15% tổng số tiền được đền bù.

Ông ta còn ngang ngược đến mức, khi Ban giải phóng mặt bằng của tỉnh mang tiền về trả cho dân, cứ ai nhận tiền xong là ông ta “túm cổ” thu lại 15%. Nếu ai không đồng ý, sẽ bị ông ta và nhóm người đi kiện đe dọa.

Việc thu ba khoản tiền này đều không nằm trong chủ trương của tỉnh, huyện và thị trấn, mà chỉ là “trò mèo” của ông Hùng và một số người từng đi “kiện thuê”. Theo họ, số tiền 15% trích lại là để chi trả cho mọi phí tổn mà họ đã bỏ ra đi kiện trong nhiều năm ròng.

Nhân dân thống kê, tổng số tiền mà ông Hùng thu lại của dân là 675 triệu đồng. Ông Nguyễn Tiến Hùng đã bỏ túi và chia chác cho những người khác hết 475 triệu đồng. Số tiền còn lại, khoảng 150 triệu ông đem gửi vào quỹ tín dụng. Sự việc này đã được ông ta thừa nhận trong cuộc họp diễn ra vào ngày 9/4/2005 do Thanh tra huyện Chí Linh chủ trì.

Sống bằng nghề đi kiện

Theo điều tra của phóng viên, hiện tại ở Hà Nội có hơn 10 đối tượng chuyên sống bằng “nghề” kiện thuê, kiện hộ và sống rất vương giả. Có trường hợp đi kiện thuê mà xây được nhà, mua được đất trên Hà Nội, rồi đưa gia đình lên thủ đô sinh sống.

Hiện tại, ở Hà Nội đã xuất hiện một số đối tượng là những cán bộ có học thức, có trình độ, song do bị kỷ luật và buộc thôi việc nên họ cứ khiếu kiện kéo dài rồi “kiện giúp” nhiều người khác. Nhờ hiểu biết chút ít về pháp luật, lại có những mối quan hệ quen biết nhất định nên nhóm người này rất dễ lấy lòng tin của người đi kiện, và thế là họ tha hồ lừa đảo những người nhẹ dạ cả tin.

Thậm chí, hiện tại ở Hà Nội cũng đã mọc lên một số trung tâm, công ty mang danh “tư vấn pháp luật miễn phí”, song thực tế là “công ty" hành nghề kiện thuê. Những cán bộ ở các “trung tâm", "công ty” này chỉ cần nhìn qua hồ sơ, đơn từ là họ biết ngay thân chủ có thể thắng kiện hay không, song dù biết rõ sẽ không thắng kiện họ vẫn cứ nhận đơn, để tìm cách “móc túi” người thuê kiện. Việc kiện tụng càng kéo dài, phức tạp thì họ càng “móc” được nhiều tiền từ người thuê kiện.

Theo Công An Nhân Dân

* Tên nhân vật đã được thay đổi