Đắk Nông:
Nghề giữ rừng dưới chân núi Tà Đùng của đồng bào Châu Mạ
(Dân trí) - (Dân tri)- Nghề giữ rừng giúp nuôi sống những gia đình dưới chân núi Tà Đùng, công việc ấy được truyền từ đời này sang đời khác. Đó là vì trách nhiệm với buôn làng và thế hệ mai sau.
Người Mạ giữ rừng Tà Đùng
Đầu mùa khô, ông cụ K'Hô (Buôn B'Tổng, xã Đắk P'Lao, huyện Đắk G'Long) lại cùng các tổ bảo vệ rừng đi sâu vào cánh rừng Tà Đùng, thuộc Vườn Quốc gia Tà Đùng. Theo ông cụ, thời điểm cuối năm, bà con tất bật đi thu hoạch cà phê nên những đối tượng xấu thường tranh thủ lúc này để vào rừng khai thác gỗ trái phép.
Gần bước sang tuổi thất thập, nhưng chân tay ông cụ vẫn rắn rỏi, đôi mắt tinh anh đặc biệt là rất minh mẫn. Già làng K'Hô bảo rằng, núi rừng Tà Đùng đã nuôi lớn biết bao thế hệ người Châu Mạ, nên bà con coi ngọn núi này là sinh mệnh của họ. Dưới chân núi Tà Đùng, ngày ngày bà con vẫn vào rừng hái măng, lấy củi.
Những năm trước, khi còn là xã Đắk P'lao cũ, người dân sống tập trung dưới chân núi nên cây rừng thường xuyên bị lâm tặc đốn hạ, cộng đồng người Mạ phải họp bàn với nhau để bảo vệ rừng.
Mỗi đêm, làng lại cử một nhóm người lên rừng ngủ, nếu có kẻ phá hoại sẽ đánh chiêng, đốt lửa báo hiệu. Sau này, khi có cán bộ kiểm lâm, đồng bào Mạ xung phong đi theo chân cán bộ, tiếp tục công việc giữ rừng.
Ông K'Sriu có lẽ là thành viên đặc biệt nhất của tổ bảo vệ rừng. Gần cả cuộc đời gắn với ngọn núi thiêng, đối với ông rừng Tà Đùng cũng thân thiết, gần gũi như anh em của mình.
Lão nông chia sẻ, người dân ở đây ai cũng có ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng, cả làng chia làm 5 tổ để luân phiên nhau đi tuần tra, trong đó tổ của ông có tất cả 10 thành viên.
"Ngày trước thì chúng tôi tự cắt cử để trông coi rừng. Mấy năm nay thì hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng với nhà nước, mỗi tháng được hỗ trợ mấy trăm ngàn, gọi là có thêm thu nhập ngoài làm rẫy.
Từ khi nhận công việc này, trách nhiệm của chúng tôi đối với khu rừng của cộng đồng càng to lớn hơn. Bất kể mưa gió hay đêm tối, nếu nhận được thông tin rừng bị phá, chúng tôi sẽ chạy đi kiểm tra ngay", ông lão chia sẻ.
Rừng tạo sinh kế cho người dân
Anh K'Bông (xã Đắk Som, huyện Đắk G'long) cùng hơn 10 cùng dân tham gia tổ bảo vệ rừng. Vừa trở về từ chuyến đi rừng 10 ngày, chàng trai Mạ cho biết, bảo vệ rừng từ lâu nay đã là trách nhiệm của người Châu Mạ dưới chân núi Tà Đùng.
Cha K'Bông trước đây cùng dân làng ngày đêm canh gác cửa rừng, đến đời mình, anh cũng nhận việc tuần tra, bảo vệ 30ha rừng của cộng đồng Châu Mạ. Một công việc vất vả, nhưng đối với anh, đó không chỉ là trách nhiệm mà còn niềm tự hào với ông bà, tổ tiên.
K'Bông cho biết, đường vào rừng càng dễ đi thì bà con và cán bộ kiểm lâm ở Vườn càng phải tuần tra nhiều. "Cũng bởi vậy mà cả làng chấp nhận đi con đường đất lầy lội, gồ ghề sỏi đá chỉ bởi lý do đơn giản, đường xấu thì lâm tặc không đi được. Nếu bị phát hiện, lâm tặc cũng không chạy thoát được bằng con đường này".
Theo anh K'Bông, từ ngày tham gia bảo vệ rừng, gia đình anh đã có thêm nguồn thu từ nhận giao khoán. Với nguồn thu nhập hàng tháng từ giao khoán rừng và làm thêm nương rẫy, nên đời sống của gia đình ngày càng ổn định.
Anh K'Bông cho biết: "Bà con rất vui vì ai tham gia bảo vệ rừng cũng có thêm thu nhập. Chính vì thế, mỗi lần đi tuần tra đều có đầy đủ số người trong tổ nhận khoán".
Theo tìm hiểu, các hộ nhận khoán chia tổ, phân công lịch tuần tra rất rõ ràng, mỗi hộ tham gia tuần tra 3 - 4 lần/tháng. "Ban ngày, cả đoàn đi tuần tra, tối ở đâu giăng bạt, dựng lều ở đó", anh K'Bông cho hay.
Theo một cán bộ Vườn Quốc gia Tà Đùng, bắt đầu từ năm 2011, 52 hộ sống trong khu bảo tồn (nay là Vườn Quốc gia) nhận khoán bảo vệ rừng, mỗi hộ nhận 30 héc ta.
Hàng ngày, người dân trong các tổ cùng cán bộ kiểm lâm đi tuần tra rừng nên đã hạn chế được tình trạng người dân lấn chiếm đất rừng. Đặc biệt, trong 5 năm qua, đồng bào và kiểm lâm đã ngăn chặn được nhiều vụ lâm tặc đến khai thác rừng.
Ông Khương Thanh Long, Giám đốc VQG Tà Đùng cho biết, đơn vị hiện đang giao khoán hơn 6.000 ha rừng cho 201 hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống gần rừng. Các hộ dân tập trung chủ yếu ở xã Đắk Som, Đắk R'măng (huyện Đắk Glong); xã Phi Liêng, Đạ K'Nàng (huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng).
Trong số 6.030 ha rừng giao khoán cho bà con lại được chia theo hai lưu vực như: sông Đồng Nai có hơn 2.361 ha, còn lại sông Sêrêpốk hơn 3.668 ha. Với mức chi trả trung bình từ 693.000 đồng đến 1,028 triệu đồng/ha/năm, thì trung bình mỗi năm một hộ nhận khoán quản lý bảo vệ rừng sẽ có thu nhập từ 20,8 đến 30,8 triệu đồng.
VQG Tà Đùng nằm ở phía Đông của cao nguyên M'nông, phía Tây của cao nguyên Di Linh và phía Tây Nam của vùng núi cao Chư Yang Sin. Đây là nơi giao thoa về địa lý - sinh học của khu vực Tây Nguyên, Nam Trung bộ và miền Đông Nam bộ.
Qua điều tra của các nhà khoa học ghi nhận, VQG Tà Đùng có khoảng 2.000 loài động, thực vật. Có 574 loài động vật được ghi nhận, trong đó có 62 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam, 248 loài có tên trong Sách đỏ IUCN…