Nghề “dọn nhà” cho người cõi âm tất bật ngày cuối năm

Bất chấp cái lạnh cắt da cắt thịt ngày cuối năm, những người chăm mộ phần ở Nghĩa trang Yên Kỳ (xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội) đang tất bật với công việc của mình để sửa sang cho những “ngôi nhà” của người cõi âm được khang trang, quang quẻ đón năm mới…

Nắm bản đồ nghĩa trang trong lòng bàn tay

Nghĩa trang Yên Kỳ được coi như một địa chỉ “Vip” với những người đã khuất, thế nên các dịch vụ mọc lên xung quanh nghĩa trang cũng khá nhiều. Vì thế nghề chăm mộ cũng trở thành một nghề được nhiều người lựa chọn. 

Nhiều người nói vui, gọi là nghề chăm mộ chỉ là nói cho sang thôi, chứ thực chất đó là nghề “ôsin” “dọn nhà” cho người đã khuất. 

Mùi nhang khét lẹt và đặc quánh, đang được thắp trên hàng nghìn, hàng vạn ngôi mộ trong khu Nghĩa trang Yên Kỳ khiến cho bất kỳ ai, khi đặt chân lần đầu đến nơi này cũng không tránh khỏi cảm giác lành lạnh, u ám với “thiên đường” của những người đã khuất.

Chị Hà, Chị Phương với công việc thân quen của mình. 
Chị Hà, Chị Phương với công việc thân quen của mình. 

Ẩn sau không khí ảm đạm, tưởng chừng như chỉ biết đến có chết chóc và những nấm mộ lạnh lẽo này lại là nơi mưu sinh, kiếm sống của hàng trăm con người. Tất cả mọi người ở đây, ai cũng như ai họ đều làm việc liên quan đến mộ. Từ việc bốc hài cốt, xây mới mộ phần cho tới chăm sóc, lau chùi… tất cả tạo thành một “ê kíp” thu gọn nhưng đầy đủ.

Ngày qua ngày, hàng ngàn ngôi mộ vẫn được chăm sóc bởi bàn tay của những người phụ nữ nơi đây. Các chị em làm nghề chia sẻ, chăm mộ không chỉ là nghề kiếm tiền giúp họ trang trải cuộc sống mà còn là một công việc mang nhiều ý nghĩa tâm linh. Nghĩa trang Yên Kỳ có tới cả vạn ngôi mộ, nhìn từ xa, nghĩa trang như một ma trận, người nào không có trí nhớ tốt sẽ chẳng thể tìm được đến phần mộ người nhà của mình. Ấy vậy mà chỉ cần nói ra một cái tên trên bia mộ, với vài thông tin sơ sài về số khu, ký hiệu mộ... là những người phụ nữ làm nghề ở đây biết ngay phần mộ đó nằm ở vị trí nào.

“Ở đây chúng tôi làm việc dưới hình thức là nhân viên chính thức của Ban Quản lý nghĩa trang. Công việc chính của mấy chị em tôi là bên môi trường, kiêm luôn cả công việc chăm sóc các ngôi mộ nếu như được người nhà của người đã khuất thuê làm. Đồ nghề cũng đơn giản, chỉ là cái khăn, xô đựng nước, chổi và cái liềm cắt cỏ. Chúng tôi luôn làm việc với trách nhiệm cao, vì đây không chỉ là công việc kiếm tiền mà còn là việc làm tâm linh nữa”, chị Phương, một nhân viên ở khu Nghĩa trang Yên Kỳ cho biết.

Chị Phương cho biết, hiện tại chị nhận chăm sóc cho hơn 100 ngôi mộ. Từ sáng sớm cho đến chiều muộn, những người trong đội của chị phải làm việc cật lực vì vừa phải làm công việc ở nghĩa trang lại vừa nhận chăm sóc mộ. Vẫn biết thỉnh thoảng thân nhân của người đã khuất mới đến thăm viếng, nhưng cũng không phải vì vậy mà họ lau dọn qua loa, đối phó. “Mình làm việc cho người đã khuất nên phải xuất phát từ tâm làm tốt còn mong các cụ về phù hộ, độ trì cho nữa chứ”, chị tâm niệm.

Đến bây giờ, chị Phương có thể ngồi một chỗ đọc vanh vách tên của những mộ phần mà mình chăm sóc, từ ngày sinh, ngày mất cho đến quê quán của họ. Không chỉ lau mộ, đối với những thân nhân ở xa không có dịp lên thăm mộ thường xuyên, chị còn được họ tin tưởng nhờ mua hoa, trái cây, thắp hương giùm những ngày giỗ chạp, mùng một hay ngày rằm hàng tháng... “Nhiều người đến đây khi nhìn thấy mộ phần của bố mẹ mình sạch sẽ không khỏi tấm tắc, bởi ở đây, giữa trời đất gió bụi mà vẫn sạch sẽ, sáng bóng”, chị Phương kể.

Thanh thản với đồng tiền chân chính

“Bất kỳ ai nhờ chăm sóc cho mộ phần của gia đình họ là chúng tôi đều sẵn lòng. Còn tiền công thì có thể trả từng tháng, trả theo quý hoặc trả luôn một năm cũng được. Giá cả cũng không cố định, tùy theo diện tích của mộ, to hay nhỏ, phần đất có mộ hay không có mộ rồi định giá”, chị Hà cùng nhóm với chị Phương cho chúng tôi biết. 


Các ngôi mộ sạch sẽ ở Nghĩa trang Yên Kỳ.
 

Các ngôi mộ sạch sẽ ở Nghĩa trang Yên Kỳ.
 

Theo đó, nếu sử dụng theo tháng thì tùy từng mộ sẽ có giá dao động từ 50.000 – 150.000 đồng/mộ/tháng. Còn nếu sử dụng cả năm thì giá sẽ thấp hơn một chút. Nếu không có điều kiện, hoặc muốn được tự tay chăm sóc vào những ngày quan trọng, thì có thể sử dụng dịch vụ theo ngày với giá từ 100.000-200.000 đồng/ngôi mộ. 

Với bảng giá như vậy, công việc của những người chăm sóc mộ sẽ bao gồm: Quét dọn và làm vệ sinh sạch sẽ xung quanh mộ, phát cỏ, lau chùi và thắp nhang vào những dịp lễ tết, ngày rằm, mùng 1. Chị Hà còn cho biết thêm, có nhiều gia đình chỉ thuê các chị làm công việc thắp nhang cho mộ phần của gia đình mình một tháng 2 lần vào mùng 1 và ngày rằm thì giá chỉ 50.000 đồng/mộ.

“Với mọi người, số tiền đó có lẽ chẳng thấm vào đâu, nhưng với chúng tôi nó có ý nghĩa rất nhiều. Ngoài đồng lương hàng tháng nhận được thì nhờ có thêm nghề này mà cuộc sống gia đình tôi bớt khó khăn hơn”, chị Hà chia sẻ. Công việc nhẹ nhàng, đồng tiền kiếm được cũng khá, hàng tháng ngoài tiền lương, nguồn thu từ công việc chăm mộ cũng mang lại cho các chị thêm thu nhập từ 4 – 5 triệu đồng/người. 

Nhìn thì thấy đơn giản nhưng chỉ khi vào nghề mới thấy được hết sự vất vả cũng như những tủi cực mà chỉ có ai làm nghề này mới hiểu được. Chị Phương tâm sự: “Tôi làm công việc này cũng đã hơn chục năm nay, cũng là từng ấy năm tôi không dám đến bất cứ nhà ai vào mỗi dịp đầu năm. Nhiều năm phải chờ đến mùng 3 hoặc mùng 4 tết, tôi mới dám đến chơi nhà hàng xóm. Cũng cảm thấy buồn lắm, nhưng quan niệm của người dân mình từ lâu đã vậy rồi. 

Họ cho rằng những người làm công việc như chúng tôi mà đến nhà chơi đầu năm sẽ mang đến những điều không may mắn, bởi vậy chúng tôi cũng không dám đến”, chị chua xót. Chị Hà cũng đồng tình: “Bây giờ chúng tôi quen rồi. Chúng tôi luôn nghĩ mình làm việc chân chính. Kiếm tiền bằng mồ hôi và công sức lao động của mình thì có gì mà phải buồn, phải tủi. Mà đặc biệt cái nghề này nó lại là nghề tâm linh, làm được việc tâm linh tôi thấy tâm hồn mình rất thanh thản và thoải mái”.

Nhìn những người phụ nữ cặm cụi bên những phần mộ trong nghĩa trang, người cắt cỏ, người lau chùi, dọn dẹp một cách mẫn cán, đầy trách nhiệm như đối với người thân, chúng tôi thấy trân trọng các chị hơn. 

Phần đông những người đã khuất đều có con cháu ở xa nên nếu không có những người làm nghề này, hẳn những vong linh nằm dưới các phần mộ kia sẽ thấy cô quạnh và tủi thân. Nếu coi việc chăm mộ cũng là một nghề thì đây là nghề chân chính, đáng được trân trọng.

Theo Báo Pháp luật VN