1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Nghề dệt chiếu một thời vang danh xứ Quảng

Ngô Linh

(Dân trí) - Chiếu Bàn Thạch từng có thời gian vang danh khắp trong, ngoài xứ Quảng. Nay chỉ còn những người cao tuổi giữ gìn và truyền nghề cho con cháu, gắn với mong muốn phát triển du lịch cộng đồng.

Người già giữ nghề

Thời hoàng kim, làng chiếu cói Bàn Thạch (xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) có hơn 350 hộ làm nghề.

Theo thời gian, khi các loại chiếu nhựa, chiếu tre, trúc xuất hiện, chiếu cói Bàn Thạch không còn được ưa chuộng. Thu nhập từ chiếu dệt thủ công thấp nên nhiều gia đình đã bỏ nghề.

Đến nay, cả làng chỉ còn khoảng 35 hộ làm nghề, đa phần là những nhà có người già bền bỉ giữ nghề truyền thống. Gia đình ông Võ The (69 tuổi) và bà Đỗ Thị Tư (66 tuổi) là một trong số này.

Tranh thủ trời nắng to, ông The nhuộm mớ cói khô để vợ mang đi phơi. Khói bếp cay xè, một tay ông The liên tục lau mắt, một tay trở cói liên tục để sợi cói nhuộm được đều màu.

Nghề dệt chiếu một thời vang danh xứ Quảng  - 1

Ông The tranh thủ nhuộm cói để kịp phơi hôm trời nắng to (Ảnh: Ngô Linh).

Ông The chia sẻ, khi còn nhỏ, ông đã theo cha mẹ học nghề nhuộm cói, dệt chiếu. Lập gia thất, ông lại cùng vợ dệt chiếu mưu sinh, nuôi con cái ăn học.

Gắn bó gần 60 năm, chưa khi nào ông The có ý định bỏ nghề. Bởi đây không chỉ là nghề mưu sinh, mà còn là nghề truyền thống của bao thế hệ trong gia đình nên ông muốn giữ gìn.

Người thợ có 60 năm tuổi nghề cho biết, để làm ra một tấm chiếu, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn, bắt đầu từ cắt cói ngoài ruộng, chẻ nhỏ phơi khô ít nhất 4 nắng mới đưa về nhà.

Cói sau đó được nhuộm màu, phơi nắng một ngày rồi mới dệt. Mỗi gia đình sáng tạo mẫu mã riêng để dệt nên tấm chiếu hoặc làm theo mẫu trong đơn đặt hàng.

Nghề dệt chiếu một thời vang danh xứ Quảng  - 2

Công đoạn nhuộm cói đặc biệt cần kinh nghiệm của người thợ lành nghề để cói lên màu đều (Ảnh: Ngô Linh).

Vất vả, cực nhọc nhưng tiền công không đáng là bao. Một ngày, hộ ông The làm được 2-3 tấm chiếu, sau khi trừ chi phí, thu về chỉ khoảng 60.000-70.000 đồng.

"Cực khổ, thu nhập thấp, nên con cái không ai theo nghề. Chỉ người già như vợ chồng tôi còn giữ nghề này. Được chừng nào thì giữ tới chừng đó chớ tính sao", ông The cười buồn.

Cũng theo nghề dệt chiếu từ thời con gái, bà Trần Thị Thu (48 tuổi) kể, trước đây, mỗi ngày gia đình bà dệt 2-3 đôi chiếu, kiếm được 400.000 đồng. Nay hai mẹ con bà Thu mỗi ngày dệt 1 đôi chiếu, kiếm được 120.000 đồng, trừ chi phí còn lãi 50.000 - 60.000 đồng.

"Cực khổ, tiền kiếm được ít nhưng nghề đã thành cái "nghiệp", mình làm chủ yếu để con cháu còn biết đến gia đình mình, làng mình xưa nay có cái nghề này", bà Thu nói.

Khệ nệ ôm mớ cói nhuộm đi phơi cho kịp nắng, bà Tư, vợ ông The cười giòn, góp chuyện: "Cực vậy đó, mà không bỏ được. Đôi lúc cũng có vài vị khách Tây đi ngang qua xin chụp ảnh và dệt thử. Thấy họ mê mẩn ngồi xem, chúng tôi vui lắm!".

Mong muốn kết nối du lịch cộng đồng

Làng Bàn Thạch từng được nhiều doanh nghiệp, lữ hành du lịch đánh giá có sức hút phát triển du lịch cộng đồng, với khung cảnh làng quê yên bình, nên thơ cùng làng nghề dệt chiếu truyền thống đã hàng trăm năm tuổi.

Thời gian gần đây, khi du lịch đang dần phục hồi sau đại dịch Covid-19, nhiều du khách nước ngoài cũng đã tìm về đây đạp xe dạo mát, thưởng thức không khí trong lành và trải nghiệm nghề dệt chiếu ở làng Bàn Thạch.

Bà Nguyễn Thị Phước (69 tuổi, ở xã Duy Vinh) cho biết, trung bình mỗi tuần bà tiếp khoảng 6-7 vị khách nước ngoài đi ngang qua nhà. Dù chỉ giao tiếp qua ngôn ngữ hình thể nhưng bà và khách hiểu nhau đến lạ kỳ.

Nghề dệt chiếu một thời vang danh xứ Quảng  - 3

Ở làng Bàn Thạch nay chủ yếu chỉ còn người cao tuổi bền bỉ với nghề dệt chiếu (Ảnh: Ngô Linh).

"Đôi lúc, họ ngồi xem chúng tôi dệt chiếu rồi chụp ảnh hoặc xin chúng tôi cho dệt thử. Dù chưa quen tay, thao tác rất lóng ngóng nhưng họ vui lắm. Tôi mong du khách sẽ đến đây nhiều hơn, biết đâu sẽ thu hút người trẻ quay về giữ nghề và làm du lịch", bà Phước chia sẻ.

Nghề dệt chiếu một thời vang danh xứ Quảng  - 4

Nghề chiếu Bàn Thạch mai một nhưng người làng vẫn nuôi hy vọng nghề truyền thống hồi sinh gắn với phát triển du lịch cộng đồng (Ảnh: Ngô Linh).

Ông Nguyễn Sáu - Chủ tịch xã Duy Vinh cho hay, xã này từng có nhiều gia đình đầu tư máy móc sản xuất chiếu nhưng nay tạm dừng vì thu nhập thấp. Bởi dù dệt bằng máy, trung bình mỗi ngày một người cũng chỉ làm được 9 tấm chiếu, tiền công khoảng 150.000 đồng, quá thấp so với các công việc khác.

Làm gì để khôi phục làng nghề? Đây không chỉ là nỗi đau đáu của những người làng chiếu Bàn Thạch.

"Tại làng chiếu Bàn Thạch, địa phương đang tính đến phương án phát triển làng nghề gắn với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng", Chủ tịch xã Nguyễn Sáu chia sẻ.

Nghề dệt chiếu cói truyền thống đã hàng trăm năm tuổi ở làng Bàn Thạch (Video: Ngô Linh)

Làng chiếu Bàn Thạch nằm ở khúc giao của 3 dòng sông Thu Bồn, Ly Ly và Trường Giang. Từ thế kỷ 16, người dân từ phía Bắc di cư vào Nam thấy đất đai ven sông trù phú nên lập làng, cải tạo đất trồng cói, hình thành nghề dệt chiếu.

Hơn 300 năm qua, làng nghề trải bao thăng trầm của lịch sử nhưng chưa bao giờ người làng bỏ bãi cói, khung cửi dệt chiếu, giữ nghề làng vang danh một thời.

Theo những cụ cao niên trong làng, thời hoàng kim, làng nghề truyền thống chiếu Bàn Thạch có hơn 80% người dân trong làng làm nghề.

Những người làm chiếu lâu năm trong làng kể lại, trước kia, chiếu Bàn Thạch không chỉ cung ứng thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang các nước Đông Âu, Liên Xô cũ.