Nghề công tác xã hội có vai trò quan trọng trong đời sống dân sinh

“Với Nghề Công tác xã hội, Việt Nam có thể giải quyết hiệu quả vấn đề nghèo đói, các vấn đề xã hội, công bằng và bất bình đẳng xã hội và những vấn đề ngày càng phức tạp khác mà Việt Nam đang phải đối mặt”.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền phát biểu tại Lễ mít tinh
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền phát biểu tại Lễ mít tinh

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền phát biểu tại Lễ mít tinh kỷ niệm Ngày Công tác Xã hội thế giới lần thứ 17 tổ chức sáng 11/11 tại Hà Nội.

Đánh giá vai trò của Nghề Công tác xã hội, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh vai trò to lớn trong việc trợ giúp cá nhân, gia đình, nhóm người cộng đồng và các hệ thống xã hội nhằm đạt được sự thay đổi về mặt xã hội, giải quyết các vấn đề trong mối quan hệ với con người và nâng cao an sinh xã hội.

Việt Nam chịu nhiều thiệt hại trong chiến tranh, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, tỉ lệ đối tượng dễ bị tổn thương cần sự trợ giúp của các dịch vụ công tác xã hội nhiều.

Theo Cục Bảo trợ Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), Việt Nam hiện có gần 9 triệu người cao tuổi; 6,7 triệu người khuyết tật; 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; 2,7 đối tượng bảo trợ xã hội thuộc diện hưởng trợ cấp hằng tháng từ ngân sách nhà nước; 180.000 người nhiễm HIV…

Trên cơ sở những chính sách nhân văn và thiết thực, Chính phủ đã ban hành Đề án Nghề Công tác xã hội giai đoạn 2010- 2020 (Đề án 32/2010/QĐ-TTg) đặt ra mục tiêu nhằm cải thiện hệ thống an sinh xã hội, dịch vụ công ở phạm vi rộng lớn và bền vững.

Tại Lễ mít tinh, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đánh giá cao những kết quả đạt được sau gần 5 năm triển khai đề án 32, cụ thể: Tạo dựng được bước đầu khung pháp lý cơ bản về Nghề Công tác xã hội; bước đầu hình thành hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội và đội ngũ nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội với trên 30 tỉnh, thành có trung tâm công tác xã hội, trên 20 tỉnh, thành có đội ngũ công tác viên với hàng chục ngàn người.

Đề án đã tăng cường công tác đào tạo nghề Công tác xã hội ở các bậc học, hàng năm có hơn 10.000 lượt cán bộ, nhân viên và cộng tác viên được bồi dưỡng nghiệp vụ…

Nhiệm vụ thời gian tới, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền lưu ý Ban điều hành Đề án 32/2010/QĐ-TTg cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về nghề công tác xã hội, đánh giá kết quả thực hiện Đề án 32 giai đoạn 2010-2015, xây dựng triển khai kế hoạch 2016-2020; phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ công tác xã hội và mạng lưới nhân viên, cộng tác viên trong hệ thống trường học, bệnh viên, hệ thống tư pháp; nghiên cứu hoàn thiện chương trình, giáo trình, phương pháp đào tạo công tác xã hội theo hướng hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên công tác xã hội; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nghề công tác xã hội; tăng cường hợp tác quốc tế phát triển nghề công tác xã hội.

Hoàng Mạnh