1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Nghệ An: Gỡ vướng cho cử nhân cử tuyển tìm việc

(Dân trí) - Trong số 884 cử nhân thuộc diện con em đồng bào dân tộc thiểu số được đi học cử tuyển, tỉnh Nghệ An chỉ có 274 người được bố trí việc làm. Điều này đặt ra câu hỏi: Làm sao bố trí hết lực lượng trên trong khi chủ trương giảm biên chế và việc tuyển dụng theo Luật Công chức đang được áp dụng?

Theo thống kê, từ năm 2005 đến nay, các huyện miền núi Nghệ An có gần 900 sinh viên cử tuyển là con em đồng bào các dân tộc thiểu số.

Trong đó, có 602 người học đại học, 147 học cao đẳng và 125 người học trung cấp. Hiện tỉnh này vẫn đang còn gần 40 người học đại học theo diện cử tuyển.

Nghệ An: Gỡ vướng cho cử nhân cử tuyển tìm việc - 1

Tỉ lệ con em đồng bào dân tộc thiểu số của Nghệ An đậu vào hệ chính quy các trường đại học tăng nhanh.

Trong số 844 người thuộc diện cử tuyển đã có bằng tốt nghiệp mới chỉ có 274 người đã bố trí được việc làm, số còn lại vẫn đang trong trạng thái “chờ” việc và không biết sẽ chờ đến bao giờ.

Việc cử đi học nhưng không bố trí được vị trí công tác đã gây lãng phí về nguồn ngân sách, khiến người được cử đi học hoang mang, mất niềm tin khi không được bố trí công tác, lâm vào cảnh thất nghiệp.

Nói về nguyên nhân của tình trạng này, ông Đậu Văn Thanh - Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An cho biết: "Do các địa phương, cụ thể là UBND các huyện miền núi đã xây dựng, đề xuất chỉ tiêu cử người đi học không sát với thực tiễn dẫn đến “cung” nhiều hơn “cầu”. Bên cạnh đó, sau khi các sinh viên này hoàn thành việc học thì nhiều vị trí dự kiến đã có người đảm nhận; một số vị trí tại thời điểm cử người đi học đang khuyết nhưng do thời gian học kéo dài nên khi hoàn thành chương trình học, vị trí này đã được bổ sung".

Mặt khác, thời gian vừa qua, chỉ tiêu biên chế công chức, viên chức không tăng, do đó các huyện, các cơ quan đơn vị không bố trí được vị trí công tác cho đội ngũ này.

Nghệ An: Gỡ vướng cho cử nhân cử tuyển tìm việc - 2

Ông Lương Thanh Hải - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An phát biểu.

Ông Lương Thanh Hải - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An cho rằng, chính sách này trước đây đã tạo điều kiện cho con em đồng bào dân tộc thiểu số có cơ hội đi học lên cao và trở thành cán bộ chủ chốt của các huyện miền núi.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, chính sách này đã không còn phù hợp bởi giáo dục miền núi đang từng bước phát triển.

“Hàng năm, chúng tôi tổ chức khen thưởng cho con em đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều em đạt điểm thi rất cao, 9 điểm, 9,5 điểm mỗi môn xét tuyển đại học. Với số điểm này, các em chính thức trúng tuyển vào các trường đại học tốp đầu của cả nước. Khi ra trường, đây sẽ là đội ngũ kế cận, có trình độ, được đào tạo bài bản, đáp ứng được yêu cầu công tác tại quê hương”, ông Lương Thanh Hải nhấn mạnh.

Số lượng con em đồng bào dân tộc thiểu số đậu chính thức vào các trường đại học và ra trường hàng năm, kết hợp với số sinh viên cử tuyển đã tạo sức ép không nhỏ đối với công tác tuyển dụng, bố trí công tác cho đội ngũ này.

Trong khi đó, theo Luật Công chức - Viên chức và các quy định hiện hành, việc bố trí công tác phải tuân theo các quy định và được tổ chức thi tuyển, xét tuyển. Trên thực tế, chất lượng sinh viên cử tuyển ra trường khó cạnh tranh với năng lực, trình độ của các em đậu đại học chính quy.

Nghệ An: Gỡ vướng cho cử nhân cử tuyển tìm việc - 3
Tỉnh Nghệ An tuyên dương các học sinh đạt điểm cao trong xét tuyển đại học, trong đó có nhiều con em đồng bào dân tộc thiểu số.

“Cử tuyển là một chính sách đúng đắn và nhân văn đối với con em đồng bào dân tộc thiểu số. Nhưng ở thời điểm hiện tại, bố trí công việc cho các cháu rất khó, nhất là khi giáo dục miền núi đã có nhiều bước tiến vượt bậc, nhiều con em đồng bào học đại học chính quy. Nên chăng, chúng ta có sự điều chỉnh chính sách này theo hướng giảm bớt đối tượng cử tuyển, chỉ thực hiện đối với một số đồng bào dân tộc ít người, đời sống khó khăn, vùng sâu, vùng xa hoặc chỉ xem đây là một điểm ưu tiên trong quá trình thi tuyển hoặc xét tuyển các vị trí công tác trong các bộ máy cơ quan nhà nước?”, ông Lương Thanh Hải nêu ý kiến.

Trong lúc tìm cách gỡ vướng trong bố trí việc làm cho gần 600 cử nhân cử tuyển đã ra trường nhưng chưa được bố trí việc làm, thời điểm này, tỉnh Nghệ An tạm dừng thực hiện chế độ học cử tuyển.

Hoàng Lam