Ngành nghề nào có nhiều "người giàu" nhất trong thập niên qua?

Theo Wealth-X, 'người rất giàu' là các cá nhân sở hữu giá trị tài sản từ 5 đến 30 triệu USD.

Theo báo cáo A Decade of Wealth vừa được công ty nghiên cứu, tư vấn thị trường Wealth-X công bố, từ năm 2005 đến 2019, số lượng triệu phú (sở hữu giá trị tài sản từ 1 triệu USD trở lên) trên toàn thế giới đã tăng gấp đôi, đạt 25,2 triệu người ở thời điểm hiện tại.

Tổng tài sản nắm giữ bởi các triệu phú này xấp xỉ ⅓ tổng tài sản cá nhân trên toàn cầu vào năm 2019, dù họ chỉ chiếm 3,23% dân số thế giới. So với năm 2005, tổng lượng tài sản nắm giữ bởi các triệu phú đã tăng gấp đôi, từ mức 50.000 tỷ USD lên 104.000 tỷ USD.

Đồng thời, số 'người rất giàu' (sở hữu giá trị tài sản từ 5 đến 30 triệu USD), lẫn 'người siêu giàu' (sở hữu giá trị tài sản từ 30 triệu USD trở lên), cũng tăng hơn gấp đôi trong cùng kỳ.

Nhận định về xu hướng tích luỹ tài sản trong tương lai, A Decade of Wealth cho biết, nếu ngân hàng, dịch vụ kinh doanh và tiêu dùng là những ngành giúp tạo ra nhiều tài sản nhất cho giới nhà giàu trong thập niên qua (2010-2019), thì công nghệ sẽ là lĩnh vực ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ vào những năm tới, trở thành nguồn tạo ra tài sản đáng kể cho người giàu.

Theo đó, tỷ trọng của ngành công nghệ, với tư cách là nguồn tạo ra tài sản, sẽ tăng lên đáng kể, mà lý do là vì "các doanh nghiệp công nghệ có thể dễ dàng vượt qua những trở ngại về mặt không gian, đối mặt với ít rào cản trong việc thâm nhập thị trường và có thể mở rộng quy mô nhanh hơn so với các ngành công nghiệp truyền thống".

Và, dưới đây là 10 lĩnh vực có nhiều 'người rất giàu' nhất trên thế giới, cùng những cá nhân nổi bật, trong thập niên qua.

10. Thực phẩm và Đồ uống (F&B)

Cá nhân nổi bật: Daniel Lubetzky

Theo Wealth-X, có 3,8% người rất giàu trên thế giới kiếm tiền từ ngành F&B và tỷ phú, doanh nhân Daniel Lubetzky – nhà sáng lập, CEO công ty thức ăn nhẹ vì sức khỏe Kind – là một trong số những cái tên nổi bật. Thông qua các công ty niêm yết tương đương cùng các giao dịch mua bán và sáp nhập gần đây, tạp chí Forbes ước tính Kind có giá trị vào khoảng 2,9 tỷ USD. Là người sở hữu phần lớn công ty, Lubetzky có cổ phần trị giá gần 1,5 tỷ USD.

9. Xây dựng và kỹ thuật

Cá nhân nổi bật: James Dyson

Từng nhiều lần giữ vị trí người giàu nhất nước Anh, tỷ phú James Dyson nằm trong số 3,9% người rất giàu trên thế giới kiếm tiền từ ngành xây dựng và kỹ thuật.

Ông đồng thời là người phát minh ra máy hút bụi không túi đầu tiên trên thế giới vào năm 1986. Hiện, Công ty Dyson do vị tỷ phú sáng lập là một trong những công ty công nghệ lớn nhất nước Anh, với thu nhập ròng năm 2018 đạt hơn 1 tỷ GBP.

8. Dịch vụ lưu trú và giải trí

Cá nhân nổi bật: Guy Laliberté

Theo Wealth-X, 4,1% người rất giàu trên thế giới hoạt động trong ngành dịch vụ lưu trú và giải trí. Một cái tên nổi bật có thể nhắc đến là Guy Laliberté - tỷ phú người Canada đã góp phần làm nên tên tuổi của đoàn xiếc, tạp kỹ đẳng cấp toàn cầu Cirque du Soleil. Tổng tài sản của Laliberté vào khoảng 1,2 tỷ USD.

7. Sản xuất

Cá nhân nổi bật: Diane Hendricks

Là nữ tỷ phú tự thân giàu nhất nước Mỹ năm 2019, Diane Hendricks nằm trong số 4,1% triệu phú và tỷ phú thế giới làm giàu từ ngành sản xuất. Đồng sáng lập ABC Supply với người chồng quá cố từ năm 1982, và giúp đưa công ty này trở thành một trong những nhà bán buôn mái lợp, cửa sổ lớn nhất nước Mỹ, Hendricks hiện sở hữu giá trị tài sản ròng vào khoảng 9,5 tỷ USD.

6. Công nghệ

Cá nhân nổi bật: Mark Zuckerberg

Dù chỉ chiếm tỷ lệ 4,7% trong số những ngành nghề giúp sản sinh ra nhiều người rất giàu trên thế giới, song công nghệ lại là lĩnh vực rất được công chúng quan tâm, với nhiều cái tên tỷ phú thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện truyền thông như Bill Gates, Jeff Bezos, Mark Zuckerberg…

Theo Wealth-X, công nghệ sẽ là ngành ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ vào những năm tới, trở thành nguồn tạo ra tài sản đáng kể cho giới nhà giàu.

5. Chăm sóc sức khỏe

Cá nhân nổi bật: Ernesto Bertarelli

Theo thống kê, có 4,9% người rất giàu tạo dựng tài sản từ ngành chăm sóc sức khỏe. Người giàu nhất Thuỵ Sĩ Ernesto Bertarelli - CEO của Công ty Công nghệ sinh học Serono, cũng làm giàu từ lĩnh vực này. Tài sản của vị tỷ phú năm nay 54 tuổi ước đạt 8 tỷ USD.

4. Bất động sản

Cá nhân nổi bật: Stephen Ross

Đứng thứ 4 trong danh sách, tỷ lệ người rất giàu kiếm tiền từ bất động sản là 5,4%. Trong đó, cái tên nổi bật là tỷ phú Stephen Ross - Chủ tịch của The Related Companies, với khối tài sản ròng trị giá 7,6 tỷ USD. Ross đồng thời cũng là 'ông trùm' bất động sản giàu nhất nước Mỹ.

3. Tổ chức phi lợi nhuận và tổ chức xã hội

Cá nhân nổi bật: Bill Gates

Có hơn 7% người rất giàu làm việc toàn thời gian tại các tổ chức phi lợi nhuận. Dù vậy, đây lại không phải lĩnh vực giúp họ gầy dựng số tài sản khổng lồ của mình, mà nhiều trong số đó làm giàu từ những lĩnh vực khác, điển hình như vợ chồng tỷ phú Bill và Melinda Gates.

2. Kinh doanh và dịch vụ tiêu dùng

Cá nhân nổi bật: David Steward

Đứng thứ nhì trong danh sách này, kinh doanh và dịch vụ tiêu dùng là ngành nghề có đến 16% người rất giàu.

Trong đó, một cái tên nổi bật là tỷ phú David Steward - nhà sáng lập, Chủ tịch Công ty Dịch vụ công nghệ thông tin World Wide Technology. Hoạt động kinh doanh thuận lợi, với doanh thu có lúc lên đến 11 tỷ USD đã giúp vị tỷ phú da màu này nắm giữ khối tài sản trị giá 3,5 tỷ USD, theo Forbes.

1. Tài chính và ngân hàng

Cá nhân nổi bật: Jamie Dimon

Với tỷ lệ 22,6%, tài chính và ngân hàng là ngành nghề có nhiều người rất giàu nhất trong thập niên qua. Song, theo dự báo từ Wealth-X, trong thời gian tới, công nghệ có khả năng sẽ là lĩnh vực ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ, trở thành nguồn tạo ra tài sản đáng kể cho người giàu.

Với tổng tài sản vào khoảng 1,3 tỷ USD, Jamie Dimon - CEO JPMorgan Chase, ngân hàng thương mại lớn nhất nước Mỹ (tính theo lượng tài sản nắm giữ), là một trong những cái tên nổi bật của ngành tài chính và ngân hàng.