Ngành dệt may lần đầu tiên ký thỏa ước lao động tập thể

(Dân trí) - Đây là ngành đầu tiên ký kết thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) cấp ngành để bảo vệ những quyền lợi chính đáng của người lao động.

Ngành dệt may lần đầu tiên ký thỏa ước lao động tập thể  - 1
Với thỏa ước lao động, công nhân ngành dệt may sẽ được bảo vệ quyền lợi về chế độ đãi ngộ, lương, thưởng. (Ảnh minh họa)
 
Sáng 26/4, tại Hà Nội, ngành Dệt may Việt Nam đã tổ chức lễ ký kết TƯLĐTT. Thỏa ước bao gồm 14 điều với những nội dung cơ bản và đã được triển khai lấy ý kiến tại 130 đơn vị và đã có 69 đơn vị đăng ký tham gia TƯLĐTT ngành dệt may với số lao động trên 90.000 người.

Cụ thể, trong thời gian áp dụng, nếu người sử dụng LĐ thực hiện đúng các nội dung của thỏa ước thì tập thể NLĐ không tự ý tổ chức đình công về những nội dung đã được thỏa thuận. Trường hợp NLĐ đình công không đúng trình tự của pháp luật thì ngay sau khi xảy ra đình công ban chấp hành công đoàn cơ sở phải cử đại diện để đàm phán với người sử dụng LĐ. Mặt khác nếu xảy ra tranh chấp và dẫn đền đình công thì Hiệp hội dệt may VN và công đoàn dệt may VN phải cử đại diện phối hợp cùng doanh nghiệp và các cơ quan liên quan giải quyết theo các quy định của pháp luật.

Ngoài ra, những quy định về lương cho từng nhóm lao động  cũng được quy định cụ thể. Với những đơn vị tự xây dựng thang bảng lương thì tiền lương của nhóm điều kiện LĐ nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với điều kiện bình thường (quy định của Nhà nước là 5%); số bậc lương mỗi ngạch bậc lương hoặc nhóm lương thiết kế không quá 15 bậc (Nhà nước không quy định về bậc) và mức lương bậc 1 đối với các công việc đòi hỏi phải qua đào tạo nghề cao hơn ít nhất là 10% so với mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định, sau 1 đến 2 năm phải xét nâng bậc…

Trước đó, nội dung của bản Dự thảo TƯLĐTT đã qua 7 lần được sửa đổi bổ sung sau khi nghiên cứu và tiếp thu các ý kiến đóng góp, thương lượng thống nhất giữa đại diện hiệp hội dệt may VN và công đoàn dệt may.

 

P. Thanh