Đà Nẵng:

Ngâm mình giữa sông, cúi ngang mặt nước săn chem chép

Dân trí

(Dân trí) - Cứ đến dịp tháng 3 âm lịch hằng năm, người dân sống ven sông Cu Đê (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiều, TP Đà Nẵng) lại rủ nhau đổ ra bãi bồi giữa sông để săn con chem chép vào mùa.

Ngâm mình giữa sông, cúi ngang mặt nước săn chem chép   - 1

Vào mỗi buổi chiều giữa tháng 3 âm lịch, khi con nước hạ dần cũng là lúc nhiều người dân sống ven hạ nguồn Cu Đê đổ ra bãi bồi giữa sông để mò chem chép. Đây cũng chính là khoảng thời gian chem chép chắc thịt và ngon nhất trong năm.

Ngâm mình giữa sông, cúi ngang mặt nước săn chem chép   - 2

Đa phần những "thợ săn" chem chép ở đây đều là phụ nữ, nhiều người trong số đó là vợ những người làm nghề chài lưới. Họ tranh thủ những lúc rảnh đi mò chem chép kiếm thêm thu nhập và cải thiện bữa ăn gia đình.

Ngâm mình giữa sông, cúi ngang mặt nước săn chem chép   - 3

Chem chép thuộc loài nhuyễn thể, có vỏ cứng, nhìn giống con chíp chíp. Thịt chem chép thơm và ngọt nên thường được dùng để nấu cháo, nấu canh. Đây là thức ăn bổ dưỡng, tính hàn, rất được ưa chuộng.

Ngâm mình giữa sông, cúi ngang mặt nước săn chem chép   - 4

Nhà ở gần cầu Cu Đê nên bà Lê Thị Huê (62 tuổi, phường Hòa Hiệp Bắc) có mặt tại bãi bồi lúc 3h chiều. Theo bà Huê, năm nay chem chép được mùa hơn so với mọi năm nên nhiều người tranh thủ, ngay lúc con nước còn lớn vẫn ra mò bắt.

Ngâm mình giữa sông, cúi ngang mặt nước săn chem chép   - 5

Dụng cụ để đánh bắt chỉ đơn giản là một chiếc rổ tre hoặc nhựa có lỗ lớn cùng một chiếc thau để đựng thành quả thu hoạch được. Chem chép vớt từ dưới lớp bùn pha cát lên, được đãi sạch và lựa ra khỏi những vỏ hàu, vỏ sò đã chết.

Ngâm mình săn chem chép giữa dòng sông Cu Đê

Ngâm mình giữa sông, cúi ngang mặt nước săn chem chép   - 6

"Đặc tính con chem chép ni là sống dưới lớp bùn, nó giống con chíp chíp nhưng ngon hơn. Để bắt được nó mình phải cúi sát người xuống mặt nước, lấy rổ mà cào bùn vào rồi mang lên rê rê trên mặt nước. Bùn pha cát nên nhanh trôi, một hồi là lộ ra con chem chép liền", bà Huê chia sẻ.

Ngâm mình giữa sông, cúi ngang mặt nước săn chem chép   - 7

Bà Huỳnh Thị Kim Mai (52 tuổi, trú phường Hòa Hiệp Bắc) - người đã gắn liền với nghề bắt chem chép hơn chục năm - cho biết, đặc tính nghề này là phải ngâm mình nhiều giờ dưới nước nên khiến cơ thể rất dễ bị cảm lạnh. Cùng với đó là việc dễ bị các mảnh vỏ hàu, vỏ sò cắt vào chân.

Ngâm mình giữa sông, cúi ngang mặt nước săn chem chép   - 8

"Nếu là người không quen với việc mò chem chép, mỗi lần cúi người mò, bị uống nước là chuyện bình thường. Người mò phải cúi liên tục trong nhiều giờ khiến người nhức mỏi. Nói chung, nghề này cực mà vui", bà Mai vui vẻ nói.

Ngâm mình giữa sông, cúi ngang mặt nước săn chem chép   - 9

Công việc tưởng chừng như đơn giản nhưng để lựa ra được chem chép tốn rất nhiều thời gian bởi lẫn trong đó là cả đất, sỏi cộng với vỏ hến, vỏ hàu. 

Ngâm mình giữa sông, cúi ngang mặt nước săn chem chép   - 10

Đổ bỏ những con chem chép nhỏ trước khi thu dọn dụng cụ trở về, một người trong nhóm mò chem chép cho biết: "Do nguồn nước hiện dần bị ô nhiễm và hoạt động đánh bắt quá độ nên số lượng chem chép không còn được như xưa. Những người bắt chem chép ở đây thường để lại những con nhỏ, chưa đủ kích cỡ chờ tiếp tục sinh trưởng. Đây như luật bất thành văn mà ai cũng ngầm hiểu ở vùng này".

Ngâm mình giữa sông, cúi ngang mặt nước săn chem chép   - 11

Công việc săn chem chép thường bắt đầu từ 15h chiều cho đến khi trời chuyển tối. Mỗi buổi như vậy, mỗi người sẽ mang về từ 5-6 kg chem chép. Số chem chép trên sẽ được bán cho thương lái vào sáng mai với giá khoảng 50.000 đồng/kg. Trung bình thu nhập của mỗi người mò chém chép cho một buổi lặn khoảng 250.000 - 300.000 đồng.

Văn Trực