1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước trong khu vực tiếp tục gia tăng

Mức năng suất lao động của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp và tiếp tục gia tăng khoảng cách so với nhiều nước trong khu vực.

Tổng cục Thống kê vừa có thống kê tình hình kinh tế - xã hội năm 2017. Theo đó, năm 2017 GDP cả nước tăng 6,81%, mức cao nhất kể từ năm 2011. Quy mô nền kinh tế năm 2017 theo giá hiện hành đạt 5.007,9 nghìn tỷ đồng, tương ứng hơn 220 tỷ USD. GDP bình quân đầu người ước tính đạt 53,5 triệu đồng, tương đương 2.385 USD, tăng 170 USD so với năm 2016.

Năng suất lao động toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2017 ước tính đạt 93,2 triệu đồng/lao động (tương đương khoảng 4.159 USD/lao động). Tính theo giá so sánh năm 2010, năng suất lao động toàn nền kinh tế năm 2017 tăng 6% so với năm 2016, bình quân giai đoạn 2011 - 2017 tăng 4,7%/năm.

Quang cảnh buổi họp báo
Quang cảnh buổi họp báo

Cụ thể, năng suất lao động xã hội của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2011 - 2017 lần lượt là: 55,2 triệu đồng/lao động; 63,1 triệu đồng/lao động; 68,7 triệu đồng/lao động; 74,7 triệu đồng/lao động; 79,4 triệu đồng/lao động; 84,5 triệu đồng/lao động; 93,2 triệu đồng/lao động.

Tổng cục Thống kê cho biết, năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua tuy có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm và là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN.

Tuy nhiên, mức năng suất của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với nhiều nước trong khu vực. Tính theo sức mua tương đương năm 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 đạt 9.894 USD, chỉ bằng 7% của Singapore; 17,6% của Malaysia; 36,5% của Thái Lan; 42,3% của Indonesia; 56,7% của Philippines và bằng 87,4% năng suất lao động của Lào.

Đặc biệt, Tổng cục Thống kê còn đưa ra cảnh báo chênh lệch về năng suất lao động giữa Việt Nam và các nước trong khu vực tiếp tục gia tăng.

Cụ thể, Tổng cục Thống kê dẫn nghiên cứu của World Bank, chênh lệch mức năng suất lao động (tính theo PPP năm 2011) của Singapore và Việt Nam tăng từ 115.087 USD năm 2006 lên 131.333 USD năm 2016; tương tự, của Malaysia từ 39.806 USD lên 46.190 USD; Thái Lan từ 14.591 USD lên 17.208 USD; Indonesia từ 10.100 USD lên 13.496 USD; Philippines từ 6.691 USD lên 7.561 USD; Lào từ 220 USD lên 1.422 USD.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4 tạo ra xu hướng tự động hoá, trao đổi dữ liệu trong sản xuất và khiến Việt Nam có nguy cơ tụt hậu mãi so với các nước phát triển. Các nhà kinh tế đánh giá, nếu Việt Nam không cố gắng vượt bậc sẽ không bao giờ đuổi kịp các nước phát triển, đây là một trong những thách thức lớn nhất với Việt Nam.

Để đạt được mục tiêu GDP tăng 6,5 - 6,7%, chỉ số giá tiêu dùng 4%, xuất nhập khẩu tăng 7 - 8%, Tổng cục Thống kê cho rằng, cơ quan quản lý, các bộ ngành, lãnh đạo địa phương tiếp tục cải cách thể chế, môi trường kinh doanh. Đặc biệt giải pháp để nâng cao năng suất lao động phải đặt lên hàng đầu. Đồng thời, nghiên cứu kỹ các nội hàm, phương thức vận hành của cách mạng 4.0 để hoà chung vào dòng chảy thế giới.

Trong giai đoạn tới, Việt Nam cần tăng cường, phát triển các hoạt động dịch vụ phục vụ xuất nhập khẩu như: dịch vụ vận tải, dịch vụ bảo hiểm, dịch vụ tài chính... nhằm hạn chế tình trạng nhập siêu dịch vụ như hiện nay.

Theo Vietq.vn