Năng suất lao động - “chìa khoá” tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu
“Năng suất lao động là chìa khoá giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực, tham gia có hiệu quả vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời cải thiện thu nhập và điều kiện làm việc tốt hơn cho người lao động. Đây cũng là mục tiêu của Dự án Score do VCCI và ILO thực hiện”.
Ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch VCCI, Giám Đốc Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp VN tại thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) phát biểu tại Diễn đàn “Nâng cao năng suất - Tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu”. Chương trình do VCCI và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thực hiện hôm 27/10 tại TP HCM.
Chìa khoá của phát triển
Đánh giá cao vai trò của năng suất lao động trong môi trường doanh nghiệp, ông Võ Tân Thành cho biết, việc trang bị them năng lực sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam giữ vững được thị trường và tham gia thành công vào thị trường xuất khẩu. Đây cũng là mối quan tâm của chính phủ và toàn xã hội.
Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu và rộng vào nền kinh tế toàn cầu, hàng loạt các hiệp định thương mại song phương và đa phương đang và đã được thảo luận, ký kết.
Trong nỗ lực đó, được sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật của ILO cùng với sự hỗ trợ tài chính từ chính phủ Na Uy và Thụy Sĩ thông qua ILO, từ năm 2011, Chi nhánh VCCI tại TP.HCM đã phối hợp với Dự án Phát triển doanh nghiệp bền vững (SCORE) của ILO triển khai.
Dự án giúp đào tạo và tư vấn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành chế biến gỗ tại các tỉnh Bình Dương, Bình Định, Đồng Nai, Long An và TP.HCM. Sau đó mở rộng tới một số ngành công nghiệp phụ trợ, dệt may nhằm giúp các doanh nghiệp này cải tiến sản xuất, nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí và cải thiện môi trường làm việc từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh.
“Tính đến nay, chương trình đã hỗ trợ cho 121 doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến gỗ, gần 30 doanh nghiệp cơ khí và dệt may với nhiều kết quả tích cực như: 91% doanh nghiệp tham gia tiết kiệm được chi phí sản xuất, 61% doanh nghiệp áp dụng được phương pháp cải thiện giao tiếp tại nơi làm việc, giảm 29% lỗi trên dây chuyền sản xuất, giảm 42 % tỉ lệ thôi việc của nhân viên” - ông Võ Tân Thành nói.
Bên cạnh đó, chương trình cũng giúp nâng cao hơn nữa vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp tại địa phương, thông qua việc tham gia tích cực của đông đảo hội viên và của chính các hiệp hội như Hiệp hội chế biền gỗ Bình Dương (BIFA), Hội chế biến gỗ và lâm sản Bình Định (FPA), Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA)…
Với những thành quả đang khích lệ đó, chiến lược phát triển trong giai đoạn tiếp theo từ 2018-2021 của chương trình là mở rộng đối tượng hỗ trợ sang nhiều lĩnh vực sản xuất khác như công nghiệp phụ trợ, may mặc, da giày, chế biến thực phẩm, điện-điện tử …thông qua việc áp dụng phương pháp và kinh nghiệm đào tạo SCORE đã được phát triển và cải tiến trong giai đoạn 2011-2017.
Các công cụ đào tạo và cẩm nang thực hiện chương trình đào tạo được chia sẻ miễn phí tại địa chỉ www.score.com.vn, các doanh nghiệp trong nhóm ngành được hỗ trợ kể trên cũng có thể liên hệ với VCCI-HCM để đăng ký tìm hiểu và tham gia chương trình.
Thành quả không nhỏ
Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Lê Văn Minh - Giám đốc Công ty gỗ Tường Văn (Bình Dương) cho biết: Công ty đã tham gia vào Dự án Score với chuyên đề Hợp tác nơi làm việc, quản lý chất lượng với sự tham gia của nhiều cán bộ và người lao động. Kết quả sau khi thực hiện: Công ty đã bố trí dây chuyền sản xuất ghế theo lean khá thành công, qua kết quả takt - time từ 14 ngày xuống còn 9 ngày, tiết kiệm được trung 840 triệu đồng; có được văn hoá Kaizen và tinh thần hợp tác nơi làm việc.
Với bà Trương Thị Thu Trâm - Phó Giám đốc Công ty in Minh Mẫn (TP HCM): Sau khi tham gia dự án, người lao động trong công ty đã có tinh thần tự giác, chủ động trong việc duy trì thực hiện chương trình 5S - Kaizen, môi trường làm việc luôn sạch sẽ và mang lại hiệu quả cao tron sản xuất, Kaizen giúp giảm các thao tác thừa và gắn kết tinh thần làm việc, tăng lợi nhuận cho công ty và thu nhập cho nhân viên.
Còn với Bà Nguyễn Thị Hoa - đại diện Công đoàn công ty Pungkook Saigon 3 (Bình Dương): Tham gia dự án, vai trò của tổ chức công đoàn cơ sở được thể hiện rõ rệt và hiệu quả. Công đoàn tham gia đánh giá vào tiêu chí bình chọn công nhân viên xuất sắc cùng Ban giám đốc, nắm bắt ý tưởng đề xuất khen thưởng lên cấp trên, khen thưởng và tuyên dương kịp thời, năng cao ý thức cải tiến không ngừng và chung sức trong sản xuất.
Giúp tăng trung bình 30 % năng suất lao động
Theo ông Micheal Elkin - Cố vấn trưởng Dự án Score toàn cầu: Dự án đã tiếp cận với hơn 1.400 doanh nghiệp tại Bolivia, Trung Quốc, Colombia, Ghana, Việt Nam, Peru…Qua đó giúp hơn 300.000 lao động hưởng lợi từ các cải tiến, trong đó 30 % là lao động nữ; tỉ lệ hài lòng trên toàn cầu với dự án là 88 %; 70 % doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí, với giá trị giao động từ 500-50.000 USD; năng suất lao động tăng bình quân 30 %, với sự dao động giữa các doanh nghiệp từ 0,2 % - 200 %...
Phan Minh