Nâng cao năng lực cơ quan thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp
(Dân trí) - Bảo hiểm thất nghiệp ngày càng thể hiện vai trò “bà đỡ” đắc lực trong trợ giúp người lao động khi gặp khó khăn. Tuy nhiên về lâu dài, chính sách BHTN vẫn cần nhiều điều chỉnh nhằm phù hợp thực tế.
Sáng 29/5, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức Hội thảo Đề án “Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp”.
Hơn 13 triệu người tham gia
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh cho biết: “Chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2009. Sau hơn 11 năm thực hiện, cả nước có trên 13 triệu người tham gia BHTN, chiếm 27,4% lực lượng lao động trong độ tuổi“.
Đánh giá về chính sách, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho rằng, BHTN đã thực hiện tốt vai trò là điểm tựa cho người thất nghiệp với trên 5,2 lượt người được hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó 97% người hưởng trợ cấp thất nghiệp được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí.
Số người được hỗ trợ học nghề có xu hướng tăng năm sau cao hơn năm trước, đã có trên 230.000 người được hỗ trợ học nghề.
Tuy nhiên, kết quả thực hiện bảo hiểm thất nghiệp còn bộc lộ nhiều hạn chế bên cạnh những mặt được.
Tại Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đã chỉ rõ chính sách BHTN chưa thực sự gắn với thị trường lao động, mới tập trung nhiều cho khu vực chính thức, chưa có chính sách phù hợp cho khu vực phi chính thức.
Chính sách BHTN còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, chưa chú ý thỏa đáng đến các giải pháp phòng ngừa theo thông lệ quốc tế.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh cũng cho biết, cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức bộ máy thực hiện BHTN còn nhiều điểm bất cập.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới các hạn chế như: Công tác tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, nhân sự, bộ máy tổ chức.
Ngoài ra, còn nhiều bất cập khác trong quá trình tổ chức thực hiện như: Phần mềm giải quyết hưởng bảo hiểm thất nghiệp; kết nối dữ liệu, chia sẻ thông tin liên ngành, cải cách thủ tục hành chính, tuyên truyền, kiểm soát trục lợi bảo hiểm thất nghiệp.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết, để chính sách bảo hiểm thất nghiệp thực sự trở thành công cụ quản trị thị trường lao động Trong thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH sẽ nghiên cứu, xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm trong có có các nội dung về bảo hiểm thất nghiệp.
Cần giải pháp đồng bộ
Cũng tại hội thảo, ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, thời gian qua, chính sách BHTN đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đặc biệt, khi xảy ra đại dịch covid-19 vừa qua, rủi ro về thị trường lao động đột biến và chưa từng xảy ra.
“Trong thời gian giãn cách xã hội, mọi người hạn chế ra đường nhưng hệ thống thực hiện chính sách BHTN đặc biệt ở những tỉnh thành lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương hàng trăm nghìn người thất nghiệp vẫn đến các TT DVVL đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp và tìm việc làm mới” - ông Vũ Trọng Bình cho biết.
Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, Chính phủ đã ban hành gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ đồng với sự tham gia của rât nhiều Bộ, ban ngành vào cuộc.
Riêng Quỹ BHTN tính đến 30/5 cũng đã chi trực tiếp hơn 4.000 tỷ đồng cho người lao động. Đồng thời, hàng triệu người lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm để quay trở lại thị trường lao động.
Theo Cục trưởng Cục Việc làm, việc xây dựng một Đề án để cải cách, đổi mới về BHTN là một yêu cầu cấp thiết. Quỹ BHXH không chỉ là công cụ an sinh xã hội mà thực chất là một công cụ quản trị thị trường lao động.
Cục trưởng Cục Việc làm nhấn mạnh: “Qua đánh giá của chúng tôi cho thấy, địa bàn nào công nghiệp hóa càng mạnh, thị trường lao động càng phát triển thì vai trò của Quỹ BHTN càng lớn. Điều này cho thấy, Quỹ BHTN có quan hệ chặt chẽ với quá trình công nghiệp của các địa phương, thất nghiệp cũng là một trong những rủi ro của quá trình công nghiệp hóa và Quỹ BHTN sẽ giúp ổn định và phát triển thị trường lao động”.
Nhiều khó khăn về nhân sự
Theo Cục Việc làm, về nhân sự trong các TT DVVL, do chưa có tiêu chuẩn về vị trí việc làm theo chức danh nghề nghiệp; nhân sự còn được giao theo định suất lao động và nhân sự hợp đồng nên chưa được hưởng các chế độ đãi ngộ như viên chức dẫn đến sự tận tâm và gắn bó với công việc còn là thách thức.
Ngoài ra, từ năm 2011 đến nay, số định suất lao động chưa được bổ sung cũng là khó khăn đối với các địa phương có số lượng người thất nghiệp lớn.
Hoàng Mạnh