Nam sinh vặn bố mẹ chồng Tăng Thanh Hà chuyện "người giàu nói gì cũng được"

Hoài Nam

(Dân trí) - Nghe phát ngôn "không thể đánh đổi hạnh phúc để thành công" của nữ doanh nhân Lê Hồng Thủy Tiên, nam sinh viên "vặn" lại, đó có phải là điều quá hoàn hảo, quá lý thuyết?

Các khía cạnh đánh giá về hạnh phúc, thành công, nhất là với nữ giới được đặt ra tại chương trình Đối thoại cùng CEO với chủ đề "Chủ động để thành công và hạnh phúc". 

Nam sinh vặn bố mẹ chồng Tăng Thanh Hà chuyện người giàu nói gì cũng được - 1

Bà Lê Hồng Thủy Tiên chia sẻ với sinh viên về thành công và hạnh phúc (Ảnh: Anh Sinh).

Tại cuộc đối thoại do Trung tâm Hợp tác Doanh nghiệp và các khoa của Trường Đại học Công nghệ TPHCM tổ chức ngày 18/10, trước hàng ngàn sinh viên, bà Lê Hồng Thủy Tiên - Tổng Giám đốc Tập đoàn Liên Thái Bình Dương - chia sẻ hành trình từ một nữ diễn viên, tiếp viên hàng không trở thành doanh nhân của bản thân.

Trong đó, nữ doanh nhân nhấn mạnh yếu tố làm nên thành công phải xuất phát từ ước mơ của mỗi người, phải nuôi dưỡng ước mơ và khát vọng. Mỗi người chính là thuyền trưởng chèo lái con thuyền đi đến ước mơ của mình.

Trước câu hỏi của một nam sinh về việc thành công thường phải đánh đổi bằng hạnh phúc, bà Lê Hồng Thủy Tiên đưa ra quan điểm: "Không thể đánh đổi hạnh phúc để thành công và ngược lại". 

Bởi khi có mục tiêu, mỗi người sẽ nghĩ ra những cách tốt nhất, sao để cân bằng, phấn đấu đạt mục tiêu mà không phải hy sinh cuộc sống và mỗi người có thể cảm nhận niềm hạnh phúc trong thành công đó của mình.

Thực tế, khi tập trung vào công ty, sự nghiệp riêng, người ta có thể sẽ đánh mất những khoảnh khắc bên gia đình. Nhưng điều đó, theo mẹ chồng diễn viên Tăng Thanh Hà, có thể khắc phục được bằng cách mang đến những niềm vui khác cho gia đình.

Điều này cũng giống như lựa chọn, thay bằng việc thu xếp, tận dụng thời gian và không ôm hết việc, người lãnh đạo, quản lý biết phân quyền, chia việc, giao việc cho những người đồng hành. 

Tuy nhiên, nam sinh đặt câu hỏi nói trên "vặn" lại: "Những điều bà Tiên chia sẻ liệu có quá hoàn hảo, lý thuyết? Phải chăng người giàu, người thành công nói gì cũng được, cũng đúng? Lý thuyết đó chỉ đúng với người thành đạt, chứ chưa chắc đã phù hợp với thực tế, với số đông mọi người".

Đáp lại, bà Lê Hồng Thủy Tiên khẳng định, vấn đề đặt ra không phải là lý thuyết. Bà cũng như số đông mọi người, sinh ra trong gia đình nghèo khó, mang trong mình những ước mơ, khát vọng.

Với bà, thành công và hạnh phúc không chỉ là những việc to tát, phải làm điều gì đó lớn lao mà cảm giác đó có thể đến từ những việc, những thứ rất nhỏ bé quanh mỗi người. 

Bà kể chuyện hồi nhỏ, khi bà đi uốn tóc về, vừa bước vào nhà liền bị mẹ cầm chổi đuổi đánh. Sau đó, bà đi duỗi lại tóc. Quyết định duỗi lại tóc, theo nữ Tổng Giám đốc, không có gì khó khăn mà đổi lại sự vui vẻ, hài lòng của mẹ, hai mẹ con không bị căng thẳng.

"Tôi cũng trở nên hạnh phúc khi làm hài lòng người mình yêu thương từ việc rất nhỏ như vậy", bà Tiên nói. 

Trong hiện tại, nữ doanh nhân chia sẻ, đã nhiều lần xin lỗi gia đình khi bản thân không thể tham gia những buổi tụ họp, sum vầy cùng mọi người. Sau đó, bà sẽ thu xếp để bù đắp vào những lúc khác, bù đắp từ những việc rất nhỏ... 

Nữ doanh nhân cho hay, trong cuộc sống luôn có những trắc trở, khó khăn. Mỗi người nếu nhìn sự việc ở góc độ tích cực một chút, hài hước một chút, thông cảm một chút... thì mọi việc sẽ trở nên đơn giản, nhẹ nhàng hơn. 

Bà Lê Hồng Thủy Tiên nhắn nhủ các nhân sự trẻ cần trang bị cho mình thật nhiều kiến thức, kỹ năng, nỗ lực trang bị tiếng Anh để có thể khai thác kiến thức trên Internet một cách hiệu quả nhất. 

Nam sinh vặn bố mẹ chồng Tăng Thanh Hà chuyện người giàu nói gì cũng được - 2

Sinh viên đặt câu hỏi tại chương trình (Ảnh: Anh Sinh).

Nữ Tổng giám đốc thành đạt cũng nhắn nhủ các nữ sinh chuẩn bị cho mình kiến thức ngành nghề chuyên môn, tài chính, kỹ năng ngoại giao, ngôn ngữ cũng như nắm bắt công nghệ, tận dụng những công cụ kỹ thuật mới để khẳng định mình.

Theo bà Tiên, nền kinh tế số chính là cơ hội lớn để nữ giới thể hiện vai trò, giành được những vị trí xứng đáng và tạo ra nhiều cơ hội bình đẳng hơn.  

Bất ngờ có mặt bên cạnh, "tiếp sức" cho vợ vào phút cuối cuộc đối thoại, ông Jonathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương - cho biết, cách đây hơn 60 năm, khi ngồi trên ghế nhà trường, ông đã ước mơ sẽ thành người lãnh đạo tập đoàn tỷ đô la, tập đoàn 25.000 nhân viên. Ước mơ đó là động lực để ông phấn đấu đến giờ.

"Ước mơ không tốn kém, chính ước mơ mới đưa các bạn đến với vị trí mà mình mong muốn. Mỗi bạn trẻ Việt Nam hãy ước mơ và nuôi dưỡng ước mơ của mình. Phía trước các nhân sự trẻ là con đường rất dài, không cần phải đi nhanh, đi vội, hãy từng bước thực hiện ước mơ bằng việc tập trung vào học tập, học để thành người", doanh nhân Jonathan Hạnh Nguyễn nói.