Nam Định: Phập phù nghề thổi thuỷ tinh Xối Chì

Từng là nghề thủ công đại trà, đến nay làng thủy tinh Xối Chì (Nam Định) chỉ còn vỏn vẹn 3 lò thổi thủy tinh.

Những năm 60, người dân làng Xối Chì làm tất cả từ những đồ dùng đơn giản từ thủy tinh như bóng đèn, chai, lọ, ly, cốc, nắp phích... đến những vật trang trí cầu kì, yêu cầu sự kiên nhẫn, tỉ mỉ như những con giống để trưng bày.

Ngày ấy, theo nhiều người dân trong làng, cả làng luôn tấp nập khách thu mua.

Nam Định: Phập phù nghề thổi thuỷ tinh Xối Chì - 1

Làng thổi thủy tinh Xối Chì (Nam Định) nay chỉ còn là vang bóng một thời

Anh Phạm Văn Lĩnh – thôn Xối Chì cho biết, gia đình anh có 3 thế hệ làm nghề thổi thủy tinh. Trong ký ức của anh, năm 1983 là thời kỳ phát triển cực thịnh của nghề với khoảng 85% dân số trong làng thổi thủy tinh (khi đó anh mới 13 tuổi).

Tuy nhiên, đến năm 2000, làng thủy tinh Xối Chì bắt đầu gặp khó khăn do phải cạnh tranh với nhiều mẫu mã trong và ngoài nước. Hình ảnh những lò thổi thủy tinh suốt ngày đỏ lửa, bộn bề những đống nguyên liệu thủy tinh và dãy chai lọ thành phẩm chỉ còn là ký ức.

Nay, thị trường chính để các nghệ nhân duy trì nghề là những chiếc cốc thủy tinh rẻ tiền màu xanh nhạt với những bọt khí còn xót lại quanh thân cốc được sử dụng trong các quán bia hơi bình dân hay những chiếc bóng đèn dầu và vài món đồ lặt vặt khác.

Hiện nay, lò thổi thủy tinh của anh Lĩnh trung bình nấu 2 nồi/ngày đêm, mỗi người thợ thổi làm theo ca, 1 ca 5 tiếng luân phiên đêm, ngày.

Theo ông Đào Xuân Thanh - Chủ tịch Hội nông dân xã Nam Thanh, mỗi ngày, trung bình 1 lò thổi thủy tinh, tiêu thụ hết từ 7 đến 8 tạ thủy tinh nóng chảy, cho ra lò hơn 1.000 sản phẩm.

Tuy nhiên, sản xuất hiện đại với máy móc hiện đại khiến sản phẩm thủ công không còn phù hợp với thị hiếu. Đó cũng là một nguyên nhân khiến nghề thổi thủy tinh Xối Chì ngày càng mai một.

“Cả làng nay hơn nghìn nhân khẩu thì chỉ còn 3 xưởng sản xuất. Mỗi xưởng chưa đến 10 công nhân” - ông Thanh cho biết.

Với mong muốn giữ gìn và phát huy giá trị làng nghề, theo ông Thanh, người dân mong muốn UBND xã Nam Thanh có cơ chế hỗ trợ để các lò sản xuất đầu tư khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ sản xuất, chắt lọc những tinh hoa truyền thống làng nghề, từ đó xây dựng thương hiệu sản phẩm thủy tinh Xối Chì có chỗ đứng vững chắc tại thị trường trong và ngoài tỉnh. 

Theo Lan Vũ/Diễn đàn Doanh nghiệp