Năm dấu hiệu chứng tỏ bạn chọn sai nghề
Bạn biết rằng không có gì trong cuộc sống là hoàn hảo, vì vậy làm tốt công việc của mình để xoa dịu nỗi ngờ vực trong lòng rằng mình đã lựa chọn sai nghề.
Một số liệu điều tra khác của Sở Lao Động Thương Binh Xã Hội TP.HCM cho biết chỉ khoảng 30% sinh viên, học sinh tốt nghiệp có ý định làm việc lâu dài, trong khi 30% muốn tìm việc làm khác vì không phù hợp với khả năng, nguyện vọng và 40% chưa xác định mục tiêu nghề nghiệp.
Đáng chú ý hơn là có đến 40% lao động trẻ chọn nghề chưa phù hợp với nghề mình đang học. Chọn sai nghề giống như đeo gông vào cô, bạn không những không phát huy được năng lực, không thể đạt được đỉnh cao trong sự nghiệp mà còn đánh mất thời gian quý báu của mình.
Dưới đây là 5 dấu hiệu giúp bạn nhận định lại xem có thực là mình đã lựa chọn sai nghề, để từ đó bạn sớm có hướng đi cho riêng mình.
Bạn “cô đơn” tại nơi làm việc
Bạn không có bạn bè tại nơi làm việc. Điều này không có nghĩa là bạn bị cô lập tại nơi làm việc của mình. Bạn vẫn hợp tác với đồng nghiệp để làm tốt công việc được giao nhưng chỉ dựa trên những trao đổi “thô sơ” nhất mà không có sự chia sẻ, giúp đỡ nhau thực sự. Bạn tự xoay sở với công việc của mình và giữ một sự liên kết khá rời rạc với đồng nghiệp. Do đó, hiệu suất công việc không được cao.
Bạn thấy xấu hổ khi nhắc đến công việc của mình
Nếu dấu hiệu này có thì bạn chắc chắn đã lựa chọn sai nghề nghiệp cho mình. Bạn thường lảng tránh câu hỏi của mọi người về công việc của mình. Sự xấu hổ sẽ cản trở khả năng thành công của bạn, hiệu quả công việc thấp. Bạn núp sau những từ hoa mĩ như “tôi là người quản lí” trong khi trên thực tế bạn chỉ là nhân viên tạp vụ trong rạp chiếu phim. Nếu không tự hào về công việc của mình, bạn sẽ không bao giờ thấy được sự hài lòng từ nó.
Khối lượng công việc “đè bẹp” bạn
Đó là việc bình thường khi kết thúc quý hoặc một thời hạn công việc nào đó. Nhưng đó không phải là dấu hiệu tốt nếu nó cứ lặp đi lặp lại khiến bạn thấy choáng ngợp, và luôn trong tình trạng lo âu. Bạn đang có sự lựa chọn sai lầm trong công việc nếu bạn làm nhiều hơn thời gian cho phép. Bạn dễ bị kích động, cảm xúc thay đổi, dễ bị stress.
Bạn đang trì trệ tại nơi làm việc
Điều này không hoàn toàn giống như bạn “thừa năng lực”. Bạn vẫn có thể làm tốt công việc ngay cả khi nó không liên quan đến trình độ chuyên môn của mình, nhưng bạn không cố gắng để hoàn thành nó. Lâu dần nó sẽ khiến bạn tụt lại phía sau. Bạn không muốn bỏ công sức và cống hiến, không muốn phấn đấu. Bạn đã chọn sai nghề khi không có cơ hội làm những điều mình thích, mình say mê.
Không có sự thăng tiến và cơ hội phát triển trong nghề nghiệp của bạn
Công việc của bạn không có gì mới mẻ và hấp dẫn để bạn đầu tư thời gian, công sức để trau dồi chuyên môn, học hỏi kinh nghiệm. Bạn không tận dụng được lợi thế của mình trong công việc. Bạn không có cơ hội phát triển bản thân. Cơ hội không được che giấu dưới những tảng đá, bạn phải nắm bắt được nó.
Hầu hết các công ty đều có ngân sách để gửi nhân viên của họ đi học để nâng cao năng lực chuyên môn. Nếu bạn mới vào nghề, bạn nên học hỏi ở những người đã gắn bó với nơi bạn đang làm việc. Điều quan trọng là phải giữ một tâm thế cởi mở và cố gắng phát huy năng lực của mình.
Nếu bạn thấy những dấu hiệu này đúng trong trường hợp của mình, bạn nên nhìn nhận lại công việc của mình xem nó có phù hợp với mình nữa không để có những quyết định đúng đắn. Chúng ta không nên quá cứng nhắc vì mỗi người luôn có khả năng thích nghi nhất định.
Nếu bạn cảm thấy việc lựa chọn nghề nghiệp của mình không quá sai thì trong quá trình làm việc bạn nên tích lũy kinh nghiệm, trau dồi thêm kiến thức và các kĩ năng mềm để hoàn thành tốt hơn nữa công việc được giao. Còn nếu sự lựa chọn đó là sai lầm, thì bạn nên dứt khoát, chủ động trong việc lựa chọn nghề nghiệp. Tuổi trẻ là tuổi của hoài bão, ước mơ. Nếu được làm việc với đúng sở thích và đam mê của mình, bạn sẽ phát huy được năng lực của mình, hết lòng dốc sức cho đam mê của mình.
Theo Phượng Uyên
Tiền Phong