Năm 2007: Cạnh tranh gay gắt lao động bậc cao
Đòi hỏi tuyển dụng cao sẽ khiến một bộ phận lớn lao động có trình độ CĐ-ĐH khó tìm kiếm việc làm. Sau khi VN gia nhập WTO, sự biến động lao động sẽ diễn ra như thế nào? Ngành nghề nào gia tăng nhu cầu lao động?.
Khảo sát của hơn 2.300 doanh nghiệp (DN) đóng trên địa bàn TPHCM qua dự án mạng thông tin việc làm TPHCM (www.vieclamhcm.net) đặt tại trung tâm Giới thiệu việc làm TPHCM cho biết, các nhóm ngành kỹ thuật công nghệ phục vụ sản xuất, điện tử - viễn thông, cơ khí chính xác, công nghệ thông tin, chế biến thực phẩm cần 30% lao động lành nghề; các nhóm ngành quản trị kinh doanh, tiếp thị, quảng cáo, kế toán, ngân hàng, dịch vụ du lịch cần khoảng 30% lao động; 40% còn lại tập trung vào công nhân có tay nghề, LĐPT các ngành may, giày da, chế biến thực phẩm.
Đồng thời sẽ có một số thay đổi trên thị trường lao động trong năm 2007. Ở nhóm lao động có trình độ chuyên môn, các ngành dịch vụ đào tạo, dịch vụ nhà hàng - khách sạn, tài chính, tư vấn đầu tư nhu cầu sẽ gia tăng. Đáng chú ý nhất là nhu cầu công nhân lành nghề, lao động sản xuất công nghệ cao sẽ tăng mạnh, cạnh tranh về lao động sẽ diễn ra gay gắt ở nhóm lao động chất xám, nhân lực quản lý bậc cao.
Về lâu dài, DN nào có môi trường tốt, chính sách nhân sự, lương thưởng, phúc lợi tốt sẽ thu hút được nhân lực giỏi. Đây có thể coi là tác động tích cực nhất trên thị trường lao động cao cấp thời gian tới.
Về cung lao động, trong tổng số 250.000 lao động có nhu cầu tìm việc trong năm 2007, ước khoảng 15% lao động có trình độ CĐ-ĐH; 30% lao động trung cấp và công nhân kỹ thuật lành nghề; 25%-30% công nhân có tay nghề bậc 3/7 trở xuống, còn lại là lao động phổ thông.
Xu hướng tuyển dụng lao động đòi hỏi ngày càng cao đến trình độ chuyên môn, tin học và ngoại ngữ, sẽ là một trở ngại lớn đối với lao động tìm việc trong thời gian tới. Một bộ phận lớn sinh viên tốt nghiệp CĐ-ĐH sẽ khó tìm việc trước những đòi hỏi ngày càng cao của nhà tuyển dụng.
Theo Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm GTVL TPHCM)
(Tuổi Trẻ)