Mưu sinh trong giá lạnh

Hà Nội đang phải đón những trận rét đậm kéo dài, sương muối và những cơn mưa khiến tay chân tê cóng. Đường phố vắng lặng sau 11 giờ khuya, nhà nhà kín cửa. Vậy mà những thân phận không nhà và người lao động phải dầm sương mưu cầu miếng cơm manh áo.

Trơ trọi giữa mùa đông

 

5 giờ chiều 25/12, tôi xuống bến sông Hồng. Ngày thường nơi đây trở thành địa điểm hóng mát và là sân chơi của lũ trẻ trong “làng nổi”. Còn bây giờ giữa cái rét căm căm, bãi nổi trơ trọi không còn ai.

 

Mực nước sông Hồng xuống thấp càng khiến “xóm nổi” trơ trọi giữa lòng sông, gió lạnh thổi xuyên từ nhà này sang nhà khác. Chị Nguyễn Thị Huyền quê ở Khoái Châu, Hưng Yên cho biết sau một ngày gánh hàng trên chợ về đến nhà là phải đóng kín cửa.

 

Những thứ chị mang từ trên chợ về là rau, mấy lạng tép khô và mấy mét nilông để chống chọi với giá rét. Trong căn nhà nổi của chị có bốn miệng ăn, gồm hai vợ chồng và hai cháu. Chị Huyền bảo từ hôm trời lạnh thu nhập của gia đình giảm một nửa, chỉ được 20.000 đồng trong khi chi phí lại tăng lên. Chỉ riêng việc gia cố nhà chống rét đã mất vài trăm nghìn.

 

Tại khu vực “làng nổi” bến sông Hồng, gần 20 hộ gia đình hiện đang tạm cư sinh sống, họ đến từ các tỉnh khác. Có những gia đình đã sinh sống tại đây gần 20 năm và trải qua cũng từng đấy mùa rét. Hai vợ chồng ông Nhân quê ở Đại Từ, Thái Nguyên được xem là định cư lâu nhất. Cả hai ông bà đã bước qua cái tuổi 60, công việc thường ngày là lên bờ thu mua nilông mang xuống bến giặt sạch bán lấy lời.

 

“Hơn 10 năm sống dưới bến sông nhưng chưa có năm nào lạnh buốt như năm nay! Người trên bờ có thể chống rét bằng áo ấm, còn chúng tôi chống rét bằng công việc, nếu không thì đói”. Ông Nhân bảo nếu sợ lạnh không làm thì túng thiếu đủ thứ.

 

Đêm về có bao nhiêu quần áo mặc tất vào người, xung quanh nhà chỗ nào hở thì che chắn. Bên trong nhà thì đốt lò, khói bếp và hơi lửa sẽ tránh được cảm giác tê cứng toàn thân trong mùa đông. Ông đùa: “Nếu ai không biết sẽ tưởng nhà sắp bốc cháy vì khói bốc tứ tung qua từng khe hở!”.

 

Lạnh buốt nhưng...

 

Mưu sinh trong giá lạnh - 1

Những tiểu thương bán rau dưới chân cầu vượt Mai Dịch lúc 4 giờ sáng.

1h30 ngày 25/12, chợ đêm buôn bán rau tại khu vực Ngã Tư Sở đã bắt đầu xuất hiện những xe hàng đầu tiên. Bình thường chợ vẫn họp từ 3-5 giờ sáng. Người mua hàng là dân buôn trong nội thành, còn người bán đến từ những huyện xa của tỉnh Hà Tây như Ba Vì, Thường Tín.

 

Tiếng xe máy cộng ánh đèn khiến anh Phương giật mình tỉnh dậy. Phản xạ đầu tiên là vén tấm khăn quàng kín mặt và nhìn thẳng về phía xe rau bên cạnh. Anh dò hỏi “mấy giờ rồi?”, chúng tôi đáp “một rưỡi”, anh bảo “thế là mất giấc ngủ”.

 

Nơi anh Phương nằm ngay trước cửa kiốt bán hàng tại chợ Ngã Tư Sở. Anh bảo nằm ngoài trời mùa đông thì ở đâu cũng lạnh, nhưng đến chợ sớm ngồi chờ còn hơn đi đúng giờ xe hỏng là mất cả xe rau. Sau những cái dụi mắt, anh Phương bắt đầu đốt thuốc: “Chúng tôi trồng rau đến vụ thu hoạch phải mang đi bán. Xe gần hai tạ, chạy gần 50km đến được tới chợ là lạnh buốt từ sống lưng lên tận gáy”.

 

Để chống lại thời tiết lạnh giá của mùa đông, anh Phương khoe: “Nếu tính tổng số áo mặc trên người tôi là sáu cái nhưng trước khi lên đường vẫn phải lót dạ một chút nước cáy cho ấm lòng”.

 

3 giờ sáng chợ bắt đầu có người. Chợ họp giữa trời nên bất kể sương gió giá rét, người bán và người mua đều run cầm cập. Công việc đầu tiên của những người phụ nữ bán rau là té thêm ít nước để giữ tươi cho rau.

 

Từng bàn tay seo quắt vì lạnh. Họ trao đổi giá nhưng không thành tiếng, hai hàm răng lập cập đập vào nhau. Họ nhanh chóng thu từng đống tiền lẻ và quẳng vô túi, cách đếm tiền cũng kỳ lạ: thả từng đồng xuống đất sau đó thu lại kẻo nhầm kẹp díp.

 

Chị Lan, vợ anh Phương, than phiền: “Thu nhập của cả hai vợ chồng trông cậy cả vào xe rau. Nếu bán hết được giá thì kiếm được 50.000 đồng, kiếm được thùng gạo cả hai vợ chồng đều ướt, nhất là những hôm trời mưa rét như thế này. Ở quê chúng tôi nhà nào cũng trồng rau, nếu không có sức khỏe thì ít ai có thể chạy chợ được vài năm liền, chỉ cần vài hôm trời lạnh như thế này sức đâu mà chịu nổi!”.

 

Tại tuyến đường Đê La Thành, từng tốp người lao động đang đứng run lẩy bẩy lúc 2 giờ sáng. Một đoạn ống nước vỡ khiến nước sạch bắn tứ tung. Dưới ánh điện lờ mờ nhưng chúng tôi vẫn nhận ra dưới cống nước có người.

 

Những tiếng bì bõm trong đêm, một vài người quần đùi chân đất và cùng một màu da tím tái. Chiếc áo ấm duy nhất trên cơ thể họ là tấm áo đi mưa và hở toàn bộ phần đầu và cổ. Chừng nửa tiếng sau, một công nhân lóp ngóp từ dưới cống bò lên, anh được đồng nghiệp hỗ trợ sưởi ấm bằng một điếu thuốc lá đã được châm sẵn.

 

Những công nhân này cho biết công việc họ đang làm là hàn gắn một đoạn ống nước mới bị vỡ. Giữa đêm đông, nhiệt độ khoảng 70 độ C lại phải tiếp xúc với nước lạnh khiến da thịt như bị dao cắt nhưng vì công việc nên họ vẫn phải dầm mình.

 

Theo Tuổi Trẻ